Đo lường năng lực nhà quản trị tại các công ty chứng khoán Việt Nam
Nhà quản trị đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của một tổ chức, vì vậy, việc đánh giá và đo lường đúng mức năng lực của nhà quản trị là điều cần thiết trong quản lý doanh nghiệp.
Có nhiều phương pháp và chỉ tiêu (cả định tính và định lượng) để đánh giá năng lực của nhà quản trị, tuy nhiên, mỗi phương pháp có những ưu điểm cũng như hạn chế và tồn tại nhất định, dẫn đến năng lực của nhà quản trị hiện nay chưa được đánh giá đúng thực chất. Trong bài viết, nhóm tác giả áp dụng các phương pháp mới, sử dụng mô hình kinh tế lượng (DEA và SFA) làm nền tảng để đo lường năng lực của nhà quản trị tại các công ty chứng khoán Việt Nam theo Demerjian và cộng sự (2012, 2013) và Veltri (2016).
Đặt vấn đề
Việc đo lường và đánh giá tác động năng lực của nhà quản trị (NQT) lên hoạt động của doanh nghiệp (DN) luôn là chủ đề được các nhà nghiên cứu quan tâm, đặc biệt là năng lực của các nhà quản lý cấp cao như: CEO hay CFO do các nhà quản lý này tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết định của DN. Để đo lường năng lực quản trị, một số nghiên cứu trước đây thường dựa vào các thước đo như quy mô DN, giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh bất thường trong quá khứ, mức thu nhập, trình độ học vấn, thời gian công tác của CEO hoặc hiệu ứng cố định của nhà quản lý.
Tuy nhiên, hầu hết các thước đo này mặc dù có phản ánh năng lực của NQT nhưng cũng phản ánh các khía cạnh quan trọng khác về hoạt động của DN nằm ngoài tầm kiểm soát của NQT. Do đó, nếu một thước đo khả năng quản trị bị phiến diện và không được đánh giá tách biệt với các yếu tố đặc thù của từng DN thì sẽ cho kết quả không đáng tin cậy.
Việc đo lường hiệu quả hoạt động phần lớn dựa trên thông tin từ các báo cáo tài chính (BCTC của DN. Các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận theo hai hướng sau: (i) sử dụng các tỷ lệ tài chính (ROA, ROE, NPL…) hoặc (ii) sử dụng SFA và DEA. Tuy việc sử dụng các tỷ lệ tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động là khá đơn giản, nhưng lại gặp rất nhiều hạn chế, do vậy, nhóm tác giả sử dụng phương pháp SFA và DEA để đo lường hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán (CTCK) Việt Nam. Từ đó, áp dụng cách tiếp cận của Demerjian và cộng sự (2012) để tính toán năng lực của NQT ở các công ty này.
Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu
Được nhóm tác giả thu thập từ BCTC kiểm toán năm của 105 CTCK Việt Nam trong giai đoạn từ 2012-2018. Các dữ liệu tài chính được lấy từ các BCTC có kiểm toán bao gồm: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh BCTC.
Phương pháp nghiên cứu
Đo lường hiệu quả hoạt động của các CTCK Việt Nam sử dụng mô hình DEA
Áp dụng hướng tiếp cận của Demerjian và cộng sự (2012), nhóm tác giả sử dụng phương pháp DEA để đo lường hiệu quả hoạt động của các CTCK như sau:
Trong đó: Y thể hiện đầu ra của DN, x thể hiện đầu vào của DN, s là số lượng đầu ra, m là số lượng đầu vào, n là số lượng DN trong mẫu nghiên cứu, u và v là trọng số của đầu ra và đầu vào.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng 2 yếu tố đầu vào: x1 là chi phí của các nghiệp vụ đặc thù của CTCK (bao gồm hoạt động môi giới, tự doanh, bão lãnh phát hành, tư vấn, lưu ký, và các chi phí khác); và x2 là tổng chi phí quản lý CTCK và chi phí lãi vay của CTCK.
Nhóm tác giả sử dụng 3 yếu tố đầu ra đặc thù của các CTCK, đó là: y1 bằng tổng đầu tư ngắn hạn và đầu tư dài hạn; y2 bằng thu nhập từ cho vay; y3 bằng thu nhập từ phí từ các hoạt động đặc thù của CTCK (bao gồm hoạt động môi giới, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn tài chính và tư vấn đầu tư, lưu ký chứng khoán, uỷ thác đầu tư) chia cho tổng tài sản.
Đo lường hiệu quả hoạt động của các CTCK Việt Nam sử dụng mô hình SFA
Áp dụng hướng tiếp cận của Veltri và cộng sự (2016), nhóm tác giả sử dụng hàm lợi nhuận thay thế như sau:
Trong đó:
- PP: Là lợi nhuận sau thuế của DN
- TA: Là tổng tài sản của DN
- wi: Là giá cả các yếu tố đầu vào của DN. w1 bằng x1 chia cho tổng tài sản; w2 bằng x2 chia cho tổng tài sản của DN
- yk: Thể hiện các yếu tố đầu ra của DN
- controls: Là các biến kiểm soát
- uit: Là yếu tố kém hiệu quả
- vit: Là sai số ngẫu nhiên
Đo lường năng lực NQT tại các CTCK Việt Nam
Kết quả đo lường hiệu quả hoạt động của các CTCK có thể được sử dụng để đánh giá khả năng NQT, tuy nhiên, chỉ số hiệu quả hoạt động lại phản ánh cả yếu tố hiệu quả, do đặc điểm của DN và hiệu quả cho khả năng của NQT. Do đó, để tách hiệu quả hoạt động cho năng lực của NQT ra khỏi tổng hiệu quả hoạt động của DN, nhóm tác giả sử dụng cách tiếp cận của Demerjian và cộng sự (2012), thực hiện hồi quy tổng hiệu quả hoạt động của DN trên 5 đặc điểm của DN có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động, bao gồm: Quy mô DN, thời gian hoạt động, mức độ tập trung của thị trường, hệ số dòng tiền, tỷ lệ vốn chủ sở hữu theo mô hình sau:
Trong đó:
- EFFit: Là chỉ số hiệu quả hoạt động của các CTCK, đo lường sử dụng phương pháp DEA và SFA ở phần trên
- SIZEit: Đây là biến thể hiện quy mô của DN, được tính bằng logarit cơ số tự nhiên của tổng tài sản của CTCK
- AGEit: Thời gian hoạt động được tính từ lúc DN mới thành lập đến thời điểm quan sát
- HHIi : Là chỉ số HHI. Đây là thước đo phổ biến về độ tập trung của thị trường và dùng để xác định mức độ cạnh tranh trong ngành.
- CFit: Là hệ số dòng tiền của mỗi CTCK
- EQUITYRATIOit: Thể hiện tỷ lệ vốn CSH trên tổng tài sản của mỗi CTCK i trong năm t
- θt: Các yếu tố cố định theo năm nhưng không cố định theo CTCK
- εit: Sai số của mô hình, cũng chính là năng lực của NQT
Kết quả nghiên cứu
Điểm hiệu quả hoạt động của CTCK theo SFA và DEA. Trong phần này, nhóm nghiên cứu trình bày kết quả phân tích SFA và DEA để tạo ra điểm hiệu quả hoạt động của các CTCK Việt Nam.
Phần A của Bảng 1 thể hiện thống kê mô tả của điểm hiệu quả kinh doanh của các CTCK trong giai đoạn nghiên cứu (2012-2018). Có thể thấy, phân phối điểm hiệu quả kinh doanh của các CTCK theo hai phương pháp SFA và DEA có sự tương đồng. Giá trị bình quân của điểm hiệu quả kinh doanh theo hai phương pháp lần lượt là 0.3673 (SFA) và 0.3112 (DEA), với độ lệch chuẩn xấp xỉ nhau (0.2288 so với 0.2632). Điểm hiệu quả theo SFA của các CTCK có ngưỡng từ 0.0014 cho đến tối đa là 0.8524, trong khi, các CTCK hoạt động kém hiệu quả nhất có điểm hiệu quả theo DEA ở mức 0.0053 và tốt nhất ở mức điểm hiệu quả SFA là 1.
Phần B của Bảng 1, nhóm nghiên cứu xếp hạng top 10 các CTCK Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu theo điểm hiệu quả kinh doanh của các CTCK theo hai phương pháp SFA và DEA. Để có sự đối chiếu khách quan, nhóm nghiên cứu đưa vào xếp hạng theo các yếu tố tài chính của bộ tiêu chí CAMEL xếp hạng các CTCK của Quy chế CAMEL ban hành kèm theo Quyết định số 617/2013/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Điểm năng lực quản trị tại các CTCK Việt Nam.
Xét theo năng lực quản trị, giá trị trung bình của năng lực NQT theo phương pháp SFA (MA_SFA) ở mức xấp xỉ 0 với trung vị ở mức 0.018. Điều này cho thấy, mức độ phân hóa các NQT ở các CTCK Việt Nam khá tốt. Năng lực NQT theo DEA cũng tương tự nhưng thiên về hướng âm (kém hiệu quả) hơn. Độ lệch chuẩn của điểm năng lực NQT xét theo hai phương pháp nói trên có sự tương đồng nhau (0.2141 của SFA so với 0.2032 của DEA). Mức năng lực quản trị thấp nhất của MA_SFA (-0.4483) xấp xỉ MA_DEA (-0.4601), trong khi giá trị lớn nhất có sự chênh lệch khá lớn (0.6384 đối với SFA và 1.0368 đối với DEA).
