Định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2019

Công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp. Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm… là những nguyên nhân kìm hãm sự tăng trưởng của ngành này ở Việt Nam. Để ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Đây cũng là nội dung được phân tích trong bài viết.

Cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm…
Cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm…

Tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

Thời gian qua, ngành công nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển theo chiều rộng, theo hướng gia công lắp ráp như: dệt may, giày dép, ô tô, xe máy, thiết bị điện và điện tử… là chủ yếu. Thưc tế hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như: Điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến cho hoạt động sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao.

Nhà nước mặc dù đã định hướng và có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) hỗ trợ phát triển, tuy nhiên những ưu đãi này chưa cụ thể và còn mang tính chất cào bằng. Đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi nhất lại không phải là DN nội mà chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 70%).

Nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn DN trong nước chưa đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu. Số DN Việt Nam tham gia trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn khá khiêm tốn. Các DN cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các DN Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các DN Đài Loan, cuối cùng mới là các DN Việt Nam, với tỷ trọng thấp vìvẫn đang còn khoảng cách tiêu chuẩn chất lượng khá lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước.

Điều này dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt Nam thấp, năng lực cạnh tranh của các DN trong các ngành này yếu kém… Do vậy, để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong điều kiện tự do hóa thương mại, cần nâng cao được tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước. Muốn làm tốt được điều này Việt Nam phải nhanh chóng phát triển CNHT, bởi ngành này có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

Định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới - Ảnh 1

Theo đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển CNHT, đặc biệt là các ngành có tiềm năng xuất khẩu cũng như có chỗ đứng, khi mức sống của người dân tăng lên như hóa dầu, chế biến nông sản xuất khẩu, kinh tế biển, công nghệ thông tin, ôtô… Thực tế cho thấy, quy mô và năng lực của các DN CNHT còn nhiều hạn chế.

Trong những năm gần đây, ngành CNHT Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, đạt được một số kết quả tích cực trong lĩnh vực sản xuất xe máy, điện gia dụng, trong đó ngành điện gia dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa khá cao đến 70-80%.

Thực tế đã có nhiều tập đoàn lớn của Nhật, Đài Loan đầu tư góp vốn liên doanh xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, CNHT Việt Nam vẫn còn chậm phát triển, do quy mô CNHT trong nước còn đơn giản, nhỏ, lẻ chủ yếu sản xuất các linh kiện chi tiết giản đơn, giá trị gia tăng thấp và có sự chênh lệch về năng lực đối với các yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu.

Mặc dù Việt Nam đã tự chủ được một số loại sản phẩm CNHT cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, song vẫn còn nhiều sản phẩm cần được hỗ trợ để phát triển như: Chất bán dẫn, mạch in, khuôn nhựa trong ngành điện tử; phôi thép, thép tấm, thép hình, khuôn mẫu trong ngành cơ khí; và vải trong ngành dệt may, da giầy. Bên cạnh đó, một số sản phẩm CNHT Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh, chủ yếu là các sản phẩm hóa dầu như hạt nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo… Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng yếu kém của ngành CNHT Việt Nam gồm:

- Các sản phẩm phụ trợ của Việt Nam cung cấp chất lượng còn thấp và giá thành cao (vìcông nghệ lạc hậu, vìquản lý kém...), nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các DN nhà nước.

- Việc lựa chọn sản phẩm CNHT để tập trung phát triển còn chưa phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn, làm phân tán nguồn lực hỗ trợ, trong khi nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế.

- Chính sách hỗ trợ về tài chính chưa rõ ràng, hạn chế tính chủ động của DN. Ví dụ, theo quy định tại Thông tư số 14/2012/TT-NHNN về việc hỗ trợ lãi vay 15%/năm đối với DN phát triển CNHT cho thấy, Nhà nước thực sự quan tâm và muốn phát triển ngành công nghiệp này, song thực tế hiện nay, các DN sản xuất hàng phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu, do đó, rất khó tiếp cận được nguồn vốn này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đang thiếu các định chế trung gian để hỗ trợ các DN trong phát triển sản phẩm CNHT cũng như Việt Nam chưa có tổ chức chuyên lo thúc đẩy phát triển CNHT …

- CNHT Việt Nam chậm phát triển là bởi khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng rào thuế quan giảm xuống, các chi tiết cùng linh kiện theo đó cũng được giảm thuế, nên các nhà đầu tư, lắp ráp thường tìm mua các chi tiết, linh kiện từ bên ngoài…

Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

Chính phủ xác định mục tiêu đặt ra đến năm 2020, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp; Có khoảng 1.000 DN CNHT đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam và đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 DN.

