Doanh nghiệp chưa quen sử dụng trọng tài thương mại
Việt Nam có độ mở kinh tế cao, giao thương quốc tế gia tăng, đồng nghĩa rủi ro về lừa đảo, tranh chấp càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng trọng tài thương mại, hòa giải thương mại và đây là rào cản lớn.
Rủi ro ngày càng tăng
Việt Nam là nước có độ mở kinh tế cao, xuất khẩu tiếp tục giữ đà tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu của Bộ Công thương, chỉ tính 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 282 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm gần 64%.
Đồng nghĩa với sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, số lượng doanh nghiệp tham gia giao thương trên thị trường thế giới ngày càng tăng. "Khi "sân chơi" càng lớn thì rủi ro đi kèm càng nhiều", Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận.
Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu vì lừa đảo, giá trị trung bình là 1,7 triệu USD/vụ. Tại Việt Nam, theo số liệu của PwC, 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã từng là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế. Con số này cao hơn mức 46% chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu. Đối tượng lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam là từ khách hàng (36%), từ nhà cung cấp (21%) và từ các bên trung gian, đại lý.
Trên thực tế, Bộ Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhiều lần thông tin về rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, song doanh nghiệp vẫn mắc vào những vụ việc lừa đảo, điển hình là vụ 76 container hạt điều của 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang Italy hồi tháng 3 vừa qua.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến các vụ việc lừa đảo trong giao thương quốc tế, theo các chuyên gia, mặc dù là nước có nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng đa phần các doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại. Nhiều doanh nghiệp còn ít sử dụng luật sư thường xuyên. Thậm chí, khi vụ việc lừa đảo xảy ra, doanh nghiệp e ngại báo cáo vì sợ lộ lọt thông tin!
Từ góc nhìn của người trong cuộc, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam bổ sung, từ vụ việc 76 container hạt điều vừa qua là do các doanh nghiệp quá tin tưởng vào môi giới, không kiểm tra thông tin về doanh nghiệp mua hàng bên Italy, “mặc dù các doanh nghiệp đều có kinh nghiệm trên 20 năm”.
Đến khi vụ việc xảy ra, doanh nghiệp kiểm tra mới biết các địa chỉ của “đối tác” đều là địa chỉ “ma”. Cũng vì chủ quan, các doanh nghiệp không hề nghi ngờ khi “đối tác” dùng phương thức giao dịch qua thư điện tử là gmail (miễn phí), trong khi thông thường doanh nghiệp sở hữu giá trị lớn sẽ sử dụng phương thức điện tử có tính phí.
Mặt khác, kẻ lừa đảo đã đánh vào tâm lý của doanh nghiệp. Trong lúc khó khăn vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp không (chậm) bán được hàng, trong khi đối tác cần mua số lượng hàng lớn khiến doanh nghiệp dễ dàng mắc bẫy mà bỏ quên việc phân tích thị trường, khi Italy chỉ tiêu thụ một lượng rất nhỏ hạt điều của Việt Nam, ông Nhựt phân tích thêm.
Doanh nghiệp phải chủ động
Trong bối cảnh rủi ro trong giao thương quốc tế ngày càng gia tăng và tinh vi hơn, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động hoàn thiện mình, trau dồi kinh nghiệm. Đồng thời, doanh nghiệp phải tìm hiểu về các hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, thủ tục giải quyết tranh chấp ở nước mà mình có quan hệ kinh tế; lưu ý sử dụng thường xuyên hơn hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại.
Chia sẻ rõ hơn, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Bộ môn Kinh doanh và Thương mại quốc tế, Cơ sở II Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để tránh bẫy khi xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác, bên môi giới, vì “nhiều khi sự lừa đảo nằm trong những chi tiết nhỏ nhặt”. Cụ thể, cần kiểm tra tình trạng tài chính để tránh công ty "ma", hoặc những công ty đang/sắp phá sản.
Theo đó, doanh nghiệp cần kiểm tra giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp; tìm kiếm thông tin từ Thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao, VCCI, hiệp hội, ngân hàng; kiểm tra thông tin qua website doanh nghiệp; kiểm tra danh bạ doanh nghiệp, báo cáo tài chính có kiểm toán…
Nhìn lại vụ 76 container hạt điều, ông Bạch Khánh Nhựt khuyến cáo, các doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập với môi giới. “Kinh nghiệm xương máu là vai trò của các Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng”, ông Nhựt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo. “Như trong vụ việc 76 container hạt điều, chỉ khi Hiệp hội Điều Việt Nam gọi 5 doanh nghiệp lên gặp mặt để cùng trao đổi thì họ mới biết không phải chỉ riêng doanh nghiệp của mình mới bị lừa. Trong khi đáng ra, các doanh nghiệp có thể tự tìm hiểu thông tin từ các doanh nghiệp trong ngành, hoặc có thể thông qua Hiệp hội kết nối với các doanh nghiệp thành viên”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến nghị.
Điểm đáng lưu ý nữa là các doanh nghiệp cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác, mặc dù kẻ lừa đảo thường dùng các thủ đoạn rất tinh vi. Chẳng hạn, cần cảnh giác nếu đối tác sử dụng phương thức liên lạc qua ứng dụng miễn phí. Ngoài ra, cần chọn các phương thức thanh toán an toàn hơn; khi vụ việc xảy ra, cần nhanh chóng báo cáo, nhờ sự trợ giúp của Hiệp hội ngành nghề; nhất là phải chủ động và nỗ lực trong giải quyết vụ việc của chính mình.