Điều hành kinh tế cần các chỉ số “biết nói”
Các chỉ số cung cấp thông tin đầu vào ở Việt Nam như tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái, thâm hụt ngân sách, tình hình nợ xấu được cho là còn riêng lẻ, rời rạc, trong khi thiếu những chỉ số phản ánh các điều kiện tài chính chung của cả nền kinh tế. Điều này sẽ khó cho việc lèo lái “đoàn tàu” kinh tế đang cần tăng tốc nhanh.
Một số chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam trong năm 2017, chẳng hạn như GDP tăng 6,81% có thể giúp chúng ta lạc quan hơn nhưng không “đắm chìm” trong chỉ số đó khi thực chất nền kinh tế, được và chưa được, mới là điều quan trọng. Hơn thế nữa, các chỉ số đầu vào cần đảm bảo tính chính xác và cập nhật đầy đủ để có thể giúp ích cho việc hoạch định chính sách.
Thừa và thiếu
Như lưu ý của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) về những rủi ro trung hạn trong nền kinh tế Việt Nam, chẳng hạn, rủi ro tài khóa, nhất là liên quan đến chất lượng và tiến độ củng cố tình hình tài khóa, vẫn cần tiếp tục được quan tâm. Bởi lẽ, nó có thể làm suy giảm đầu tư về hạ tầng và nguồn nhân lực cần có cho tăng trưởng trong tương lai.
Theo WB, về chính sách tài khóa ở Việt Nam, hiện đang có nhu cầu tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách thu và chi nhằm nâng cao hiệu suất thực chất.
Nó bao gồm mở rộng cơ sở tính thu từ thuế, tăng cường quản lý thuế, hợp lý hóa bộ máy hành chính công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư công và trong đấu thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ.
Ngoài ra, rủi ro trong khu vực ngân hàng, dù phần nào đã giảm xuống nhưng vẫn còn, bởi các yếu tố như tỷ lệ an toàn vốn tương đối mỏng, nợ xấu chưa được xử lý triệt để, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao.
Điều kiện tài chính trên toàn cầu bị thắt chặt cũng có thể gây áp lực cho cán cân thanh toán do tỷ giá chưa được linh hoạt đầy đủ và tỷ lệ dự trữ ngoại hối còn tương đối thấp.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra từ một số rủi ro nêu trên là cần được phân tích dự báo cặn kẽ dựa trên những chỉ số chính xác, “biết nói” – vốn đang còn thiếu, chứ không phải những chỉ số để “làm đẹp báo cáo”.
Cuối tuần qua, khi bàn về chuyện này tại hội thảo do trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết Ủy ban có một chức năng là phân tích các tác động kinh tế vĩ mô và các tác động của thị trường tài chính đến nền kinh tế. Thế nhưng, việc phân tích lại đang thiếu vắng nhân tố quan trọng cho chỉ số đầu vào như Chỉ số Điều kiện tài chính – FCI (Financial Conditions Index).
Việt Nam đang đi sau trong việc tham vấn từ chỉ số này. Trong khi đó, thời gian qua, các tổ chức và đặc biệt là ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã sử dụng FCI nhằm phản ánh các điều kiện tài chính chung của cả nền kinh tế theo thời gian, cũng như đánh giá tác động của các điều kiện tài chính đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn và dài hạn.
Tín hiệu đáng mừng
Giới chuyên gia cho rằng điều hành một nền kinh tế có thể được ví như “lèo lái một đoàn tàu”, có những lúc cần tăng tốc để nhanh về đích, nhưng đôi khi phải rà phanh để đảm bảo an toàn và sự vận hành êm ái.
Lẽ đương nhiên, để thành công, ngoài tài năng của người “thuyền trưởng”, vai trò của các “đèn tín hiệu giao thông” là vô cùng quan trọng. Tín hiệu ở đây ám chỉ các chỉ số kinh tế cung cấp thông tin đầu vào cho các nhà hoạch định chính sách.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, UEH, nhận định hiện nay ở Việt Nam, hầu như các chỉ số kinh tế cung cấp thông tin đầu vào cho các nhà hoạch định chính sách được phân tích và đánh giá một cách rời rạc, như tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái, thâm hụt ngân sách, tình hình nợ xấu…
Trong khi đó, đáng lẽ các chỉ số này đều có sự tương tác và ràng buộc lẫn nhau cộng với sự phức tạp của khu vực tài chính đòi hỏi phải có rất nhiều các chỉ số để có thể phản ánh đầy đủ những đặc trưng của khu vực này.
Chính vì vậy, việc công bố Chỉ số FCI lần đầu tiên tại Việt Nam do UEH thực hiện hôm 5/1 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh được nhiều nhà phân tích kinh tế quan tâm. Động thái này được đánh giá sẽ giúp tăng khả năng và độ chính xác trong việc dự báo kỳ vọng tăng trưởng kinh tế.
Đây là chỉ số tổng hợp, tóm tắt tất cả các thông tin về điều kiện tài chính có liên quan đến triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Và theo dự kiến trong năm 2018, định kỳ hàng quý, UEH sẽ công bố chỉ số FCI và sau đó sẽ tiến tới công bố định kỳ hàng tháng.
Một tín hiệu đáng mừng có thể nhận thấy khi lần đầu công bố là chỉ số FCI trong những năm gần đây đang có xu hướng tiến gần và xoay quanh mức 0 – ngưỡng cho thấy các điều kiện tài chính đang ở mức trung bình của cả giai đoạn 2002 – 2017, được xem là thời kỳ năng động nhất của khu vực tài chính Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Điều này đã thể hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành một cách thận trọng và phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô. Ông Bảo cho rằng việc duy trì được FCI xoay quanh ngưỡng này trong các năm tiếp theo sẽ là thành công lớn góp phần ổn định nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng mà không gây ra áp lực lạm phát cao.
Theo chia sẻ của ông Vũ Đức Hải, Giám đốc Kinh doanh ngoại tệ, Eximbank, sự công nhận đối với chỉ số FCI ở Việt Nam cần thời gian để kiểm chứng mức độ tác động đến nền kinh tế. Nhưng nên biết, việc công bố các chỉ số FCI trên quốc tế, như của Hãng tin tài chính Bloomberg được đưa ra hàng giây, hàng phút, của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ thì công bố hàng tuần.