Doanh nghiệp cần có tâm thế chủ động hội nhập
Gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), TPP cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Ngoài những đòi hỏi sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần tạo cho mình tâm thế chủ động để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh, tận dụng tối đa các cơ hội và thách thức đặt ra.
Doanh nghiệp FDI chạy nước rút đón cơ hội
Cuối năm 2015, Việt Nam gia nhập AEC còn TPP đang trong giai đoạn đàm phán gắt gao. Ngưỡng cửa hội nhập đang tới gần, tuy nhiên, theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, 80% số doanh nghiệp được hỏi rất hạn chế các kiến thức về hội nhập.
Còn theo khảo sát “Cộng đồng kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” do trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện với gần 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, thì có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết và không hiểu về AEC, 94% doanh nghiệp không biết về nội dung đàm phán trong AEC; 63% doanh nghiệp không hiểu về thách thức và cơ hội khi Việt Nam tham gia AEC. Nhiều doanh nghiệp rất cần thông tin nhưng chưa biết tìm thông tin ở đâu.
Trong khi không ít doanh nghiệp nội còn rất hạn chế kiến thức về AEC, TPP thì các doanh nghiệp FDI đã có sự chuẩn bị khá kỹ để sẵn sàng “cất cánh” cùng nền kinh tế Việt Nam. Điển hình trong số này phải kể đến các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hyosung là một trong số rất nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc được cấp giấy phép đầu tư chỉ ít ngày sau khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc được thông qua; là một doanh nghiệp sản xuất và gia công các loại sợi như: Sợi vi mành, sợi spandex, nylon, polyester, sợi để sản xuất thảm, sợi thép các loại dùng làm lốp, như: Steel tire cord, bead wire, saw wire; ngoài ra, doanh nghiệp này cũng sản xuất các loại vải mành, vải dệt; sản xuất halogen, oxit halogenua của phi kim loại và nguyên phụ liệu dùng để sản xuất sợi spandex. Hơn 90% hàng hóa sản xuất ra được xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Từ trước khi quyết định đầu tư, Tập đoàn này đã khảo sát rất kỹ về địa điểm đầu tư ở Việt Nam. Sau 2 năm nghiên cứu, Đồng Nai là mảnh đất được Tập đoàn Hyosung lựa chọn. Cho dù đến thời điểm này, TPP vẫn chưa chính thức được thông qua nhưng với Ban lãnh đạo Tập đoàn Hyosung , việc đầu tư giai đoạn 1 của nhà máy sản xuất sợi kỹ thuật cao vẫn đang ngày đêm chạy đua với thời gian để kịp đón đầu những cơ hội mới mà Việt Nam sẽ được hưởng khi Việt Nam chính thức tham gia AEC, TPP. Tuy là bước đầu tư ban đầu, nhưng Tập đoàn Hyosung đã đầu tư một số vốn khá lớn lên tới 660 triệu USD (tương đương 14 nghìn tỷ đồng).
Theo dự kiến cuối năm nay, Hyosung sẽ cho ra đời những sản phẩm đầu tiên. Ở thời điểm này, song song với việc đầu tư xây dựng nhà máy, công tác đào tạo, tuyển chọn nhân sự ở doanh nghiệp này đang diễn ra nhằm đảm bảo đủ 1.000 lao động khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Đặc biệt, khối kỹ thuật tay nghề cao đã được đưa sang Hàn Quốc và một số nhà máy của Tập đoàn Hyosung ở các nước để đào tạo, đủ khả năng vận hành và quản lý nhà máy.
Bên cạnh đó, Công ty Dệt may Mei sheng Textiles Vietnam, một doanh nghiệp 100% vốn của Đài Loan chuyên về dệt vải sợi, có nhà máy tại cụm công nghiệp Ngãi Giao, huyện Châu Đức (Đồng Nai), cũng đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư. Theo ông G.Narasimha Rao, Giám đốc tài chính Công ty, để đón đầu các cơ hội ở thị trường Việt Nam, nhất là khi TPP được ký kết, gần đây Công ty tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng thêm xưởng sản xuất thứ 7 tại cụm công nghiệp Ngãi Giao.
Năm 2015, công ty quyết định tiếp tục tăng vốn đầu tư 10 triệu USD xây dựng thêm 1 xưởng sợi tại cụm công nghiệp Ngãi Giao với công suất 350 tấn/tháng. “Việc tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh nâng cao trình độ cho người lao động… không gì hơn là nhằm đón đầu TPP và các FTA mà Việt Nam đã và sắp ký kết” - ông G.Narasimha Rao khẳng định.
Rõ ràng, AEC mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội phát triển thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân, khuyến khích sự năng động của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi và minh bạch hơn. AEC cũng là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp tăng cường kết nối sức mạnh kinh doanh.
Cùng với đó, thách thức cơ bản mà các doanh nghiệp phải đối mặt là khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh và đầu tư trong tình hình mới với áp lực cạnh tranh lớn hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đổi mới, điều chỉnh hoạt động kinh doanh, cơ cấu doanh nghiệp, phương thức kinh doanh truyền thống.
Doanh nghiệp Việt cần có tâm thế chủ động
Do chênh lệch về trình độ phát triển, Việt Nam cùng Campuchia, Lào, Myanma được hưởng một số đãi ngộ từ ASEAN để hỗ trợ việc thực thi AEC. Đó là ưu đãi về lộ trình mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực dài hơn so với 6 nước thành viên cũ của ASEAN, cụ thể là Việt Nam được linh hoạt bảo lưu 7% số dòng thuế đến năm 2018 và không phải đàm phán với các nước ASEAN khác.
Như vậy, từ năm 2018 trở đi, 7% số dòng thuế này sẽ được cắt giảm xuống 0% (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng), những ngành hàng chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan là ôtô, động cơ phụ tùng ôtô, xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ôtô, máy điều hòa, máy làm lạnh, vô tuyến, tàu thuyền. Bên cạnh đó, Việt Nam còn được hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực và cải thiện thể chế.
Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thế thấy rõ những lợi ích tiềm tàng cho tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội khi một thị trường tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động kỹ năng giữa các nước ASEAN được thiết lập. Nếu tận dụng được tối đa những hỗ trợ này, 2015 có thể sẽ là một năm tạo đột phá cho kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Theo Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh, hiện nay các doanh nghiệp ở một số nước như Thái Lan, Malaysia đã đi tắt đón đầu và đang tận dụng rất tốt các cơ hội của AEC.
Vì thế, để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh sắp tới, doanh nghiệp Việt phải luôn học hỏi và giữ tâm thế chủ động trong mọi tình huống. Trước hết là chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…
Bên cạnh đó, cần chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để giữ vững thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển. Quan trọng nhất là cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin để tận dụng tốt việc lưu thông hàng hóa từ việc cắt giảm thuế quan trong ASEAN, chủ động tìm hiểu các thị trường trong khu vực ASEAN.
Ở góc độ cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần rà soát, bổ sung và xây dựng các chính sách pháp luật phù hợp để hoàn thiện khung pháp lý trong nước trên cơ sở hài hòa với các cam kết khu vực về thực thi AEC; chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh, chủ động tận dụng các cơ hội khi hình thành thị trường chung ASEAN…
Các chuyên gia nhận định, “làn sóng” đầu tư từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, vào Việt Nam để tranh thủ lợi ích từ các FTA, TPP, AEC khá rõ ràng. Việc các doanh nghiệp ngoại tận dụng triệt để lợi thế nội địa hóa nguyên liệu sản xuất để nhận ưu đãi thuế quan chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh được về giá.
Do vậy, nếu doanh nghiệp nội không có giải pháp đột phá mà vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, làm thuê ngay trên “sân nhà”, thì khó khăn trong cạnh tranh, thậm chí “phá sản”, là điều khó tránh khỏi.
Hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức và có không ít rủi ro. Song với sự vào cuộc của cả Chính phủ, bộ máy nhà nước và với tâm thế chủ động của doanh nghiệp, hội nhập AEC sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng.