Mục tiêu và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam


Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển ngành công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển.

Mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Công nghiệp hỗ trợ không phải là ngành công nghiệp mang tính chất "phụ trợ" mà là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành Công nghiệp hỗ trợ phát triển, bởi đây là yếu tố quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Ý thức rõ điều này, các quốc gia trên thế giới đều xác định rõ, tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm xây dựng nội lực quốc gia và tự cường đất nước.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, 25% giá trị sản xuất công nghiệp; Tỷ trọng giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến, chế tạo; Hình thành các cụm nhóm tổ chức sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh của Việt Nam, gắn với xu thế hội nhập và phân công hợp tác quốc tế...  Xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại... Trước mắt, cần tập trung hỗ trợ tài chính phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với một số nhóm ngành ưu tiên như: Dệt may; Da giày; Điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp xe máy - ô tô và Cơ khí - chế tạo... Cụ thể:

Ngành Dệt may

Phát triển sản xuất các loại vải cho may xuất khẩu, một số loại hóa chất, chất trợ nhuộm, chất làm mềm, các loại chất giặt, các loại hồ dệt có nguồn gốc tinh bột, hồ hoàn tất tổng hợp; các loại phụ liệu may khác. Phấn đấu đến năm 2020, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu vải dệt thoi; tự sản xuất trong nước khoảng từ 40 - 100% tuỳ loại phụ tùng cơ khí dệt may vào năm 2020. Đáp ứng 80% nhu cầu nội địa và tiến tới xuất khẩu sau năm 2020; Đồng thời, xây dựng 3 trung tâm nguyên phụ liệu dệt may tại các tỉnh: Hưng Yên, Long An và Bình Dương, Đà Nẵng.

Ngành Da giày

Phối hợp với ngành Dệt may đẩy nhanh khả năng cung ứng các loại vải dệt để sản xuất giày dép, đặc biệt là giày dép vải xuất khẩu, sản xuất nguyên vật liệu da và giả da cung cấp cho sản xuất giầy dép xuất khẩu, sản xuất nguyên liệu mũ giày (giả da PVC, giả da PU...) và một số máy móc thiết bị ở khâu trau chuốt hoàn tất, nâng cao năng lực thuộc da, chất lượng sản phẩm và đa dạng hoá các mặt hàng da thuộc. Nâng tỷ lệ sử dụng nguyên phụ liệu trong nước đạt khoảng 70 - 80% vào năm 2020.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành Da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025, ngành Da giày là ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn, với sản phẩm chiến lược là giày dép, ưu tiên giày thể thao và giày vải, giày dép da thời trang, cặp, túi chất lượng cao, sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ, da thuộc, vải giả da chất lượng; nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới; tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt khoảng 14,5 tỷ USD; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm năm 2020 đạt khoảng từ 75 - 80%.

Giai đoạn 2015 - 2025, tổng sản lượng giày dép các loại đạt 1,698 triệu đôi vào năm 2020 và 2,272 triệu đôi vào năm 2025. Các con số tương ứng của nhóm cặp - túi - ví các loại là 170; 285; 438 triệu đôi… Định hướng sản phẩm chiến lược mà ngành Da giày đặt ra cụ thể là: Giày dép (ưu tiên giày thể thao và giày vải, giày dép da thời trang, cặp, túi chất lượng cao), sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ, da thuộc, vải giả da chất lượng; nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới; phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt hơn 14,5 tỷ USD; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm năm 2015 đạt khoảng 60 - 65%, năm 2020 đạt khoảng 75 - 80%.

