Doanh nghiệp có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh

PV.

Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bền vững là một trong những trọng tâm ưu tiên của Việt Nam. Việc phát huy vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề này sẽ thúc đẩy Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu đề ra.

Hướng tới phát triển nền kinh tế xanh

Khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững quốc gia, ngay trước thềm Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021.

Trong đó, Chiến lược đề ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, cam kết cân bằng phát thải, đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân Việt Nam. 

Để đạt được các mục tiêu cam kết mạnh mẽ tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng và quyết liệt với việc ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Cùng với đó, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Có thể thấy, ứng phó với biến đổi khí hậu và theo đuổi nền kinh tế xanh là một trong những trọng tâm ưu tiên trong các chương trình hành động của Chính phủ. Bối cảnh đó cũng đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong triển khai các giải pháp nhằm thay đổi để thích ứng kịp thời.

Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định, bởi thông qua mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn, bền vững, doanh nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào giảm phát thải các-bon, hướng tới sản xuất – tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, cũng là nước đã tham gia công ước quốc tế về vấn đề này. Do đó, việc thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà quản lý.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc tuân thủ các quy định của thị trường xuất khẩu, bao gồm các quy định về môi trường và xã hội, là yêu cầu bắt buộc. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp hiểu rõ yêu cầu của thị trường, hiểu rõ chuỗi cung ứng để thay đổi và điều chỉnh hoạt động đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm vấn đề quản trị rủi ro của biến đổi khí hậu. Thông thường, có 2 loại rủi ro chính: Một là rủi ro vật chất, như bão, lũ, nhiệt độ nóng lên, hạn hán ảnh hưởng đến nhà máy, hoạt động sản xuất - kinh doanh, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả các năm sau; Hai là rủi ro pháp lý - trong trường hợp nhà nước đánh thuế trên lượng phát thải carbon.

Ông Dominic Scriven cho biết, trên thế giới, các công ty lớn đều đã có cam kết hành động để chống biến đổi khí hậu, chẳng hạn đưa lượng phát thải carbon về bằng 0, không chỉ cho thời gian tới mà cho suốt cả thời gian hoạt động.

Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển xanh, Việt Nam đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến vấn đề này. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng. Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn “xanh”, các doanh nghiệp có thể có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên - nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính...

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội xanh, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải. Việc phát huy vai trò của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh, bền vững.