Định hướng trong xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra thuế năm 2021
Thực hiện Công văn số 1792/TTCP-KHTH ngày 19/10/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2021, ngày 22/10/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản số 12997/BTC-TTr hướng dẫn xây dựng kế hoach thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021. Trong Văn bản này đã nêu rõ định hướng trong thanh tra, kiểm tra thuế năm 2021.
Bộ Tài chính cho biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế; việc quản lý thuế phải đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Ngoài ra, thuế luôn gắn liền với các vấn đề tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, do đó, công tác quản lý thuế nói chung và thanh tra, kiểm tra thuế nói riêng luôn được Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế quan tâm, chú trọng.
Tại Văn bản số 12997/BTC-TTr, về định hướng chung trong thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế chú trọng thanh tra công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn; thanh tra chống thất thu thuế, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế.
Trong đó, cần tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện lực, doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù...; các doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngân hàng, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá; các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài; doanh nghiệp chế xuất.
Việc thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế cần bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước. Thanh tra, kiểm tra đánh giá tài chính doanh nghiệp, các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra giá, trong đó tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, thuế nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Tiếp tục tăng cường thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế lớn, các doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...
Văn bản số 12997/BTC-TTr nêu rõ, trong năm 2021, Tổng cục Thuế cần định hướng xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra thuế tập trung vào các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế.
Thứ hai, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực có dự địa thu lớn; tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao như: Xăng dầu; điện lực; viễn thông; ngân hàng; bảo hiểm; cho thuê tài chính; dược phẩm; sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng; công ty xổ số kiến thiết; kinh doanh bán lẻ; sản xuất kinh doanh phân bón; sản xuất kinh doanh sản phẩm từ nhựa; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (bao gồm doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông lâm thủy hải sản); xây dựng (bao gồm cả trang trí, thiết kế nội thất); sản xuất, kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng; doanh nghiệp khai thác kinh doanh cát, sỏi lòng sông; sản xuất, kinh doanh ôtô, xe máy, xe điện các loại, truyền thông quảng cáo; các tập đoàn, Tổng công ty, công ty có số thu nộp thuế lớn; các doanh nghiệp đa ngành nghề; các doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn; các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế; có rủi ro cao về hoá đơn, về hoàn thuế.
Thứ ba, thanh tra, kiểm tra các ngành nghề kinh doanh đặc thù như: kinh doanh qua mạng; bán hàng đa cấp; kinh doanh game; doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm hoặc lợi nhuận báo cáo thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực.
Thứ tư, công tác kiểm tra nội bộ tập trung kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về thuế; việc thực thi công vụ của công chức thuế; công tác quản lý tài chính, tài sản; công tác tổ chức cán bộ. Kiểm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; kiểm tra đột xuất theo yêu cầu quản lý và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Tổng cục Thuế cho biết, nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2020 trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế; từ nay đến cuối năm, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp ít tác động của dịch bệnh Covid-19; nhất là thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Chỉ đạo các phòng chức năng đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và thanh tra các cấp đối với người nộp thuế theo đúng quy định; góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2020 được giao.