Triển vọng thị trường sản phẩm da-giầy-túi xách của Việt Nam ngày càng lớn gắn với lộ trình giảm thuế, bảo đảm xuất xứ địa lý sản phẩm theo cam kết các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia… Triển vọng thị trường sản phẩm da giày Việt Nam là tích cực, đặc biệt, khi mức thuế xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và các nước trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ chỉ còn 0% và Việt Nam bảo đảm xuất xứ địa lý sản phẩm theo quy định…

Ngành Điện tử - tin học

Sớm đáp ứng nhu cầu về linh kiện lắp ráp đơn giản, các chi tiết nhựa, khuôn mẫu, mạch in… Phát triển các cơ sở sản xuất, thiết kế các hệ thống bán dẫn tích hợp cao, vi điều khiển, các thiết bị SoC, IC thông minh, những sản phẩm tín hiệu hỗn hợp, vi mạch có bộ nhớ nhanh, bộ nhớ SDRAM...; Các hệ thống bán dẫn tích hợp cao, các phần mềm nhúng, bảng mạch tích hợp dùng cho thiết bị thông tin, máy tính, thiết bị ngoại vi, đồ điện, điện tử gia dụng… Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng nguyên vật liệu trong nước trên giá thành sản phẩm ước đạt trên 30%.

Ngành Sản xuất và lắp ráp ô tô

Tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành Ô tô theo cụm công nghệ, gồm cabin, khung, vỏ, hệ thống treo, động cơ, cầu, các đăng, hộp số, hệ thống lái cho các loại xe tải, xe khách và xe chuyên dụng. Phát triển có chọn lựa một số loại động cơ, hộp số, bộ truyền động và phụ tùng với số lượng lớn phục vụ lắp ráp ô tô trong nước và tham gia xuất khẩu. Phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu các chi tiết hỗ trợ thông dụng, có thể sử dụng cho nhiều loại xe… bảo đảm yêu cầu chất luợng của nhà lắp ráp, tiến tới hoàn thiện các mẫu xe mang thương hiệu Việt Nam.

Các công nghệ mới cần được lựa chọn để đảm bảo không lạc hậu tối thiểu sau 15 năm. Tỷ lệ sử dụng linh phụ kiện sản xuất trong nước đến năm 2020 cho xe khách là 75%, xe tải là 85% và xe con là 30%. Từng bước tham gia xuất khẩu một số linh kiện, phụ tùng. Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước sản xuất các phụ tùng đến năm 2020: Cabin xe tải từ 70% lên 95%; Khung xe tải từ 90% lên 95%; Khung xe khách từ 80% lên 90%; Vỏ xe khách từ 70% lên 80%; Hệ thống xe khách từ 70% lên 80%; Cụm động cơ từ 50% lên 60%; Hộp số và cầu xe từ 60% lên 75%...

Ngành Cơ khí chế tạo

Nâng cao năng lực đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn để chế tạo chi tiết, phụ tùng cho sản xuất 3 nhóm sản phẩm cơ khí chính là thiết bị đồng bộ, máy công cụ, máy móc xây dựng. Đáp ứng khoảng 75%, nhu cầu nội địa về phôi đúc, rèn.

Đồng bộ chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Quá trình sử dụng chính sách, nhất là tài chính cho phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đến năm 2020 cần quán triệt các quan điểm sau:

Thứ nhất, sử dụng đồng bộ, tập trung và hợp lý các công cụ chính sách nhằm đẩy nhanh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian tới, cần chú ý sử dụng đồng bộ, hài hòa tất cả các công cụ, nhất là chính sách thuế, đầu tư và tín dụng để tạo môi trường và xung lực tích cực để tạo động lực cho công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh, vững chắc. Kết hợp toàn diện giữa điều hành Nhà nước, cơ chế thị trường, tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế, không cào bằng và không bao cấp kéo dài trong thực hiện các chính sách tài chính.

Thứ hai, phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế. Thực hiện sự phân công hợp tác quốc tế vừa là yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế khi tham gia hội nhập, vừa là điều kiện tiết kiệm nguồn lực của xã hội, giảm chi phí.

