Chiến lược tài chính toàn diện tại châu Á và hàm ý cho Việt Nam
Những năm gần đây, tài chính toàn diện đã trở thành một vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu nhằm phát triển hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội, cung cấp các dịch vụ phù hợp và thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Tài chính toàn diện là vấn đề được nhiều quốc gia chú trọng, trong đó Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và đã giao các bộ, ngành xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Những kinh nghiệm của các quốc gia châu Á sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trong thời gian tới.
Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện: Nhìn từ châu Á
Trải qua nhiều thập kỷ, tài chính toàn diện đã trở thành tầm nhìn chung của toàn thế giới trong sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo, hướng tới một xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng, nơi mọi người đều được thụ hưởng những thành quả do phát triển kinh tế đem lại. Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối vơi người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luận chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính có ý nghĩa như tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm và chuyển tiền cho phép các hộ gia đình nắm bắt cơ hội kinh tế và quản lý các biến động. Khi được toàn diện về mặt tài chính, những người có thu nhập thấp có thể đầu tư vào các hoạt động tạo thu nhập, tiết kiệm và quản lý tài chính tốt hơn và tiếp cận với chuyển từ người thân một cách an toàn hơn, tiếp tục giúp họ tích lũy tài sản một cách an toàn, giúp họ thoát khỏi bẫy đói nghèo và cải thiện hơn cuộc sống và phúc lợi của họ. Tài chính toàn diện cho phép các hộ gia đình cải thiện các kết quả kinh tế và xây dựng nguồn nhân lực bằng cách đầu tư vào y tế và giáo dục, cuối cùng hỗ trợ sự tăng trưởng công bằng và bền vững và giảm bất bình đẳng thu nhập và xã hội.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, các quốc gia ban hành và thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện có mức độ tài chính toàn diện cao hơn là những nước thực thi tài chính toàn diện mà không thông qua chiến lược. WB và Liên minh Tài chính toàn diện (AFI) nhận định, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia sẽ thiết lập nên hệ thống các chiến lược bộ phận, các kế hoạch hành động thống nhất từ các cấp, từ Trung ương đến địa phương, tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia và đồng thời cũng tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có một cách hệ thống, giúp tiết kiệm chi phí và tập trung nguồn lực trong quá trình thực thi tài chính toàn diện giữa các bên có liên quan.
Thống kê cho thấy, đến đầu năm 2016, với 95 nước thành viên AFI, đã có 58 nước ký cam kết tuân thủ theo Tuyên bố Maya, chiếm 61% tổng nước thành viên hiện có và cũng chiếm 54% tỷ lệ người dân không có tài khoản ngân hàng trên tổng dân số thế giới. Trong 58 nước thành viên ký cam kết này, thì có 31 quốc gia đã và đang triển khai Chiến lược tài chính toàn diện tại nước mình và 27 quốc gia thành viên còn lại đang trong giai đoạn xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện của riêng mình. Trong vòng 5 năm qua, số lượng quốc gia đi theo chính sách xây dựng chiến lược tài chính toàn diện đã tăng gần 6 lần.
ASEAN hiện cũng coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột của Tầm nhìn ASEAN 2025 về hội nhập tài chính và đã thành lập Nhóm công tác về tài chính bao trùm để thúc đẩy lĩnh vực này trong khu vực. Theo đó, Ủy ban Công tác về toàn diện Tài chính (WC-FINC) được thành lập có nhiệm vụ thúc đẩy các sáng kiến tại khu vực để nâng cao mức độ toàn diện tài chính trong ASEAN. Thời gian qua, các quốc gia ASEAN cũng đã thảo luận nhằm rút ra bài học kinh nghiệm từ mọi quốc gia về những thách thức cụ thể phải đối mặt và các biện pháp theo đuổi để tăng cường sự toàn diện tài chính.
Hiện nay, đã có nhiều kinh nghiệm các quốc gia thành viên trong việc xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Chẳng hạn, về phổ biến kiến thức tài chính - một trong những thành tố quan trọng tạo nên tài chính toàn diện, Malaysia thường xuyên mở khóa tập huấn về các lợi ích được chia sẻ cho tất cả các bên liên quan. Malaysia xác định 6 bước cần thiết để thiết kế chiến lược mạnh mẽ: Xác định cụ thể tầm nhìn thể chế và kết quả mong muốn của Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; Xây dựng cơ sở hạ tầng và các hệ thống mạnh mẽ để thu thập dữ liệu cho Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; Phổ biến kiến thức tài chính chứng khoán và thực hiện phân tích khoảng trống để xác định các khu vực can thiệp; Xây dựng chiến lược dự thảo và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các bên liên quan để đánh giá phản hồi; Thực hiện các chiến lược và truyền đạt những kỳ vọng cho các bên liên quan; Tiến hành giám sát và đánh giá tác động đối với các mục tiêu đo lường.
Đối với Indonesia, Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện lại tập trung vào 5 trụ cột, gồm:
- Giáo dục tài chính: Nhằm mục tiêu cải thiện (i) Kiến thức công cộng và nhận thức về định chế tài chính chính thức, sản phẩm tài chính và dịch vụ, bao gồm cả tính năng, lợi ích và rủi ro, chi phí, quyền và nghĩa vụ; (ii) Nâng cao kỹ năng của cộng đồng trong kế hoạch tài chính và quản lý.