Về giá trị sản xuất công nghiệp, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp, trong đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa…

Hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ Công Thương đề xuất hàng loạt các giải pháp về chính sách và phát triển thị trường cho CNHT. Trong đó, giải pháp tập trung là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển; có chính sách ràng buộc và khuyến khích địa phương trong bố trí ngân sách cho CNHT; thúc đẩy thị trường cho ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ôtô, điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư.

Cùng với các giải pháp trên, phát triển CNHT thời gian tới cần có một lộ trình triển khai đồng bộ với 4 yếu tố quan trọng sau:

Thứ nhất, về nhân lực. Nên áp dụng những biện pháp khuyến khích đào tạo và học tập về ngành CNHT như đưa ra những chính sách khen thưởng, chứng chỉ cho các cá nhân có quá trình học tập tốt, có tay nghề cao. Đặc biệt, Chính phủ nên có các chương trình hỗ trợ đào tạo dành cho các DN Việt Nam; tập trung chú trọng vào các DN có mong muốn trở thành nhà thầu phụ hoặc sản xuất sản phẩm phụ trợ cho các DN khác. Các chương trình đào tạo cũng cần tập trung vào kỹ năng còn thiếu và yếu của các DN nội địa sản xuất sản phẩm phụ trợ như: Kỹ năng vận hành máy móc thiết bị, quản lý chất lượng sản phẩm...

Chính phủ xác định mục tiêu đặt ra đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp; Có khoảng 1.000 DN công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam và đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 DN.

Thứ hai, về công nghệ: Nhà nước cần lập ra “Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho DN nhỏ và vừa”. Trung tâm này sẽ có chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các DN như dịch vụ tư vấn về đổi mới công nghệ, cải tiến trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia tư vấn kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng ứng dụng và hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ, giúp các DN tiếp cận công nghệ mới…

Những trung tâm hỗ trợ kỹ thuật này sẽ thúc đẩy các DN nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản trị kinh doanh, vươn ngang tầm các DN lớn, đủ khả năng trở thành nhà sản xuất phụ trợ cho các DN sáng tạo là những tập đoàn, công ty đa quốc gia.

Thứ ba, về tài chính: Trong giải pháp tài chính, đề xuất hình thành gói tín dụng ưu đãi khoảng 100.000 tỷ đồng - với cơ chế tương tự như gói tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao. Để thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ, trong đó, ưu tiên về tín dụng cho CNHT, Chính phủ có thể sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng một quỹ tài chính đảm bảo cho việc phát triển CNHT của những ngành đã được chỉ định.

Việc chỉ định các ngành, các sản phẩm cần phát triển là việc chỉ rõ các phạm vi ưu tiên để có nguồn ngân sách cụ thể, minh bạch. Cùng với đó, Nhà nước nên thành lập một tổ chức tín dụng chuyên đảm bảo vốn cho DN phụ trợ và có cam kết rõ ràng trong việc hỗ trợ tài chính cho các DN này khi có nhu cầu tiến hành hoạt động đổi mới kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ mới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có ưu đãi về thuế thu nhập DN hoặc miễn, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, máy móc cho các DN phụ trợ. Cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành CNHT rất cần mặt bằng để phát triển, vìthế Chính phủ nên dành quỹ đất hợp lý cho các khu CNHT, trong đó có đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ như nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ kiểm định chất lượng, dịch vụ tài chính…

Thứ tư, hệ thống phân phối, tăng nhu cầu nội địa là một trong những nội dung tác động đòi hỏi phải đẩy nhanh việc phát triển CNHT. Để làm tốt điều này, thời gian tới cần chú trọng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi và ban hành các chính sách có tính chất ổn định, bền vững.

Như vậy mới có thể tạo thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư và mở rộng các cơ sở kinh doanh; đồng thời, khuyến khích các nhà thầu phụ, sản xuất phụ trợ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp kích cầu sản phẩm phụ trợ, hay nói cách khác, dung lượng thị trường về sản phẩm phụ trợ sẽ mở rộng thêm.

Quan trọng hơn, mọi giải pháp đều phải xuất phát từ DN, đều do DN đề đạt và hướng tới việc làm sao cho các DN phụ trợ Việt Nam chủ động hơn trong hợp tác, hỗ trợ, tận dụng thế mạnh, kỹ năng của nhau để đưa ra được các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tăng liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm trong sản xuất linh kiện, chi tiết, phụ tùng… để tham gia vào chuỗi cung cấp sản phẩm của họ.

Tài liệu tham khảo:
1. Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần giải pháp đồng bộ cho doanh nghiệp, http://www.ipcs.vn;
2. Tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Báo Diễn đàn doanh nghiệp online, 23/7/2019;
3. Nhật Phương (2019), Đề xuất hàng loạt giải pháp cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, Báo Nhà báo và Công luận.