Thứ ba, cụ thể và linh hoạt các công cụ chính sách, đồng thời, kiểm soát các lạm dụng ưu đãi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Thực tế, khả năng nguồn lực tài chính là hạn hữu, nhu cầu nguồn lực tài chính cho phát triển công nghiệp hỗ trợ là vô hạn. Vì vậy, cần chọn lọc, ưu tiên những ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ đáp ứng Chiến lược phát triển công nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo động lực thu hút nguồn lực FDI...

Công cụ chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cần đảm bảo tính nhất quán, xuyên suốt, thể hiện quyết tâm và ổn định trong phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, cần đảm bảo các giải pháp không cố định, cứng nhắc, linh hoạt theo từng thời kỳ. Các cam kết thực thi trong giai đoạn liên tục thể hiện sự nhất quán của Chính phủ trong hoạch định giải pháp và điều hành thực hiện giải pháp…

Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

Để góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, phát triển các khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ chuyên sâu: Việt Nam hiện có khoảng 300 KCN, khu chế xuất (KCX) và gần 900 cụm công nghiệp; tuy nhiên, lại có rất ít các KCN hỗ trợ chuyên sâu. Vì vậy, thời gian tới, cần hỗ trợ các địa phương thực hiện quy hoạch khu kinh tế, KCN; rà roát, chuyển đổi hoặc thành lập mới một số KCN hỗ trợ chuyên sâu, với quy mô phù hợp; Hỗ trợ cho các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, với những ưu đãi thích hợp về quỹ đất đai, phát triển hạ tầng, tiền thuê đất…

Phát triển sản xuất để tăng tính chủ động và giảm giá thành nguyên phụ liệu là động lực quan trọng cho phát triển bền vững và hiệu quả ngành Da giày Việt Nam. Trước hết, cần xây dựng quy hoạch vùng công nghiệp da giày, kể cả ngành thuộc da, phát triển công nghiệp phụ trợ, với các cơ chế, chính sách phù hợp. Cùng với đó, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế với các chính sách hỗ trợ đặc thù về đất, thuế và ưu đãi vay vốn để đầu tư xây dựng một KCN thuộc da tập trung và một số cụm công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành Da giày; bố trí tại địa phương tập trung nhiều nhất các doanh nghiệp (DN) của ngành, kết hợp với KCN dệt nhuộm của ngành Dệt may...

Ngoài ra, đồng bộ và nhất quán việc thực thi các chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ ngành da giày như đối với phát triển các công nghiệp hỗ trợ khác, cụ thể gồm: Những ưu đãi về khuyến khích đầu tư phát triển thị trường, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực, các chương trình xúc tiến thương mại; Hỗ trợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu để sản xuất da thuộc, vải giả da, đế giầy, keo dán tổng hợp, hóa chất thuộc da, da muối, dây giầy, nhãn mác, chỉ may giầy, phụ tùng máy móc thiết bị sản xuất của ngành da- giày…

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, 25% giá trị sản xuất công nghiệp; Tỷ trọng giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến, chế tạo…

Đồng thời, xây dựng và áp dụng thống nhất quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực da giày, đáp ứng yêu cầu hội nhập và pháp luật của Việt Nam; Nghiên cứu các quy trình công nghệ xử lý chất thải dạng rắn, lỏng, khí trong thuộc da, sản xuất giầy dép và chế biến đồ da theo công nghệ tiên tiến, thân thiện và bảo vệ môi trường; Phát triển năng lực phân tích đánh giá nguyên phụ liệu, sản phẩm và môi trường ngành; Xây dựng các website chuyên thông tin và xây dựng các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Khuyến khích và tạo áp lực cần thiết để DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng liên kết và chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất và cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu, hình thành các mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, dịch vụ giữa các DN, tập đoàn lớn với các DN nhỏ và vừa theo chuỗi cung ứng thích ứng...

