Giao tài sản Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp không phải để "thu lợi"

Theo baohaiquan.vn

Chiều ngày 28/7, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề thông tin về những định hướng đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (TSNN)tại đơn vị sự nghiệp công lập và chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa (XHH).

Toàn cảnh buổi họp báo. Nguồn: internet
Toàn cảnh buổi họp báo. Nguồn: internet

Nâng cao hiệu quả sử dụng

Trả lời câu hỏi của Báo Hải quan về biện pháp để kiểm soát tình trạng một số đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang cho thuê, cho mượn, sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích thu lợi cao diễnđang diễnra tràn lan, Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng khẳng định, việc Nhà nước xác định giá trị tài sản Nhà nước để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý không phải là nguyên nhân của việc cho thuê, cho mượn, sử dụng tài sản vào các mục đích thu lợi cao (thương mại, dịch vụ).

Mục tiêu của việc này vừa là để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản hiện có gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển dịch vụ sự nghiệp công, vừa là để Nhà nước có sự kiểm soát đối với việc sử dụng TSNN vào hoạt động kinh doanh đúng mục đích được giao.

Ông Thắng dẫn chứng: Tại Điều 32 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã đặt ra 4 yêu cầu khi sử dụng TSNN vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết, trong đó yêu cầu tiên quyết là “Không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm”.

Tại các Điều 43, 44, 46 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP đã quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện, thẩm quyền quyết định cho thuê, liên doanh liên kết, xác định giá trị tài sản khi cho thuê, liên doanh liên kết theo giá thị trường, quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết.

Tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể chế tài đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến việc xác định giá trị tài sản, sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết phải đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN để cơ quan quản lý các cấp có thể kiểm soát được việc sử dụng tài sản và số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh.

Khắc phục tồn tại cũ

Tại buổi họp báo, ông Trần Đức Thắng cho biết: Chủ trương khuyến khích XHH là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội cùng tham gia chăm lo phát triển các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp (dịch vụ sự nghiệp công) để người dân được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ với số lượng và chất lượng ngày càng tốt hơn.

Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thế thao, môi trường, đồng thời Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 135/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Nghị định số 69 đã quy định những ưu đãi, hỗ trợ cao nhất, thuận lợi nhất của nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực nhà nước khuyến khích XHH thông qua cơ chế sử dụng đất đai, tài sản, tiếp cận tín dụng, ưu đãi thuế, phí, lệ phí,...

Quá trình thực hiện cho thấy Nghị định số 69 đã tạo ra bước đột phá, thu hút nhiều nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực nhà nước khuyến khích XHH. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thực hiện, một số quy định trong việc sử dụng đất đai, tài sản cũng đã bộc lộ hạn chế, cần được sửa đổi để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn mới và phù hợp với các quy định của pháp luật mới được ban hành trong thời gian gần đây như: Luật Đất đai năm 2013, cơ chế sử dụng TSNN theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN, quy định mới về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập...

Nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của xã hội đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích XHH, phù hợp với tình hình mới của đất nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2014 và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 156/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định 59 và Thông tư 156 đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế của chính sách cũ; tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu khuyến khích XHH, phát triển kinh tế xã hội và người dân được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công với số lượng và chất lượng ngày càng tốt hơn.

Để những ưu việt của chính sách mới được nhanh chóng đưa vào cuộc sống, ông Trần Đức Thắng cho hay: Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn chính sách, hội thảo, chuyên đề chuyên sâu để tuyên truyền chính sách này tới các đối tượng thực hiện công việc chuyên môn có liên quan đến chính sách. Một số địa phương cũng đã chủ động tổ chức tập huấn cho các đơn vị thuộc địa bàn.

Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài), Bộ Tài chính cũng đã tích cực tuyên truyền chính sách đến người dân; giải đáp chính sách khi có yêu cầu.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách trên thực tế tại địa phương nhằm phát hiện những vướng mắc chính sách để có những giải đáp hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp; xử lý những trường hợp sai phạm.

“Sau 1 năm thực hiện chính sách, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện chính sách để có cái nhìn tổng quát và có phương án xử lý khi có vướng mắc chung” – ông Thắng cho biết thêm.