Định hướng đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Pv. (tổng hợp)

Trong những năm qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và cho phép các đơn vị này được sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) vào mục đích kinh doanh. Qua đó, đã đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng TSNN, khai thác có hiệu quả nguồn lực sẵn có từ TSNN gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tế cho thấy, với việc hệ thống văn bản pháp luật được hoàn thiện, quá trình triển khai thực hiện các chủ trương này đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong cơ chế hiện hành cũng như công tác tổ chức thực hiện nhằm phù hợp với tình hình mới.

Mới đây, tại cuộc họp báo chuyên đề về định hướng đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập và chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa, Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) đã đề xuất một số định hướng để sửa đổi, bổ sung cơ chế hiện hành đối với cơ chế quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:

Điều kiện đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị quản lý

Theo Cục Quản lý Công sản, tới đây cần mở rộng đối tượng đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị quản lý theo hướng các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đều đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì chỉ thực hiện xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý trong trường hợp tài sản nhà nước được giao có khả năng sử dụng vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 32 Luật Quản lý, sử dụng TSNNc và phải được cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận trình Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Công sản cũng đề nghị loại bỏ một số điều kiện để tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý gồm: Bỏ điều kiện đơn vị phải có đề án sử dụng TSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt do việc giao vốn là việc lâu dài, còn việc sử dụng tài sản cụ thể vào mục đích gì lại được xác định tại một thời điểm cụ thể, khi đó mới cần lập đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, nên bỏ điều kiện “Nhà nước không tăng thêm kinh phí, trừ các trường hợp nhà nước giao thêm nhiệm vụ hoặc bổ sung một số phần cho tiền lương tăng thêm theo chế độ của Nhà nước”" do việc bố trí kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước bởi điều có thể tạo tâm lý e ngại cho các đơn vị khi thực hiện giao vốn.

Trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản và giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý

Về trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản và giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, Cục Quản lý Công sản cho rằng, cần rà soát tổng thể trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản và giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý để cắt bỏ những nội dung không cần thiết, quy định cụ thể nội dung, cách thức thực hiện và thời hạn thực hiện từng khâu công việc để đẩy nhanh tiến độ giao tài sản cho đơn vị.

Theo đó, không cần xác định giá trị tài sản để giao vốn cho đơn vị đối với phần diện tích đất Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013. Qua đó, giúp cắt giảm thủ tục, chi phí xác định giá trị quyền sử dụng đất của gần 1.000 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất.

Ngoài ra, sử dụng Bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất của địa phương để xác định giá trị quyền sử dụng đất giao cho đơn vị (thay cho việc đơn vị phải thuê tư vấn thẩm định giá xác định, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt); xác định giá trị tài sản khác đã được theo dõi trên sổ kế toán theo hướng sử dụng giá trị còn lại trên sổ kế toán để xác định giá trị nhằm cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Đồng thời, quy định cụ thể thời hạn xác định giá trị tài sản, thời hạn báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định giao tài sản và thời hạn quyết định giao tài sản cho đơn vị để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và đẩy nhanh tiến độ giao tài sản cho đơn vị. Rút ngắn thời hạn bàn giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính từ 60 ngày xuống còn 15 ngày để đẩy nhanh tiến độ giao tài sản cho đơn vị.

Theo đánh giá của Cục Quản lý Công sản, với những quy định nêu trên, có thể rút ngắn được ít nhất 1/2 thời gian từ khi bắt đầu kiểm kê, xác định giá trị tài sản đến khi hoàn tất việc giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước

Cần tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập sau khi được Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành nhằm giúp cho các cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ lợi ích từ việc xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị quản lý, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh phải tổ chức rà soát lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để xác định đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị quản lý làm căn cứ pháp lý triển khai các công việc tiếp theo. Công việc này dự kiến phải hoàn thành trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.

Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát hệ thống chế tài xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; đặc biệt là các trường hợp không thực hiện việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý nhưng vẫn sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh, sử dụng nguồn thu từ TSNN không đúng quy định.

Cục Quản lý Công sản cho biết, các thông tin liên quan đến việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý, cũng như việc sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh cũng sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN để theo dõi, quản lý và công khai theo quy định của pháp luật.