Cần có kế hoạch đa dạng hoá nguồn nguyên liệu cung ứng nhập khẩu và sản xuất, phát triển các khâu thiết kế, chế tạo mẫu mã và ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để chủ động sản xuất các sản phầm da giày với thương hiệu Việt Nam, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh… Huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành Da giày Việt Nam theo hướng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Xây dựng các cụm – KCN tập trung để kêu gọi các DN sản xuất, nhất là sản xuất sản phẩm da thuộc nhằm tạo điều kiện xử lý môi trường…

Bên cạnh đó, cần chủ động đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo nghề và phát triển các khâu thiết kế, chế tạo mẫu mã và xúc tiến thương mại để chủ động sản xuất các sản phẩm da giày-túi xách thuơng hiệu Việt Nam, chất lượng cao và giá thành cạnh tranh.

Hai là, cụ thể và đồng bộ hóa các ưu đãi: Các DN công nghiệp hỗ trợ không chỉ được hưởng ưu đãi đầu tư mở rộng như các DN khác, mà còn cần được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp nhất, cùng với thời hạn miễn và giảm thuế cao nhất.

Lãi suất cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được áp dụng mức thấp nhất trong khung lãi suất cho vay trung và dài hạn của ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ cho từng lĩnh vực cụ thể trong cùng thời kỳ. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 03/QĐ-TTg, trong đó, bổ sung cơ chế ưu đãi riêng cho các DN hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ và các DN nhỏ và vừa trong các lĩnh vực, ngành nghề khác. Trường hợp đặc biệt có thể được cấp bảo lãnh tín dụng bằng 100% giá trị khoản vay của khách hàng tại tổ chức tín dụng để các DN đầu tư vào máy móc, thiết bị… Thời gian tới, cần nghiên cứu phân cấp và giảm chi phí, thời gian xét duyệt dự án cấp ưu đãi theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg và Quyết định 1483/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ: Tiếp tục triển khai Quyết định số 1201/2012/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, góp phần nâng cao tay nghề, chất lượng lao động cho các DN và địa phương. Để triển khai hiệu quả chính sách này cần khuyến khích các đối tác đầu tư nước ngoài phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đưa vào chương trình đào tạo hàng năm kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ; Tăng liên kết giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất; Thu hút các chuyên gia nước ngoài tham gia đào tạo các ngành nghề như điện tử tin học, tự động hoá, cơ khí chính xác, các công nghệ hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới; Đào tạo đội ngũ các nhà quản lý DN, các chuyên gia bậc cao, những chuyên viên kỹ thuật giỏi…

Bốn là, đẩy mạnh xúc tiến thị trường và chuyển giao công nghệ: Tiếp tục khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ quảng cáo miễn phí trên các trang web của các Sở Công Thương (chú ý bổ sung nội dung trang web bằng tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài); Xây dựng cơ sở dữ liệu về DN có vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường các trang thông tin về tình hình, chính sách đầu tư và xúc tiến đầu tư bằng các thứ tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng của những nước là các nhà đầu tư chiến lược hoặc các nhà đầu tư có tiềm năng; Đẩy mạnh việc tiếp xúc, trao đổi, hỗ trợ các nhà đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp nói chung. Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở làm căn cứ cho việc định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia. Trong các dự án đầu tư phát triển và trong hợp tác sản xuất kinh doanh cần đặc biệt coi trọng yếu tố chuyển giao công nghệ mới, coi đây là một trong những yếu tố để quyết định dự án đầu tư.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần dành một phần ngân sách thỏa đáng để cử người đi đào tạo ở những quốc gia có truyền thống phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ;

2. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 1483/QĐ- TTg ngày 26/8/2011 ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;

3. Chính phủ, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

4. Bộ Công Thương, Quyết định số 5540/QĐ-BCT phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2011 – 2020;

5. Bộ Tài chính (2010), Thông tư số 214/2010/TT-BTC về hướng dẫn chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và để đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm;

6. Thái Linh (2018), Tìm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, báo Nhân dân điện tử.