Doanh nghiệp công nghiệp gặt hái nhiều kết quả nhờ áp dụng 5S, Kaizen

Hạ Băng

5S và Kaizen là những phương pháp cải tiến phổ biến có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trước xu thế hội nhập quốc tế, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã áp dụng phương pháp này, thu về kết quả tích cực.

Áp dụng các công cụ cải tiến và kiểm soát chất lượng góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh. Ảnh: Internet
Áp dụng các công cụ cải tiến và kiểm soát chất lượng góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh. Ảnh: Internet

Nền tảng cho sự phát triển của năng suất và chất lượng

5S là 5 chữ cái đầu của các từ gồm: 

- Sàng lọc (Seiri - Sorting out), nghĩa là sàng lọc những cái không cần thiết tại nơi làm việc và loại bỏ chúng;

- Sắp xếp (Seiton - Storage): Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và đúng chỗ của nó để tiện sử dụng khi cần.

- Sạch sẽ (Seiso - Shining the workplace): Vệ sinh, quét dọn, lau chùi mọi thứ gây bẩn tại nơi làm việc;

- Săn sóc (Seiletsu - Setting standards): Đặt ra các tiêu chuẩn cho 3S nói trên và thực hiện liên tục;

- Sẵn sàng (Shitsuke - Sticking to the rule): Tạo thói quen tự giác, duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc để mọi thứ luôn sẵn sàng cho sản xuất.

Có thể nói, từ văn phòng, nhà kho cho đến công trường xây dựng, hay nhà xưởng công nghiệp hoặc nông nghiệp, nơi nào có hoạt động thì nơi đó cần sắp xếp, phân loại, sạch sẽ. Không có hoạt động 5S thì không thể bàn đến việc quản lý và cải tiến. 

5S ngăn chặn sự xuống cấp của nhà xưởng, tạo sự thông thoáng cho nơi làm việc, đỡ mất thời gian cho việc tìm kiếm vật tư, hồ sơ cũng như tránh sự nhầm lẫn. Người làm việc cảm thấy thoải mái, làm việc có năng suất cao và tránh được sai sót. Các thiết bị sản xuất hoạt động trong môi trường phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng an toàn.

Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng 5S vào công tác nhân sự; sàng lọc đội ngũ nhân viên để lựa chọn nhân tài; sắp xếp lại bộ máy để nâng cao tính hiệu quả; vệ sinh tức là cải thiện bầu không khí trong cơ quan trở nên thân thiện, cởi mở, đoàn kết hơn... Có thể nói, 5S chính là nền tảng của năng suất và chất lượng.

Việc áp dụng 5S tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) thời gian qua đã thu về những thay đổi tích cực.

Tháng 4/2018, VNPOLY vận hành trở lại Nhà máy sản xuất sợi polyester. Giai đoạn đầu khởi động lại còn muôn vàn khó khăn, thách thức. Hiểu rõ được điều này và xác đinh được tầm quan trọng của phương pháp 5S đối với mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là đối với VNPOLY nên ban lãnh đạo công ty rất chú trọng đến việc áp dụng phương pháp này trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Song song với việc thực thi văn hóa doanh nghiệp, VNPOLY đã triển khai áp dụng chương trình 5S. Đây là một trong số những yếu tố đổi mới trong công tác quản trị doanh nghiệp mà công ty chú trọng triển khai.

Việc thực hiện và duy trì tốt chương trình 5S tại VNPOLY tạo ra một phong cách làm việc mới, một cách sắp xếp nơi làm việc khoa học, thuận tiện, sạch sẽ, tạo nên một tinh thần làm việc thoải mái, hiệu quả, xây dựng nên hình ảnh đẹp cho công ty trong quá trình làm việc với đối tác và đồng nghiệp. Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển của năng suất và chất lượng lao động góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

Các hồ sơ, tài liệu, dụng cụ, vật tư… được bày trí gọn gàng, ngăn nắp đúng quy định. Khi áp dụng 5S, thời gian tìm tài liệu, dụng cụ, vật tư đã được giảm đi rất nhiều, làm giảm chi phí phát sinh từ việc tìm kiếm, thay thế thiết bị, chi phí lưu kho, sàng lọc tài liệu. Đây chính là một trong những yếu tố góp phần để VNPOLY hồi sinh và phát triển bền vững.

Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm

Thời gian qua, tại hầu hết các đơn vị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001-2008. Nhiều công ty đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 và hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18000...

Việc áp dụng 5S tại nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã thu về những thay đổi tích cực. Ảnh: Internet
Việc áp dụng 5S tại nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã thu về những thay đổi tích cực. Ảnh: Internet

Các đơn vị của Tập đoàn đã áp dụng các công cụ cải tiến và kiểm soát chất lượng như: hoạch định chất lượng sản phẩm (APQP), quy trình phê duyệt sản xuất (PPAP)..., 5S, Kaizen.

Kết quả đạt được khi áp dụng các nhóm giải pháp là rất rõ ràng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nói chung. Điển hình như Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Ðiển đã giảm định mức tiêu hao than, điện tại cửa lò.

Nhờ đó, chất lượng sản phẩm nâng cao, tiêu thụ rộng khắp trong nước và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...

Nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 14001, sản phẩm của Công ty cổ phần supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã được xuất sang Nhật Bản, New Zealand sản phẩm lân nung chảy dạng hạt 1517% P2O5 hữu hiệu, sấy khô...

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, 99,3% doanh nghiệp công nghiệp đánh giá việc áp dụng các công cụ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đã mang lại hiệu quả rõ nét.

Trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%); 64,7% doanh nghiệp có cải thiện về năng suất; 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm; 54,2% doanh nghiệp có giảm thiểu lãng phí nguyên -nhiên vật liệu; 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng.