Doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch gì cho năm 2017?
2015-2016 có thể nói là giai đoạn tăng trưởng vàng của các doanh nghiệp bất động sản khi giao dịch liên tục đạt mức cao nhất trong lịch sử. Sau những trận đánh lớn trong 2 năm vừa qua, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu công bố những chiến lược mới cho năm 2017.
Dự báo thị trường bất động sản năm 2017 sẽ đi lên hay xuống vẫn đang là chủ đề được bàn tán nhiều. Không ít chuyên gia cho rằng thị trường sẽ tiếp tục phát triển tốt trong năm 2017 nhưng cũng không ít người thận trọng khi đánh giá thị trường sẽ chững lại từ cuối năm 2016 và đi xuống dần trong năm 2017.
Trước bối cảnh này nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bắt hoạch định những chiến lược kinh doanh mới cho năm 2017.
Thông báo phát đi mới đây của công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) cho biết sau khi mảng kinh doanh bất động sản có bước nhảy vọt mạnh mẽ trong quý III/2016, doanh thu tăng gần 9 lần từ 22 tỷ đồng lên 194 tỷ đồng, SCR đã nhanh chóng lên kế hoạch đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản.
Cụ thể, trong năm 2017 Sacomreal sẽ tiếp tục tập trung vào chiến lược phát triển 3 dòng sản phẩm Carillon (Trung cấp), Jamona (Phức hợp), Charmington (Cao cấp). Cũng trong năm tới, công ty này sẽ đồng loạt triển khai 6 dự án gồm Carillon 5 & Carillon 6 (Tân Phú), Jamona Golden Silk (Quận 7), Sacomreal Plaza, Sacomreal Plaza, Charmington IRIS (Quận 4) ....
Để gọi nguồn vốn mới về, SCR cho biết đang tiến hành đàm phán hợp tác đầu tư với một số quỹ đầu tư nước ngoài. Hiện tại, theo thông tin nội bộ, Sacomreal đã tìm được tiếng nói chung với một đối tác. Nếu thương vụ này được “chốt” thì hàng ngàn tỷ đồng sẽ được “rót” cho Sacomreal.
Trong một cuộc trao đổi hiếm hoi gần đây với giới truyền thông, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sacomreal cho biết, chiến lược phát triển giai đoạn 5 năm (2016 - 2020), Sacomreal đặt mục tiêu hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững. Đến năm 2020 tổng quỹ đất của Sacomreal đạt gần 1.000 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 20.000 tỷ đồng.
Nếu Sacomreal đặt kế hoạch phát triển mạnh mẽ ở tất cả các phân khúc của thị trường thì một số doanh nghiệp bất động sản tại có xu hướng chọn mũi nhọn là phân khúc căn hộ giá rẻ. Có thể kể đến như trường hợp của địa ốc Nam Long (NLG).
Trong buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư mới đây, đại diện NLG cho biết trong 5 năm tới, NLG vẫn tập trung chủ lực vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền khi mà nhu cầu trên thị trường đang còn rất lớn.
Cụ thể, năm 2016, NLG sẽ hoàn tất các dự án sẵn có như Ehome 3, 4, 5 và 6. Đến năm 2017 NLG sẽ ra mắt 7 dự án tại TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ngoài ra, với tốc độ bán hàng 3,000 sản phẩm/năm, NLG đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất thêm tại TP. Hồ Chí Minh và cả thị trường Hà Nội.
Cũng xác định căn hộ giá rẻ là hướng đi chủ lực, Công ty Địa ốc HimLam Land đang không ngừng mở rộng quỹ đất đầu tư phân khúc này. Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc HimLam Land cho biết, phát triển căn hộ giá bình dân là một hướng đi mới của công ty để thích ứng với thị trường bất động sản hiện nay. Đặc biệt, công ty đang nhắm vào nhu cầu thực của người dân và tránh bán cho giới đầu cơ.
Đặc biệt, trong bối cảnh quỹ đất vàng tại các thành phố lớn ngày càng khan hiếm, một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng quỹ đất bằng cách tham gia "cuộc chơi" cải tạo chung cư cũ. Mới đây, 24 doanh nghiệp địa ốc đã đăng ký với TP. Hồ Chí Minh để cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn.
Có thể kể đến như Tập đoàn C.T Group đăng ký tham gia tới gần 90 lô trong tổng số 98 lô chung cư cũ tại quận 1, tập đoàn Novaland muốn cải tạo tất cả 11 lô của chung cư Nguyễn Thiện Thuật tại quận 3, Liên doanh NHO-VPG-TAG-NIBC-Bình Thạnh RESCO và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex cũng bày tỏ ý muốn cải tạo chung cư cũ tại khu vực Bình Thạnh, Cư xá Thanh Đa
Bên cạnh những doanh nghiệp bất động sản tập trung phát triển ở những thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì có những doanh nghiệp lại lên kế hoạch tìm cơ hội ở những thị trường ngách. Có thể kể đến như Công ty GPinvest, sau khi đã khá thành công ở thị trường chung cư Hà Nội thì năm 2017 doanh nghiệp này lại chuyển hướng sang phân khúc đất nền tại Phú Thọ.
Không chỉ GPinvest, nhiều đại gia bất động sản trong ngành cũng đang xây kế hoạch cho những trận đánh lớn tại các thị trường
bất động sản tỉnh lẻ. Có thể kể đến hàng loạt đại gia địa ốc lớn như BRG, CEO, Sungroup, Novaland, Alphanam, Việt Hưng… với nhiều dự án có quy mô vốn lên tới cả ngàn tỷ đồng tại các địa phương như Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Kiên Giang, An Giang, Bình Thuận…
Ngoài những sản phẩm bất động sản thông dụng từ trước đến nay, trong chiến lược phát triển năm 2017, khá nhiều doanh nghiệp đã khá nhanh nhạy khi đầu tư những hình thức bất động sản lai mới như hometel, condotel, officeltel. Điều khác biệt là trước đây những sản phẩm căn hộ như condotel chủ yếu xuất hiện ở các thị trường ven biển thì nay đã được các chủ đầu tư mang về những thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Có thể nói, các doanh nghiệp bất động sản đã có sự chuẩn bị khá kỹ để ứng phó với những biến đổi trên thị trường bất động sản năm 2017. Chính vì thế, nhiều đại diện doanh nghiệp cho biết họ vẫn rất lạc quan với thị trường và tự tin với kế hoạch kinh doanh đã đề ra.