Doanh nghiệp cần minh bạch nếu muốn huy động vốn


Nguyên nhân là sự thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp còn phổ biến, khiến ngân hàng khó chấp nhận yêu cầu vay vốn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, những năm gần đây, tỷ lệ tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta rất thấp, khoảng 30%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả ThS. Đinh Thị Hải Phong, ThS. Trần Thị Minh Nguyệt - Học viện Tài chính, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì nhu cầu về vốn để đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh... của DNNVV ngày càng cấp thiết. Tuy vậy, tỷ lệ tiếp cận vốn của DNNVV hiện nay đang rất thấp, khoảng trên 32%.

Tình hình huy động vốn Việt Nam

Hiện nay, các ngân hàng chủ yếu chỉ cấp tín dụng ngắn hạn, mang tính thương vụ cho các DNNVV mà ít phê duyệt các dự án đầu tư chiều sâu nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của DNNVV.

Trong bối cảnh quản trị DN, “minh bạch” được hiểu là sự tự do, sự chia sẻ thẳng thắn, cởi mở, rõ ràng trong triết lý của tổ chức và các quy trình hoạt động. Cho nên, để tìm được nguồn vốn tốt, DNNVV nên chọn người làm tài chính tốt và trung thực, nhất là phải thống nhất một báo cáo tài chính. Không chỉ ở kênh tín dụng ngân hàng, mà trên thị trường chứng khoán, các nhà tư vấn, môi giới, đầu tư cũng đề cập nhiều đến “tính minh bạch” trong hoạt động. 

Công tác hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của một bộ phận DN còn yếu về trình độ và kém về ý thức chấp hành các quy định của luật pháp, vì vậy không đủ làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại đánh giá chính xác về hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

Việc công khai tài chính của DN còn thiếu minh bạch, phần lớn các DNNVV không có hệ thống kế toán tiêu chuẩn. Báo cáo của DN không được kiểm toán hàng năm, do đó, mức độ tin cậy còn thấp.

Ngoài ra, dự án, phương án đầu tư của nhiều DN có tính khả thi thấp, chạy theo mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn nên cũng không có sức thuyết phục đối với ngân hàng; khả năng lập dự án của các DNNVV rất hạn chế… Đây là những nguyên nhân khiến DNNVV khó được bảo lãnh tín dụng mặc dù hình thức hỗ trợ này đã có từ nhiều năm nay.

Chính vì năng lực tài chính hạn chế và vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính khó khăn… đã buộc DNNVV phải tìm cách tiếp cận các nguồn vốn sẵn có trong nền kinh tế, để đảm bảo được đủ nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giải pháp minh bạch hoạt động tài chính của doanh nghiệp

Theo nhóm nghiên cứu, trong những năm trở lại đây, các DN đã, đang tích cực xây dựng tính “minh bạch” cho tổ chức của mình ở mọi cấp độ. Mặc dù đã có nhiều bước tiến đáng kể so với trước, đại bộ phận các DN này vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy là do các công ty mới chỉ dừng ở mức thảo luận về tính minh bạch, chưa có kế hoạch hành động cụ thể để truyền tải yếu tố này vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để hỗ trợ DNNVV tiếp cận được tới các nguồn vốn hiệu quả trong bối cảnh hội nhập, cần có sự phối hợp hiệu quả từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và quan trọng nhất là từ bản thân DN. Đặc biệt, DN cần nâng cao năng lực huy động vốn, cụ thể:

Thứ nhất, DN Việt Nam phải thường xuyên xem xét các tiêu chí đánh giá tình hình tài chính như mức độ độc lập tài chính, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời, hiệu quả hoạt động, hiệu quả phương án vay vốn và phân phối lợi nhuận… Khi hoạt động tài chính được minh bạch, không chỉ giúp các tổ chức tín dụng giảm thời gian thẩm định khách hàng, việc ra quyết định cho vay nhanh hơn, mà còn giúp DN nhận diện sớm các rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp xử lý hiệu quả.

Chủ động công bố thông tin bởi đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị DN và minh bạch. Việc công bố thông tin phải đảm bảo chất lượng, kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra, DN Việt Nam nên chủ động phòng, chống rủi ro thiếu minh bạch xuất phát thật sự từ lợi ích của DN.

Thứ hai, trong xu hướng hội nhập hiện nay, khi cơ hội hợp tác quốc tế càng tăng thì liêm chính là yếu tố mà các đối tác nước ngoài lựa chọn để kinh doanh. Đây là lợi thế lớn đối với DN thể hiện tính minh bạch. Về phía người tiêu dùng, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hướng tới Minh bạch, có 60% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm, dịch vụ của DN minh bạch. Minh bạch không chỉ là minh bạch về một số báo cáo, công văn, giấy tờ mà minh bạch ở tất cả các hoạt động, làm đúng.

Thứ ba, DN Việt Nam cần tuân thủ quy định pháp luật, tạo tiền đề cho việc sẵn sàng minh bạch hơn. Theo đó, ngoài việc tuân thủ, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về thông tin, báo cáo thì phải chủ động xây dựng hệ thống đảm bảo các vấn đề minh bạch, liêm chính của công ty được quản trị một cách bài bản, chặt chẽ, nhất quán từ trên xuống dưới, trong các khâu hoạt động.

Thứ tư, để thúc đẩy minh bạch, cần có sự tham gia của Nhà nước và người dân. Một ý tưởng có thể đề cập tới rằng, nếu có thể hình thành nên một bộ số liệu và bộ chỉ số, tiêu chí để có thể truy cập và kiểm tra độ minh bạch của các DN thì hoàn toàn có thể thuyết phục được các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư.

Thứ năm, vấn đề minh bạch hoạt động tài chính còn có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn đối với các DN khởi nghiệp. Đây là vấn đề mang ý nghĩa sống còn, chỉ thực hiện mới có hy vọng giải ngân để bắt đầu hoạt động kinh doanh.

Thứ sáu, về phía nhà quản lý, nên áp dụng đầy đủ chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế và các diễn giải liên quan cho các đơn vị có lợi ích công chúng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện có rất nhiều DN với quy mô khác nhau và rất khó bắt buộc các DNNVV phải tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế nếu lợi ích các DN này thu được không tương xứng với các chi phí phải bỏ ra.