Xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN: Tấm gương cũ, diện mạo mới
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa kỷ niệm 48 năm ngày thành lập trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng Kinh tế (AEC) - một trong 3 trụ cột cấu thành Cộng đồng ASEAN - vào cuối năm nay. Mục tiêu mà AEC hướng tới là tự do thương mại, thúc đẩy đầu tư và luân chuyển lao động giữa 10 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, quá trình tiến tới một nền kinh tế phi biên giới trong khu vực, giúp gắn kết các quốc gia có nhiều điểm khác biệt sẽ là một chặng đường dài.
Một Liên minh châu Âu thứ hai?
Theo lộ trình, vào cuối năm 2015, AEC sẽ được hình thành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Có thể nói, cộng đồng kinh tế non trẻ mà các quốc gia Đông Nam Á đang xây dựng có nhiều nét tương đồng với Liên minh châu Âu (EU) những giai đoạn đầu, song hai thể chế này lại khác biệt về bản chất.
Trong quá trình thành lập AEC, các quốc gia Đông Nam Á không có kế hoạch tạo ra một đồng tiền chung, một ngân hàng trung ương, một chính sách kinh tế - tiền tệ chung, một quốc hội mang tầm khu vực hay thậm chí là xóa bỏ ranh giới giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có thể tiếp thu nhiều bài học từ những gì EU đã trải qua, ví dụ như việc dòng người từ các nước nghèo ở Đông Âu chạy sang các nước giàu Bắc Âu, đặt ra nhiều vấn đề về ổn định và an ninh.
GS. Chris Wright, chuyên gia về lao động nhập cư EU tại Đại học Sydney (Australia) cho rằng để thành công, các quốc gia cần ước tính mức độ và xu hướng dịch chuyển lao động. Đây là một bài học từ EU. Liệu dòng người tị nạn từ các nước nghèo có đổ về những nước giàu hơn trong ASEAN?
Những năm qua, Thái Lan, Malaysia và Singapore đã phải bất đắc dĩ đón tiếp một lượng lớn người di cư, đa phần là lao động hợp pháp - những người bị coi là lấy mất cơ hội việc làm của nhiều người bản địa. Đây cũng có thể là những người nhập cư bất hợp pháp, đối tượng dễ bị lợi dụng và nạn nhân của nạn buôn người.
Thực tế, các cam kết cho thấy AEC sẽ chỉ vượt qua được mức liên minh thuế quan và có một số yếu tố của thị trường chung, chưa có chính sách kinh tế chung và cũng chưa có các cơ quan liên quốc gia như EU. Ngược lại, quá trình hình thành AEC đã được manh nha từ nhiều năm trước.
Từ năm 1993, Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được thành lập, các nước thuộc nhóm ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei) đã hầu như hoàn tất lộ trình cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan, nên không còn không gian đáng kể nào thêm cho tự do hóa thương mại giữa các nền kinh tế ASEAN-6.
Diện mạo mới cho ASEAN
Nếu trở thành một thực thể kinh tế chung, AEC sẽ là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới với tổng sản phẩm nội khối (GDP) đạt 2.500 tỷ USD và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050.
Với dân số gần 650 triệu người, thị trường tiềm năng của ASEAN lớn hơn nhiều so với thị trường EU và Bắc Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Chưa kể ASEAN có lực lượng lao động lớn thứ ba trên thế giới và tương đối trẻ. Việc xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan vào cuối năm 2015 được kỳ vọng sẽ mang tới động lực phát triển mạnh mẽ và thắt chặt mối quan hệ giữa các nước thành viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trong hợp tác và liên kết nội khối cũng như trong quan hệ hợp tác với các nước ngoài khu vực, cả khu vực và từng nước thành viên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Thứ nhất, tác dụng thúc đẩy thương mại nội khối của AEC có thể không nhiều do cộng đồng này phải chịu tác động của các rào cản thương mại và các biện pháp bảo hộ phi thuế quan trong bối cảnh kết cấu hạ tầng thiếu nghiêm trọng.
Thứ hai, sự chênh lệch về trình độ phát triển trong khối. Những nước có nền kinh tế kém phát triển hơn lo ngại tình trạng nhập siêu với các nền kinh tế mạnh hơn, trong khi đó các nước có nền kinh tế phát triển ở mức cao trong khu vực sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ công nghiệp nặng, hóa chất, dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng và các ngành dịch vụ khác.
Thứ ba, các nước ASEAN vẫn có quan điểm khác nhau về việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngoài khu vực, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Có thể thấy, kế hoạch hiện thực hóa AEC là một mục tiêu dài hạn với năm 2015 là một cột mốc quan trọng. AEC “chào đời” không chỉ có nghĩa là ASEAN sẽ trở thành một thực thể kinh tế chung, mà còn chuyển tải tín hiệu mạnh cho thấy cần phải đưa ra những biện pháp tích cực để hướng tới một khu vực kinh tế tự do và hội nhập hơn.