Nghiên cứu kỹ hơn về năng lực quản trị CTCK theo một số đặc điểm của NQT cũng đem lại một số kết quả tương đối thú vị và cho thấy bức tranh rõ nét hơn về các NQT và năng lực của các NQT tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu tiến hành chia mẫu theo một số đặc điểm NQT nhóm thu thập được trong giai đoạn nghiên cứu và so sánh năng lực NQT giữa các nhóm NQT CTCK với các đặc điểm khác nhau và báo cáo kết quả tại Bảng 3.
So sánh giữa nhóm các CTCK có NQT là nữ giới và nhóm NQT là nam giới (Phần A, Bảng 3) cho thấy: Bình quân các NQT nam có điểm năng lực NQT theo phương pháp SFA cao hơn so với các NQT CTCK là nữ. Thu nhập của các NQT nam cũng cao hơn so với các NQT nữ, điều này cũng chỉ ra sự chênh lệch về giới tính trong lĩnh vực chứng khoán. Trong khi đó, nếu đánh giá về khả năng sinh lời điều chỉnh ngành, kinh nghiệm điều hành và quản trị công ty thì không có sự khác biệt đáng kể nào giữa hai giới.
Phần B của Bảng 3 cho thấy, các NQT CTCK người nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia) có điểm năng lực quản trị thấp hơn so với các NQT là người Việt Nam.
Ở Phần C, nhóm nghiên cứu tiếp tục chia nhóm các NQT học thuật và các NQT thuần túy. Nhóm định nghĩa các NQT học thuật là những người có trình độ Thạc sỹ chuyên ngành trở lên và/hoặc đã từng tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chứng khoán. Kết quả cho thấy, năng lực quản trị của các NQT thuần túy có trình độ đại học và tham gia ngay vào các hoạt động quản trị công ty bình quân có xu hướng cao hơn các NQT học thuật, mặc dù mặc dù kinh nghiệm điều hành và quản lý thấp hơn.
Kết quả thú vị cuối cùng nằm ở Phần D của Bảng 3 khi nhóm nghiên cứu so sánh năng lực NQT có xuất thân từ lĩnh vực kinh tế, tài chính và các NQT có xuất thân tương đối ngoại đạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực của những NQT CTCK thuộc các ngành không phải từ kinh tế và tài chính bình quân lại cao hơn đáng kể so với các NQT thuộc lĩnh vực này.
Kết quả nghiên cứu có những đóng góp quan trọng về học thuật và thực tiễn, như sau:
Thứ nhất, đa phần các nghiên cứu trước đây về lĩnh vực này thường tập trung vào các DN sản xuất kinh doanh thông thường, chỉ có một số ít từng làm về các công ty trong lĩnh vực tài chính và chưa từng có nghiên cứu nào liên quan đến tài chính trực tiếp thông qua thị trường tài chính. Do đó, kết quả nghiên cứu của nhóm sẽ bổ sung cho một khoảng trống trong nghiên cứu về năng lực NQT tại các tổ chức tài chính nói chung và trên thị trường chứng khoán nói riêng.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu của nhóm giúp đánh giá, phân loại và so sánh năng lực NQT CTCK một cách dễ dàng hơn, qua đó, giúp cho các nhà quản lý (HĐQT, các cổ đông) của công ty phần nào có thể đánh giá và đưa ra quyết định và khuyến nghị phù hợp cho các cơ quan quản lý CTCK trong việc đảm bảo an toàn hoạt động của các CTCK Việt Nam.
Thứ ba, kết quả nghiên cứu của nhóm cũng có thể sử dụng làm dữ liệu đầu vào của các nghiên cứu tiếp theo về tác động hay ảnh hưởng của năng lực NQT đến các khía cạnh hoạt động các nhau của CTCK và thị trường chứng khoán…
Tài liệu tham khảo:
1. Chen, W., Zhou, G. G. & Zhu, X. D. (2019), CEO tenure and corporate social responsibility performance, Journal of Business Research 95, 292-302;
2. Collins, J. D., Holcomb, T. R., Certo, S. T., Hitt, M. A., & Lester, R. H. (2009), Learning by doing: Cross-border mergers and acquisitions, Journal of Business Research, 62(12), 1329–1334;
3. Demerjian, P., Lev, B., McVay, S. (2012), Quantifying Managerial Ability: A New Measure and Validity Tests, Management Science, 58(7), 1229-1248;
4. Demerjian, P., Lev, B., Lewis, M., & McVay, S. (2013), Managerial ability and earnings quality, The Accounting Review, 88(2), 463-498.