Doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Viễn thông tạo điểm nhấn cho nền kinh tế

Theo Quỳnh Anh/baokiemtoannhanuoc.vn

Trước tác động của đại dịch Covid-19 suốt gần hai năm qua, nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều ảm đạm đó, ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) vẫn nổi lên như một điểm sáng của nền kinh tế.

Động lực thúc đẩy chuyển đổi số

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin & Truyền thông, tổng doanh thu toàn ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam năm 2020 đạt 120 tỷ USD. Số liệu ước tính từ Công ty chuyên về dữ liệu thị trường và tiêu dùng Statista (Đức), doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2019 (1,1 tỷ USD). Sang năm 2021, Statista dự báo doanh thu lấy lại đà tăng như thời điểm trước khi đại dịch bùng nổ, con số dự đoán năm nay là hơn 1,18 tỷ USD, và tiếp tục tăng lên 1,43 tỷ USD vào năm 2025.

Doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Viễn thông tạo điểm nhấn cho nền kinh tế - Ảnh 1

Đại dịch đã đẩy nhanh nhu cầu và làn sóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ tại nhiều tổ chức và DN trên khắp cả nước. Điều này vừa là thách thức cho các DN trong ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông, lại vừa tạo ra cơ hội rõ ràng cho tiến trình phát triển bền vững của các công ty công nghệ đi tiên phong trong cung cấp các giải pháp, nền tảng, dịch vụ và sản phẩm chuyển đổi số. Đặc biệt, xu hướng chuyển đổi số có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi khách hàng nhận thấy tầm quan trọng của việc số hóa sau dịch Covid-19 như: giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất…

Năm 2021, DN ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới, cùng với đó là sự gia tăng của các gói thầu đầu tư công nghệ. Trong báo cáo khảo sát tháng 3/2021 với Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam của Vietnam Report cũng cho thấy 72,7% DN đánh giá Công nghệ thông tin - Viễn thông nằm trong Top 7 ngành có tiềm năng phát triển nhất trong 3 năm tới. Kết quả này thể hiện đúng theo xu hướng phát triển hiện nay của các DN, đó là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành.

Trong khảo sát do Vietnam Report tiến hành tháng 6/2021 với các DN công nghệ cho thấy, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh công tác chuyển đổi số ở các DN (82,4%), đây cũng là một trong 03 cơ hội chính để phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong một vài năm tới theo nhận định của các DN và chuyên gia tham gia khảo sát. Chuyển đổi số là chuyển đổi cách vận hành của DN trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, vì vậy, yêu cầu tất yếu phải xuất phát từ vấn đề nghiệp vụ.

Doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Viễn thông tạo điểm nhấn cho nền kinh tế - Ảnh 2

Theo nhận định của các chuyên gia, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) thường sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số để ở chế độ đám mây (Cloud). Họ không xây dựng mạng nội bộ như trước đây nữa mà dùng các ứng dụng khá chuyên nghiệp và được thiết kế riêng cho các DNNVV. Đây là mảng thị trường mà các DN Việt Nam đang làm khá tốt. Tuy nhiên, số lượng DNNVV quá lớn dẫn đến mỗi DN có một nhu cầu riêng.

Thách thức và định hướng của doanh nghiệp

Bên cạnh cơ hội đang mở ra trước mắt trong bối cảnh mới, các khó khăn và thách thức là điều khó tránh khỏi. Theo kết quả khảo sát, Top 3 khó khăn thách thức mà các DN Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam đang phải đối mặt trong hoạt động nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng thời gian tới là: Điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế (70,6%); Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (64,7%) và Thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước (58,8%).

Doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Viễn thông tạo điểm nhấn cho nền kinh tế - Ảnh 3

Đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) tiếp tục được coi là nhiệm vụ sống còn của mọi DN Công nghệ thông tin - Viễn thông và có tới 70,6% DN công nghệ đánh giá đây là rào cản lớn nhất cần phải vượt qua. Với sự biến đổi không ngừng của khoa học kỹ thuật, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi DN công nghệ. Thực tế trong những năm qua, hoạt động này luôn gặp những khó khăn và trở ngại nhất định, trong đó thiếu nguồn lực tài chính là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động R&D tại các DN.

Song song với vấn đề về tài chính, khó khăn tiếp theo mà các DN Công nghệ thông tin - Viễn thông gặp phải đó là câu chuyện về nhân sự, theo nhận định của 64,7% DN. Hiện nay, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ là rất lớn và luôn có xu hướng tăng mạnh. Theo báo cáo của TopDev, năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến quý 1/2021) là 430.000 người, còn thiếu khoảng 20.000 vị trí lập trình viên.

Nguyên nhân của sự thiếu hụt này không phải xuất phát từ việc thiếu đơn vị đào tạo mà do chương trình đào tạo tại các trường chưa được cập nhật đầy đủ và đúng trọng tâm, không bắt kịp với nhu cầu của thị trường, dẫn đến trình độ năng lực chuyên môn của ứng viên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc tại DN, thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế.

Thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục là rào cản thứ 3 của các DN Công nghệ thông tin - Viễn thông trong giai đoạn tới với tỷ lệ 58,8% DN nhận định. Trước làn sóng của CMCN 4.0, với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, bên cạnh những thuận lợi từ sự kế thừa và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới, các DN Công nghệ thông tin - Viễn thông cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức từ việc cạnh tranh và vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, DN còn gặp trở ngại do thiếu những định chế tài chính và cơ chế chính sách liên quan đến việc hỗ trợ tài chính, tiếp cận vốn cũng như các điều kiện khác để sử dụng cho các hoạt động đầu tư công nghệ và quảng bá sản phẩm - dịch vụ tiến ra thế giới.

Khảo sát các DN công nghệ tháng 6/2021 cũng chỉ ra 5 chiến lược ưu tiên trong chuyển đổi số của các DN công nghệ là: Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (76,5%); Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro (64,7%); Tăng cường hoạt động R&D (60,2%); Nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (58,8%); Cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng (56,3%).