Đo lường mối quan hệ giữa tăng trưởng việc làm và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam


Trong những năm vừa qua, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức từ 5% đến 7%, một con số đáng mong ước của các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lại chủ yếu đến từ việc gia tăng vốn đầu tư và sử dụng nhiều lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để làm sáng tỏ điều này, bài viết tập trung đánh giá thực trạng và phân tích định lượng nhằm làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, nhân tố đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Đặt vấn đề

Giữa việc làm và kết quả đầu ra của nền kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các nhà kinh tế học thường sử dụng hệ số co giãn để đo lường mối quan hệ này. Hệ số co giãn việc làm (EEC) là hệ số đo lường phản ứng thay đổi của việc làm thông qua sự thay đổi kết quả đầu ra của nền kinh tế trong đó việc làm được tính bằng số lao động đang làm việc và kết quả đầu ra của nền kinh tế được tính bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng giá trị gia tăng (GVA). Thay đổi việc làm được đo lường bằng tốc độ tăng lao động và thay đổi kết quả đầu ra của nền kinh tế được đo bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hệ số co giãn việc làm được sử dụng rộng rãi để phân tích hoạt động của thị trường lao động, nó thể hiện mức % thay đổi của việc làm tương ứng với 1% thay đổi của tăng trưởng kinh tế hay muốn có thêm 1% tăng trưởng kinh tế trong một thời kỳ nhất định cần tăng thêm bao nhiêu % việc làm trong thời kỳ đó. Do đó, xác định hệ số co giãn việc làm để nắm bắt tính hiệu quả của thị trường lao động với sự thay đổi các điều kiện kinh tế vĩ mô, đại diện bởi tăng trưởng kinh tế.

Trong thực tế, tăng trưởng kinh tế có thể phụ thuộc vào nhiều nhân tố chứ không chỉ do gia tăng lao động. Chính vì thế, việc tính hệ số co giãn việc làm thường giả định là các nhân tố khác không thay đổi và chỉ có tăng lao động dẫn tới tăng trưởng kinh tế.

Có nhiều phương pháp tính hệ số co giãn việc làm. Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp ước tính trực tiếp. Dựa trên số liệu về việc làm và kết quả đầu ra của nền kinh tế trong một kỳ nghiên cứu do cơ quan thống kê công bố để ước tính trực tiếp hệ số co giãn việc làm, hệ số co giãn được tính theo công thức sau:

Trong đó:

Đo lường mối quan hệ giữa tăng trưởng việc làm và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 1

EEC: Hệ số co giãn việc làm;        

GL: Tốc độ tăng lao động;   

GY: Tốc độ tăng trưởng kinh tế;    

L: Số lao động đang làm việc trong nền kinh tế;        

Y: Kết quả đầu ra;     

t và t-1: Kỳ báo cáo và kỳ báo cáo trước đó.     

EEC < 1 và GY > 0: Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng của lao động, hệ số co giãn việc làm càng nhỏ tới 0 thì tăng trưởng kinh tế được coi là càng ít thâm dụng lao động.

EEC > 1 và GY > 0: Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng của lao động, hệ số co giãn việc làm càng lớn thì tăng trưởng kinh tế được coi là càng thâm dụng lao động.

EEC = 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng tốc độ tăng lao động, tăng trưởng kinh tế được coi là co giãn 1 đơn vị theo lao động.

EEC = 0: Tốc độ tăng của lao động = 0, tăng trưởng kinh tế hoàn toàn không co giãn theo lao động.

EEC = ∞: Tốc độ tăng trưởng kinh tế = 0, tăng trưởng kinh tế co giãn hoàn toàn theo lao động.

Trong trường hợp GY < 0: Nền kinh tế đang suy giảm, thường không xem xét hệ số co giãn việc làm trong các trường hợp này.

Dấu của hệ số co giãn +/- cho biết, thay đổi của lao động với thay đổi của tăng trưởng kinh tế là cùng chiều (+) hay trái chiều (-).

 Thực trạng tăng trưởng kinh tế, việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nhìn chung, trong giai đoạn 2007-2017, tình hình kinh tế-xã hội có sự biến động mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị tác động và phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (năm 2007). Trong những năm gần đây, khi Việt Nam có những chính sách phù hợp để ứng phó với tình hình trong và ngoài nước thì tăng trưởng kinh tế ổn định hơn.

Là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, kinh tế Việt Nam đã phải đối đầu ngay những tác động ngay sau khi gia nhập WTO và bùng nổ nợ công năm 2012 ở các nước châu Âu. Mặc dù vậy, dưới sự quản lý và điều hành của Chính phủ, các ngành kinh tế của Việt Nam đã từng bước phục hồi và tăng trưởng bền vững (Hình 1).

Nguồn: Tổng cục Thống k&ecirc; v&agrave; t&iacute;nh to&aacute;n của t&aacute;c giả
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Hình 1 cho thấy, tăng trưởng của các ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ năm 2008. Kể từ năm 2010, cơ sở tính giá trị hàng hóa được tính theo giá so sánh 2010 cùng với đó là thay đổi phương pháp thống kê của cơ quan thống kê Việt Nam (Tổng cục Thống kê) là tách biệt phần Thuế sản phẩm trừ trợ cấp ra khỏi từng ngành, trở thành một phần riêng lẻ. Điều này đã làm giảm cơ cấu đóng góp của các ngành vào GDP, tuy nhiên nó phản ánh đầy đủ và chính xác hơn về tỷ trọng đóng góp của mỗi ngành kinh tế vào tăng trưởng.

Cơ cấu đóng góp của ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm dần qua các năm và các ngành Công nghiệp xây dựng và dịch vụ có hướng tăng dần kể từ năm 2010. Điều này đúng với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam khi nâng cao đóng góp của các ngành Công nghiệp và xây dựng, Dịch vụ, hơn nữa ngành dịch vụ luôn có tỷ trọng cao hơn ngành Công nghiệp.

 Năng suất lao động

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trong giai đoạn 2005 - 2010, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là nhờ vào nguồn lao động ngày càng tăng và sự chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ, đóng góp khoảng 2/3 mức tăng trưởng GDP, chỉ 1/3 còn lại là kết quả của việc cải thiện năng suất trong các ngành kinh tế.

Các ngành sản xuất của Việt Nam thường tạo ra giá trị gia tăng thấp và chủ yếu là tận dụng lợi thế lao động dồi dào giá rẻ. Các sản phẩm xuất khẩu đa dạng, chiếm 1/3 tỷ trọng kim ngạch là sản phẩm dệt may, da giầy và đồ nội thất. Tiềm năng tăng trưởng dựa vào tăng vốn và số lượng lao động hiện đã không còn nhiều. Muốn duy trì tăng trưởng cao phải dựa vào tăng năng suất lao động thông qua tái cơ cấu thành phần kinh tế cũng như áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến hơn.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.166 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 2007-2017, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (1,5%/năm); Malaysia (1,9%/năm); Thái Lan (2,5%/năm); Indonesia (3,5%/năm); Philipinnes (2,8%/năm).

Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% mức năng suất của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 56,7% của Philipinnes. Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Tăng trưởng việc làm

Việt Nam là nước có quy mô dân số lớn, tháp dân số tương đối trẻ và bắt đầu bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với nguồn nhân lực dồi dào nhất từ trước đến nay. Tính đến hết năm 2017, dân số nước ta đạt 96,02 triệu người, trong đó nữ chiếm khoảng 48,10%. Gia tăng dân số trong những năm qua kéo theo gia tăng về lực lượng lao động.

Nhìn chung, mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xét cơ cấu lực lượng lao động theo giới tính, tỷ lệ lao động nam lại nhiều hơn nữ với trên 50% lao động là nam giới. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không đáng kể và cho thấy lao động nữ chiếm một lượng đông đảo. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, những mâu thuẫn giữa sinh đẻ và làm việc, cơ hội tìm được việc làm vừa ý sau khi sinh là thấp.

Hiện nay, lực lượng lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (chiếm trên 22%), tiếp đến là khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung (trên 21%) và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 19,2%. Đây là các khu vực có diện tích đất rộng, tập trung nhiều thành phố lớn, khu đô thị và nhiều khu công nghiệp, thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh nên thu hút đông đảo lao động tập trung ở những khu vực này. Những khu vực chiếm tỷ lệ thấp là những khu vực có diện tích đất hẹp, nhiều đồi núi, ít khu đô thị và khu công nghiệp nên không thu hút nhiều lao động đến đây.

Lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng gần 70%. Con số này có xu hướng giảm qua các năm, nhưng vẫn ở mức cao. Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn ở độ tuổi từ 15-30, chiếm 70% số thanh niên và 60% lao động nông thôn. Tuy nhiên, 80% trong số này chưa qua đào tạo chuyên môn. Đây là trở ngại lớn cho lao động nông thôn trong tìm kiếm việc làm.

Tính đến năm 2017, dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam hơn 72,04 triệu người (chiếm khoảng 75% tổng dân số cả nước), trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 75,5%, với 54,4 triệu người. So với năm 2010 (tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 75%), lực lượng lao động tính đến năm 2017 tăng cả về tỷ lệ và số lượng tuyệt đối.

Hệ số co giãn việc làm ở Việt Nam

Để tiến hành đo lường hệ số co giãn việc làm nhằm kiểm định mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng việc làm ở Việt Nam, tác giả sử dụng số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam. Trong đó, để thống nhất cách tính, tác giả lựa chọn năm 2010 là năm gốc. Kết quả tính toán được trình bày trong Hình 2.

