Điều kiện nào để Kế toán viên chuyên nghiệp ASEAN hành nghề tại Việt Nam?
Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1529/QĐ-BTC ngày 09/8/2021 về Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN. Có hiệu lực từ ngày ký, Quy chế này được xây dựng trên các cam kết của Việt Nam tại thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.
Theo quy định tại Thỏa thuận, một người có quốc tịch của một nước thành viên ASEAN có đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn và đáp ứng các yêu cầu quy định của Quy chế này có thể đăng ký để được ghi tên vào Đăng bạ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPAR) và nhận danh hiệu kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ASEAN CPA).
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp tại mỗi quốc gia thành viên ASEAN (ở Việt Nam là Bộ Tài chính) sẽ ủy quyền cho Ủy ban Giám sát của nước mình (ở Việt Nam là Ủy ban Giám sát của Việt Nam) tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình đăng ký của các ASEAN CPA để trình Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN xem xét phê duyệt và duy trì Đăng bạ ASEAN CPA của quốc gia mình theo quy định của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.
Một ASEAN CPA có nguyện vọng cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán tại một quốc gia thành viên ASEAN khác phải đủ tư cách để đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp của nước sở tại để trở thành Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký.
Một ASEAN CPA đến từ một nước thành viên ASEAN tham gia Thỏa thuận phải đăng ký với Bộ Tài chính Việt Nam để được làm việc với tư cách là Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký tại Việt Nam.
Một Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký sẽ chỉ cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trong phạm vi năng lực của mình khi được công nhận và chấp thuận bởi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp của nước sở tại là thành viên ASEAN và chỉ thực hiện các công việc theo các quy định cụ thể đã đăng ký.
Đồng thời, Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký đó phải tuân thủ: Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp với các chính sách về đạo đức được thiết lập và ban hành bởi nước xuất xứ nơi Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký đăng ký là ASEAN CPA; Pháp luật và quy định về hành nghề của nước sở tại là thành viên ASEAN nơi mà người đăng ký được phép làm việc như một Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký; đồng thời, Làm việc trong sự hợp tác với các kế toán viên, kiểm toán viên của nước sở tại là thành viên ASEAN tuân theo pháp luật và các quy định của nước sở tại.
Tại Việt Nam, một ASEAN CPA đến từ một nước thành viên ASEAN tham gia Thỏa thuận phải đăng ký với Bộ Tài chính Việt Nam để được làm việc với tư cách là Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký tại Việt Nam.
Sau khi được chấp thuận, Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký không được hành nghề độc lập mà phải làm việc trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán; doanh nghiệp kiểm toán; chi nhánh doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp, tổ chức khác có chấp nhận RFPA; không được ký báo cáo kiểm toán, báo cáo về dịch vụ đảm bảo khác và các dịch vụ liên quan (dịch vụ phi đảm bảo) và các dịch vụ kế toán đòi hỏi phải có Giấy phép hành nghề trừ khi người đó đã được cấp Giấy phép hành nghề bởi Bộ Tài chính Việt Nam theo quy định của Luật Kế toán hoặc Luật Kiểm toán độc lập.
Bộ Tài chính Việt Nam sẽ giám sát và đánh giá hoạt động thực tiễn chuyên môn của Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký để đảm bảo tuân thủ Thỏa thuận. Bộ Tài chính Việt Nam có thể ban hành những quy định mà không đi ngược lại hoặc làm thay đổi bất cứ điều khoản nào của Thỏa thuận nhằm mục tiêu duy trì các tiêu chuẩn cao về hành nghề và đạo đức trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.