Doanh nghiệp cần xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế
Để phát triển kinh tế bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể và chủ động các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp cần xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù xuất khẩu thường tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm, song để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 Quốc hội giao là khoảng 7-8%, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phấn đấu mức tăng trưởng từ 8-10%. Đây là nhiệm vụ khá khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay.
Nhưng với sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua là cơ sở để kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có những bứt phá trong những năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn gây ảnh hưởng tới cán cân thương mại của Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế cũng như quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu hàng hóa từ các cửa khẩu tránh tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như: trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…
Đồng thời, tăng cường các giải pháp triển khai các cam kết hội nhập quốc tế, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.
Một giải pháp lớn nữa nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đang được quyết liệt triển khai là tăng cường cơ chế trao đổi thông tin các cấp, chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để kịp thời xử lý, ứng phó.
Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chủ trương đổi mới toàn diện xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn. Từ đó, hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập thị trường nước ngoài đối với các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình thương hiệu quốc gia; ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam và hỗ trợ phát triển các thị trường ngách đối với một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: bạch trà, cà phê hòa tan, gạo hữu cơ, tiêu trắng... sang Trung Đông, Liên bang Nga và Nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, việc phát triển một nền ngoại thương bền vững nói chung và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nói riêng đòi hỏi các giải pháp tổ chức toàn diện và sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, qua đó định hướng, hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện tốt chủ trương này.