Định hướng hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo

Mai Hằng

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, 100% dự án đa cấp tiền ảo nở rộ gần đây đều có dấu hiệu lừa đảo và rửa tiền. Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiền ảo. Yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia và cũng là giải pháp mà Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Theo PGS., TS. Lê Vũ Nam, Trưởng khoa Luật Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, nhận thức của người dân về tiền ảo và bản chất của nó chưa thật sự đầy đủ. Điều này đã dẫn tới không ít các hoạt động liên quan đến tiền ảo lợi dụng tính phức tạp về công nghệ và sự thiếu hiểu biết của công chúng để thực hiện các hành vi bất chính như: rửa tiền, huy động vốn trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và làm phức tạp thêm tình hình kinh tế - xã hội.

Bản thân tiền ảo chỉ có thể trở thành phương tiện thanh toán cho các giao dịch điện tử mà không trở thành đồng tiền thanh toán cho các giao dịch giao kết theo phương thức truyền thống bởi nó không tồn tại trong thế giới khách quan. Việc tạo ra tiền ảo cũng không dựa trên bất kỳ sự bảo đảm về giá trị nào và cũng không dựa vào bất kỳ tín hiệu nào của thị trường tiền tệ. Điều này khác hoàn toàn so với đồng tiền truyền thống.

Trong thực tế, do chưa có khung pháp lý về quản lý tiền ảo nên cũng chưa có khái niệm chính thức về đồng tiền này. Mặc dù có những cách hiểu khác nhau ở các quốc gia nhưng về bản chất có thể rút ra một số đặc điểm đối với tiền ảo như sau:

- Về chủ thể thể “tạo tiền”: Khác với tiền tệ theo cách hiểu truyền thống do Ngân hàng Trung ương phát hành, tiền ảo là do một người hoặc một nhóm người tạo hoặc “đào” ra trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại, được mã hóa và được lưu trữ trong hệ thống máy tính có giá trị quy đổi thể hiện thông qua đồng tiền truyền thống. Điều này làm cho tiền ảo trở thành công cụ dự trữ giá trị và công cụ để đầu tư.

- Về chức năng thanh toán của tiền ảo: Thực tiễn cho thấy, trong một số trường hợp, tiền ảo có thể được mua bán, trao đổi, đầu tư hoặc là phương tiện thanh toán trong các giao dịch có phạm vi hạn chế. Thế nhưng, chức năng thanh toán này không thay thế cho đồng tiền truyền thống, vì về bản chất chức năng thanh toán của tiền ảo trong giao dịch không ương ứng như vai trò của một phương tiện trung gian thanh toán theo quy luật ngang giá. Thực chất, tiền ảo trong trường hợp này là một loại tài sản được các bên chấp nhận trao đổi, có giá trị tương đương với các tài sản, hàng hóa đối ứng.

- Về hình thức tồn tại: Tiền ảo được tạo ra và được lưu trữ dưới dạng điện tử gắn với đồng tiền của các quốc gia. Hay nói cách khác, giá trị của tiền ảo được đo lường bởi đồng tiền quốc gia cũng như bất kỳ tài sản nào được phép lưu thông. Vi vậy, bản thân tiền ảo chỉ có thể trở thành phương tiện thanh toán cho các giao dịch điện tử mà không trở thành đồng tiền thanh toán cho các giao dịch giao kết theo phương thức truyền thống bởi nó không tồn tại trong thế giới khách quan. Việc tạo ra tiền ảo cũng không dựa trên bất kỳ sự bảo đảm về giá trị nào và cũng không dựa vào bất kỳ tín hiệu nào của thị trường tiền tệ. Điều này khác hoàn toàn so với đồng tiền truyền thống.

Trước thực tế trên cùng với xu hướng ngày càng có nhiều quốc gia xem tiền ảo như một đối tượng cần phải có sự quản lý bằng pháp luật, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiền ảo. Yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia và cũng là giải pháp mà Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc sản xuất và lưu thông, đầu tư tiền ảo không gây nguy hại đến chính sách tiền tệ quốc gia, định hướng hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo như sau:

Thứ nhất, không công nhận chức năng là phương tiện thanh toán của tiền ảo và không coi tiền ảo là một loại tiền.

Thứ hai, chỉ nên coi tiền ảo là một tài sản đặc biệt tồn tại dưới dạng vô hình (tài sản kỹ thuật số), được phép lưu thông có điều kiện, theo những quy chế đặc thù; tiền ảo có thể là đối tượng của các giao dịch mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế hoặc có thể dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; cho phép và kiểm soát các hoạt động phát hành cho công chúng đối với tiền ảo; cho phép thành lập và kiểm soát các sàn giao dịch tiền ảo.

Thứ ba, cần thu thuế các hoạt động liên quan đến tiền ảo.

Thứ tư, theo kinh nghiệm từ Singapore, trước khi hoàn thiện những khung pháp lý chính thức, nên tiếp cận và đưa ra các quy định quản lý “mềm”, như quy định về chống rửa tiền, trốn thuế hay nhận diện khách hàng. Đây là cách quản lý sẽ có lợi cho tất cả các bên, bao gồm cơ quan quản lý, khách hàng hay nhà đầu tư.

Trong khi chưa hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo, để phòng ngừa có hiệu quả tình hình tội phạm núp bóng thực hiện các hành vi bất chính, trước mắt cần tập trung vào các vấn đề sau:

Một là, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới việc huy động tài chính, kinh doanh đa cấp tiền ảo, lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Hai là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật. Cần siết chặt kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán. Đồng thời, cần tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để phân biệt tiền ảo, tiền điện tử, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo bất hợp pháp, sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…).

Bốn là, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tiền ảo, mối quan hệ giữa nó với tài sản thực, tiền thực; vai trò của và tác động của tiền ảo tới pháp luật…để sớm hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế.