Doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng
Lãi suất cho vay đã giảm hơn 2% so với cuối năm ngoái, song hầu hết các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do "sức khoẻ" của các doanh nghiệp đã suy yếu từ lâu.
Tại Hội thảo “Tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển" được tổ chức ngày 5/7, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng trong năm 2024, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi...; mức lãi suất đã giảm mạnh, lãi suất huy động và lãi suất cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022 đầu năm 2023; thực tế, các thỏa thuận tín dụng cũng chỉ tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, có quỹ đất lớn với các dự án sạch.
"Hầu hết các DN BĐS không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do "sức khỏe" của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu, cùng với các khó khăn của thị trường", ông Khánh nói.
Theo Phó Chủ tịch VARS, với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn, việc giải ngân vẫn còn chậm.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 6 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 530,973 tỉ đồng, trong khi có tới 28 địa phương đã công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng.
Những tháng đầu năm 2024, tín dụng vay tiêu dùng, mua BĐS vẫn tiếp tục đà suy giảm dù lãi suất cho vay đã duy trì ở mặt bằng thấp. Bởi những biến cố về lạm phát, lãi suất… vẫn chưa thể dự đoán. Việc vay tiền để mua nhà và trả nợ hàng tháng với số tiền trên 10 triệu đồng trở thành gánh nặng với nhiều gia đình, khi họ không thực sự tự tin vào tình hình công việc và thu nhập trong tương lai.
Ông Khánh nhận định, sự tắc nghẽn dòng tiền trên thị trường BĐS vô hình chung cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp của ngành nghề liên quan khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặt khác, ông cho rằng người vay mua nhà, bao gồm cả dự án nhà ở giá phù hợp, nhà ở xã hội cũng bị “làm khó” bởi chính sách tín dụng từ các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn, điều kiện giải ngân khó hơn. Nếu không tiếp cận được các dòng tín dụng cho vay mua nhà, thì đầu ra thị trường sẽ càng đi xuống.
Các chuyên gia cũng đánh giá, nguồn vốn đã, đang và sẽ còn là “áp lực” đối với hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Tuy các nút thắt về pháp lý đã có hướng giải quyết theo các bộ luật mới được thông qua (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai), nhưng nếu vấn đề về “nguồn vốn” không được giải quyết sớm thì chắc chắn nhịp phục hồi của thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là hai kênh vốn quan trọng nhất là tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam hiện chưa phát triển các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư tín thác BĐS (REITS), quỹ nhà ở...
Đề xuất các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường BĐS, ông Khánh cho rằng cần song song với việc điều chỉnh hạ lãi suất, các ngân hàng cần xem xét, nới lỏng điều kiện vay để các doanh nghiệp, khách hàng tăng cơ hội tiếp cận được với các khoản vay. Tránh trường hợp “lãi tuy giảm” nhưng thủ tục lại “chặt”.
Đối với các DN BĐS khó khăn, NHNN nên tạo điều kiện cho DN hoãn nợ các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch COVID bùng phát, tiếp cận với các khoản vay tín dụng mới để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục rà soát, phân loại các dự án BĐS để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với DN, dự án BĐS đủ điều kiện, đặc biệt là các DN có dự án BĐS đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.
Đồng thời, các ngân hàng cần quan tâm hơn tới mảng BĐS công nghiệp, dành nguồn vốn trung và dài hạn, không chỉ cho vay đầu tư hạ tầng, mà có chính sách cho vay thông thoáng hơn cho các các nhà đầu tư thứ cấp, có thể thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai, hoặc bằng bản quyền sáng chế, công nghệ máy móc, thậm chí có thể tín chấp, việc cho vay thông qua kênh này có thể tạo nên rủi ro. Tuy nhiên, sẽ có tác dụng rất lớn để phát triển sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm nguồn thu ổn định, bền vững nhiều mặt cho nền kinh tế nói chung và tổ chức tham gia nói riêng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, kỳ vọng thị trường bất động sẽ khởi sắc nhờ một số yếu tố như: mục tiêu tăng trưởng tín dụng Việt Nam năm nay tiếp tục duy trì mức cao là 14% – 15%.
"Mặc dù trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng khá thấp, ở mức 2.4%, nhưng hiện nay đã có dấu hiệu cải thiện so với đầu năm", ông Quốc Anh nhận định.
Bên cạnh đó, lãi suất điều hành giảm liên tiếp từ đầu năm 2023, lãi suất cho vay hiện ở mức 9 – 11%. Trong ngắn hạn, áp lực về tỷ giá và lượng tiền gửi khiến lãi suất huy động tăng nhẹ 0,2% – 0,9%/năm, tuy nhiên, xu hướng chung dài hạn, lãi suất sẽ được duy trì ở mức độ thấp. Các bộ luật sửa đổi liên quan đến bất động sản đều đã được thông qua và sẽ sớm có hiệu lực.