- Quyền sở hữu công: Nhằm mở rộng bảo lãnh tín dụng để có thể tiếp cận tốt hơn với tín dụng chính thức.
- Cơ sở trung gian tài chính và kênh phân phối: Nhằm mở rộng phạm vi của các dịch vụ tài chính để đáp ứng nhu cầu của các phân đoạn khác nhau của xã hội: Các sản phẩm, dịch vụ và kênh phân phối sáng tạo (ví dụ như dịch vụ tài chính kỹ thuật số, ngân hàng đại lý, ngân hàng di động, ngân hàng xe hơi, ATM di động, và hỗ trợ cơ sở hạ tầng); Các sản phẩm tài chính dễ dàng và an toàn đáp ứng nhu cầu và khả năng.
- Dịch vụ tài chính trong các lĩnh vực công: Nhằm cải thiện quản trị và minh bạch trong việc phân phối ngân quỹ của Chính phủ, như phân phối viện trợ thông qua tiền mặt…
- Bảo vệ người tiêu dùng: Nhằm cung cấp một cảm giác an toàn cho cộng đồng để tương tác với tài chính toàn diện và tận dụng các sản phẩm tài chính, dịch vụ và hệ thống thanh toán được cung cấp.
Đặc biệt, đối với Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), từ năm 2011, Diễn đàn về tài chính toàn diện của APEC đã được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý và các sáng kiến giải pháp chính sách tốt nhất nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên. Diễn đàn đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các tổ chức quốc tế quan trọng như: Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn vốn GE, Công ty tài chính quốc tế (IFC), Nhóm Tư vấn hỗ trợ người nghèo (CGAP), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA), Hội đồng nghiên cứu kinh tế và chính sách (PERC)...
Đối với tài chính toàn diện, APEC vẫn tiếp tục nghiên cứu một khuôn khổ chiến lược tài chính toàn diện mà có thể áp dụng cho mỗi quốc gia thành viên APEC hoặc có thể làm cơ sở thông lệ quốc tế để mỗi thành viên có thể sử dụng và thiết lập nên chiến lược tài chính toàn diện cho riêng quốc gia mình. Trong năm APEC 2017 tại Việt Nam, một trong những chủ đề chính được đưa ra thảo luận là tài chính toàn diện và vai trò của tài chính toàn diện đối với sự phát triển nông nghiệp nông thôn.
Hàm ý cho Việt Nam
Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển tài chính toàn diện thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách nền tảng như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được triển khai từ 2006 và đến nay đã bước sang giai đoạn thứ 3 (2016-2020) thông qua Quyết định số 2545/2016/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020; Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2020, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có mức chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và DN, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Chính phủ Việt Nam nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện làm cơ sở để triển khai thúc đẩy tài chính toàn diện một cách đồng bộ và có hiệu quả trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, điều phối về tài chính toàn diện tại Việt Nam nhằm thúc đẩy lĩnh vực này trong thời gian tới.
Thời gian qua, NHNN đã xúc tiến nhiều hoạt động, đặc biệt là huy động các nguồn lực từ bên ngoài thông qua các hội thảo, hội nghị nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia và tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho quá trình này. Hiện nay, NHNN cũng đang xây dựng dự thảo khung chiến lược quốc gia tài chính toàn diện dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ thông qua vào năm 2020. Bên cạnh đó, nhiều kinh nghiệm thu nhận từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC được nghiên cứu để đưa vào Chiến lược này.
Dự kiến, mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam là “bảo đảm tất cả người dân ở độ tuổi trưởng thành và DN Việt Nam được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu với chi phí hợp lý, được cung ứng bởi các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm”.
Nội dung Chiến lược dựa trên 3 trụ cột chính là: Một hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính bền vững tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối hiện đại; Một hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm; Những người tiêu dùng hiểu biết tài chính và được bảo vệ đầy đủ bằng hệ thống pháp luật. Các trụ cột này sẽ bao hàm nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới mục tiêu.
Việc đánh giá thực hiện chiến lược cũng sẽ được quan tâm chú trọng, nhằm bảo đảm thành công của Chiến lược. Theo đó, các nội dung ưu tiên sẽ là: Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ giúp đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính và xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và giáo dục tài chính. Trong đó, quan tâm đặc biệt đối với các đối tượng dễ bị tổn thương (các DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ, người nghèo nông thôn, phụ nữ…) nhằm hỗ trợ, giúp các đối tượng này tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
1. ThS. Lê Phương Lan, ThS. Nguyễn Thị Hương Thanh (2017), Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam – Ý nghĩa và sự cần thiết, Cổng Thông tin khoa học công nghệ ngành Ngân hàng;
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2017), Tài chính toàn diện tại Việt Nam – Cơ hội và thách thức;
3. Trang điện tử của Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện ở Việt Nam – https://www.apec2017.vn/ap17-c/gallery/asia-pacific-forum-financial-inclusion;
4. Trang điện tử về tài chính toàn diện của Ngân hàng Thế giới – http://www.worldbank.org/en/topic/financialinclusion/overview;
5. Một số website: datatopics.worldbank.org, afi-global.org, sbv.gov.vn…