Nguồn: T&iacute;nh to&aacute;n của t&aacute;c giả theo số liệu của GSO Việt Nam
Nguồn: Tính toán của tác giả theo số liệu của GSO Việt Nam

Kết quả tính toán cho thấy, ở Việt Nam đà tăng tốc của nền kinh tế bắt đầu chậm lại và suy giảm trong giai đoạn 2007-2009. Giai đoạn này đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam với thế giới, ghi nhận qua sự kiện Việt Nam gia nhập WTO. Kinh tế phục hồi nhẹ trong năm 2010 nhờ chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ năm 2009 nhưng liên tiếp trong hai năm 2011-2012 lại lặp lại đà suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công và suy giảm kinh tế toàn cầu. Từ năm 2012 đến 2015, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dần được cải thiện, đặc biệt có những bước tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015, đạt 6,68% so với cùng kỳ, là mức cao nhất từ năm 2007 trở lại đây.

Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế có những lúc suy giảm và phục hồi thì thị trường lao động lại ổn định trong giai đoạn 2007-2011, với mỗi năm tăng khoảng 2,7 đến 2,8% và có xu hướng giảm sút mạnh từ năm 2012-2015 do hậu quả của suy giảm kinh tế toàn cầu khiến các doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hẹp về sản xuất, đặc biệt do sự đóng băng thị trường bất động sản và xây dựng trong giai đoạn này làm cho hàng loạt công nhân ngành xây dựng bị mất việc hoặc bị giãn việc. Tốc độ tăng lao động của giai đoạn này đã giảm từ 2,13% năm 2012 xuống thấp nhất 0,18% năm 2015. Đến năm 2015, khi kinh tế phục hồi thì tốc độ tăng lao động cũng tăng trở lại vào năm 2016 ở mức 0,88%.    

Trong giai đoạn 2007-2017, hệ số co giãn việc làm biến động theo 2 giai đoạn rõ ràng. Từ năm 2007-2012, hệ số co giãn việc làm không có sự biến động nhiều, thay đổi trong khoảng từ [0,4; 0,5]. Đến giai đoạn 2013-2017, hệ số co giãn việc làm của Việt Nam đã có sự suy giảm, thấp nhất vào năm 2015 là 0,03 và cao nhất chỉ 0,28 năm 2013. Nguyên nhân của hiện tượng này là do tốc độ tăng lao động của Việt Nam bắt đầu có xu hướng suy giảm từ năm 2013 và tốc độ tăng lao động đạt mức thấp nhất vào năm 2015. Điều này tương tự như hiệu ứng ảnh hưởng của thay đổi quy mô lao động các ngành đến tăng trưởng kinh tế ở phần trên đã nói đến.

Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã cải thiện qua từng năm, nhưng chưa có tác động mạnh đến khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả các năm, hệ số co giãn việc làm đều < 1 và tốc độ tăng trưởng đều dương. Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2007-2017 tăng nhanh hơn tốc độ tăng của lao động.

Kết luận

Dựa trên những số liệu thống kê cho thấy, GDP năm 2017 tăng 6,81 so với năm 2016, đưa Việt Nam từ một nước thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 1.908 USD, tăng gấp 20 lần năm 1990, GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi phân tích mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng việc làm cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã cải thiện qua từng năm, nhưng chưa có tác động mạnh đến khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Bên cạnh đó, mặc dù lao động tăng thêm của Việt Nam đang được sử dụng ngày càng hiệu quả hơn, nhưng sức cạnh tranh còn thấp. Ở Việt Nam hiện nay, cơ cấu dân số đã bước vào quá trình già hóa và đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, lực lượng lao động đang trong quá tình tăng chậm dần. Tốc độ tăng lao động đang giảm dần và sẽ có thời điểm dừng. 

Vì vậy, cần có một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, cụ thể: (1) ổn định nguồn nhân lực trong tương lai; (2) tăng trưởng kinh tế dựa trên việc sử dụng có hiệu quả lao động tăng thêm; (3) tăng trưởng kinh tế với mức thâm dụng hợp lý; (4) tái cơ cấu nền kinh tế với mô hình tăng trưởng cụ thể cho từng ngành; (5) chuyển dịch hợp lý cơ cấu lao động giữa các ngành. 

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2014, Viện Năng suất Việt Nam, 2014;

2. Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2015, Viện Năng suất Việt Nam, 2015;

3.Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 2007-2016, Tổng cục Thống kê;

4. Cục Quản lý Quốc gia (2014), Nâng cao năng suất lao động: Bắt đầu từ phát triển nguồn nhân lực;

5.  Điều tra lao động việc làm 2007-2017, Tổng cục Thống kê;

6. Trần Thọ Đạt, Các mô hình tăng trưởng kinh tế, NXB Thống kê, Hà Nội, 2005.

(*) ThS. Nguyễn Văn Tuấn - Khoa Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.