Độ mở của nền kinh tế và vấn đề đặt ra
(Tài chính) Trong quá trình phát triển và hội nhập, nền kinh tế nước ta có độ mở khá cao và tăng khá nhanh. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần vừa tranh thủ thời cơ để tiếp thu trình độ khoa học-công nghệ thế giới vừa tích cực mở rộng mất thị phần.
Xuất, nhập khẩu/GDP
Xuất khẩu/GDP được tính theo 2 chỉ tiêu: Xuất khẩu hàng hóa/GDP, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP.
Về xuất khẩu hàng hóa/GDP, nếu năm 1985 mới đạt 5% thì năm 1995, sau khi đẩy mạnh mở cửa hội nhập (Mỹ bỏ cấm vận, Việt Nam gia nhập ASEAN…) đã đạt 26,2%; năm 2000, sau khi ký Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ đã đạt 46,4%; năm 2008, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đạt 64,3%; năm 2013 đã đạt 77% - cao hơn nhiều trước đổi mới, trước mở cửa hội nhập. Đây cũng là tỷ lệ thuộc loại cao trong khu vực và trên thế giới. Từ chỉ số này, có thể kỳ vọng sau khi tham gia Hiệp định TPP, tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nữa, nếu Việt Nam tranh thủ được các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các nền kinh tế thành viên TPP.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP cũng đã tăng lên, nếu năm 2005 mới đạt 63,7%, thì năm 2010 đã đạt 72% và năm 2013 đã đạt 83,1%.
Nhập khẩu/GDP được tính theo 2 chỉ tiêu: Nhập khẩu hàng hóa/GDP và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP.
Về nhập khẩu hàng hóa/GDP, nếu năm 1985 là 13,2%, thì năm 1995 là 39,2%, năm 2000 đạt 49,6%, năm 2008 là 82,8% - đạt đỉnh điểm từ trước tới nay và cao hơn nhiều tỷ lệ tương ứng của xuất khẩu (năm 2013 đạt 76,9%, thấp hơn 2008 và thấp hơn tỷ lệ của xuất khẩu). Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP, nếu năm 2005 là 71,5%, thì năm 2010 là 85,6% và năm 2013 đạt 83,9%.
Xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP nếu năm 1985 mới đạt 18,2%, thì năm 1995 đạt 65,4%, năm 2000 đạt 96,5%, năm 2008 đạt 147,1%, năm 2013 đạt 153,9%...
Từ những số liệu trên có thể nhận diện về độ mở của kinh tế Việt Nam dưới một số góc độ khác nhau.
Trước hết, nền kinh tế Việt Nam có độ mở khá cao và tăng lên tương đối nhanh. Đây là kết quả của đường lối mở cửa hội nhập với thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa. Độ mở như trên cho thấy chúng ta vừa khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, vừa tranh thủ được thị trường thế giới. Tuy nhiên, cùng với đó thì mọi sự biến động của thế giới sẽ tác động nhanh tới nền kinh tế ở trong nước, thậm chí dễ bị cuốn vào “vòng xoáy” của những biến động đó, nên đòi hỏi phải có giải pháp tranh thủ các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực đối với sự biến động của thế giới.
Một điểm chú ý khác là độ mở của nền kinh tế còn mang tính số lượng trong khi chất lượng còn thấp. Chất lượng thấp thể hiện ở tỷ trọng hàng thô, mới qua sơ chế và hàng gia công, lắp ráp trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, nên giá trị gia tăng hàng xuất khẩu thấp, nhập khẩu nguyên phụ liệu còn lớn. Gần đây, việc nhập khẩu tăng chậm, nền kinh tế chuyển từ nhập siêu lớn sang xuất siêu có một phần quan trọng do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng “co lại”.
Bên cạnh đó, xuất khẩu dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và tỷ trọng này còn bị giảm (năm 2005 đạt 11,6%, năm 2010 còn 9,4%, năm 2013 còn 7,4%). Các tỷ trọng này thấp xa so với tỷ trọng GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra trong tổng GDP (năm 2005 chiếm 42,57%, năm 2010 chiếm 42,88%, năm 2013 chiếm 43,31%). Tỷ lệ xuất khẩu dịch vụ/GDP rất thấp và tỷ trọng này còn bị giảm (năm 2005 chiếm 7,4%, năm 2010 chiếm 6,7%, năm 2013 chiếm 6,1%).
Cán cân xuất/nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam còn bị thâm hụt do nhập siêu (năm 2010 là 2,461 tỷ USD, năm 2013 là 1,4 tỷ triệu USD). Nhập siêu dịch vụ chủ yếu do thị phần dịch vụ vận tải của Việt Nam đã bị doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh gay gắt, làm cho nhập siêu dịch vụ vận tải khá lớn (năm 2010 là 4,29 tỷ USD, năm 2013 là 5,233 tỷ USD).
Độ mở qua các chỉ tiêu khác
Độ mở của nền kinh tế còn thể hiện ở nhiều chỉ tiêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở nước ta.
GDP khu vực FDI/tổng GDP của cả nước, nếu năm 2005 mới đạt 15,16%, thì năm 2010 đạt 17,69% và năm 2013 đạt 19,55%. Tỷ trọng này đang có xu hướng tăng lên, cùng với sự mở cửa hội nhập ngày một sâu rộng hơn, với tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này cao hơn tốc độ tăng chung (thời kỳ 2006-2010 tăng 9,56%/năm so với tăng 6,32%/năm so với tăng 5,64%/năm).
Giá trị sản xuất công nghiệp do khu vực FDI tạo ra/tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của cả nước tính theo giá thực tế, nếu năm 2005 mới đạt 43,8% thì năm 2012 đã đạt 47,2% (năm 2013 chưa có số liệu). Đáng lưu ý, tỷ trọng tính theo giá thực tế cao hơn tỷ trọng theo giá so sánh (47,2% so với 42,7%), chứng tỏ giá thực tế của khu vực này đã tăng cao hơn và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thực tế.
Vốn FDI/tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cũng đạt khá cao (bình quân của thời kỳ 1996-2000 là 21,6%; thời kỳ 2001-2005 là 15,7%; thời kỳ 2006-2010 là 25,3%; thời kỳ 2011-2013 là 22,6%). Nếu kể cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư gián tiếp (FII)…, thì tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội lên đến trên dưới 1/3.
Xuất khẩu của khu vực FDI/tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước hiện rất cao, nếu không kể dầu khí đã lên tới 61,8%. Đối với một số nhóm hàng xuất khẩu, tỷ trọng đó còn lớn hơn nữa.
Như vậy, độ mở của kinh tế Việt Nam khá cao, không chỉ thể hiện ở tỷ lệ xuất, nhập khẩu so với GDP mà còn thể hiện ở việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế về nhiều mặt.
Vấn đề đặt ra là bên cạnh nâng cao chất lượng độ mở của cả nền kinh tế, khu vực kinh tế trong nước cần tranh thủ thời cơ để tiếp thu trình độ khoa học-công nghệ, trình độ quản lý của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tranh thủ vượt lên, tránh bị mất thị phần.