DNNN giữ vai trò chủ đạo: Có còn phù hợp?

Theo TBKTSG

Mô hình phát triển kinh tế dựa trên các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo được đánh giá là không còn phù hợp. TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng khu vực kinh tế nhà nước khó có thể phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng:

Có sự nhầm lẫn về mặt tư duy lý luận trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam. Người ta đang nhầm lẫn việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phải có khu vực kinh tế nhà nước lớn, lấy khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo.

Theo ý chí này, khi nền kinh tế mở cửa, để chống chọi với sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, Việt Nam cần có những tập đoàn lớn. Điều này không sai, nhưng người ta đã nhầm về cấu trúc sở hữu của các tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như cơ cấu nội bộ của nó phải vận hành như thế nào.

Thực tế, nhiều nền kinh tế lớn đều dựa vào một số tập đoàn lớn, nhưng những tập đoàn này đều thuộc sở hữu tư nhân hoặc quyền sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước và tư nhân.

Quan trọng hơn, tư nhân vẫn nắm quyền kiểm soát và vận hành tập đoàn. Chính điều này tạo ra động lực kiểm soát quá trình vận hành bộ máy của các tập đoàn kinh tế này đi đúng quỹ đạo. Điều này càng đúng hơn, khi quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cổ đông ở những tập đoàn này, gắn liền với đồng tiền mà họ bỏ ra.

“Nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực chủ chốt mà tư nhân không làm hoặc chưa làm được”. Nhiều văn kiện chính thức khẳng định như thế. Có phải đó là lý do khu vực kinh tế nhà nước vẫn được coi là chủ đạo?

Cần phân biệt, thế nào là ngành nghề chủ chốt? Chủ chốt không có nghĩa là theo tiêu chí riêng của ngành nghề đó. Nhà nước cần tham chiếu các nước trong khu vực, ít nhất là Đông Nam Á, hoặc các quốc gia có trình độ đi trước Việt Nam khoảng 10-15 năm. Đơn cử, ở Thái Lan, thị trường gạo đã được tư nhân hóa hơn 100 năm qua.

Cụ thể hơn, về lâu về dài ở lĩnh vực năng lượng như điện, nước, xăng dầu... Nhà nước cũng cần có lộ trình để tư nhân hóa, quan trọng là phải có cách tư duy đúng để hành động đúng. Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện toàn diện và triệt để hơn. Chuyển đổi sở hữu phải đi đôi với việc tạo dựng thị trường cạnh tranh. Hai công việc này phải thực hiện đồng thời, làm được điều này, Nhà nước sẽ xóa bỏ được độc quyền ở một số ngành nghề và thị trường hóa các ngành nghề không quan trọng mà Nhà nước đang nắm giữ hiện nay.

Theo ông, trở ngại lớn nhất của việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là gì?

Ngân sách nhà nước còn phụ thuộc vào tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn. Nguồn thu chính của Nhà nước là thuế, nguồn thu này chủ yếu từ những tổng công ty và tập đoàn nhà nước. Điều này, vô hình trung đã tạo cho tập đoàn nhà nước có những lợi thế nhất định.

Đã có không ít trường hợp, doanh nghiệp nhà nước tác động vào chính sách để giành lợi thế cho ngành nghề của họ. Chưa kể doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều điều kiện ưu ái trong kinh doanh hơn so với khu vực kinh tế tư nhân. Điều này đã tạo một sự nhầm lẫn lớn, dẫn đến việc tập đoàn tự cho mình là quan trọng. Những vấn đề này đã cản trở việc cải cách doanh nghiệp nhà nước và làm trì trệ sự phát triển kinh tế của đất nước.

Mô hình phát triển dựa trên khu vực kinh tế nhà nước chỉ xuất hiện chủ yếu ở những quốc gia có trình độ phát triển thấp. Cùng với sự phát triển của thị trường, khu vực kinh tế nhà nước ngày càng thu hẹp lại. Quốc gia nào vẫn giữ tỷ lệ khu vực kinh tế nhà nước cao sẽ làm trì trệ sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Đơn giản, vì doanh nghiệp nhà nước thường được hưởng những đặc quyền, đặc lợi, những mối quan hệ ràng buộc về lợi ích... với khu vực quản lý kinh tế nhà nước. Hệ quả tất yếu là vai trò giám sát và điều hành doanh nghiệp nhà nước chồng chéo lẫn nhau. Khi quy mô của các tập đoàn tăng quá nhanh, những nhà quản lý lại “hụt hơi”.

Theo ông, vấn đề lớn nhất trong quản trị các doanh nghiệp nhà nước là gì?

Ở đây tôi chỉ muốn nói đến vai trò của người sử dụng, điều hành doanh nghiệp nhà nước ở vị trí là một cổ đông. Dưới góc nhìn này, người điều hành, sử dụng và giám sát nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhưng không phải là tài sản của họ.

Hầu như động lực kiểm tra, giám sát của các cổ đông trong việc sử dụng vốn của Nhà nước không lớn do vai trò không tách bạch và rõ ràng. Điều này đã tạo ra một mô hình quản trị doanh nghiệp lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm. Đây chính là lỗ hổng về mặt quản trị của tập đoàn kinh tế nhà nước.

Ý của ông là việc xảy ra tình trạng thất thoát vốn của các doanh nghiệp nhà nước là do “cha chung không ai khóc”?

Không hoàn toàn như vậy. Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng các tập đoàn lớn mạnh, trở thành “những cú đấm thép” cho nền kinh tế. Chúng ta chưa thể kết luận mục tiêu này có phù hợp với tình hình thực tế hay không. Tuy nhiên, việc tập trung đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng lên những tập đoàn kinh tế lớn trong một thời gian ngắn đã thể hiện tính nóng vội của mục tiêu này.

Bởi không một quốc gia nào, trong thời gian quá ngắn, có thể xây dựng được những tập đoàn kinh tế thật sự vững mạnh, có thể cạnh tranh sòng phẳng với những tập đoàn kinh tế lớn, những ngành công nghiệp lớn trên thế giới. Quy mô doanh nghiệp phình ra, số lượng công ty con của các tập đoàn nhà nước tăng nhanh mà không theo một quá trình tự nhiên, chính là sự bất cập.

Doanh nghiệp cũng như cơ thể con người, không thể nào lớn quá nhanh, trái với quy luật tự nhiên. Như tôi đã nói ở trên, khi một doanh nghiệp tăng trưởng quá nhanh nhưng năng lực quản lý của các thành viên không được cải thiện và nâng cao thì chất lượng quản lý sẽ giảm sút, việc mất kiểm soát là điều tất yếu xảy ra. Quan trọng nhất là nguồn lực trí tuệ của những tập đoàn nhà nước hiện nay lại tỷ lệ nghịch với quy mô của nó.