Cách nào giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất?
Để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thực hiện các giải pháp quản trị và đổi mới sáng tạo.
Năng suất, chất lượng là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tăng năng suất lao động giúp làm giảm giá thành sản phẩm, đồng thời cũng đóng góp vào cải thiện chất lượng sản phẩm.
Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí về tiền lương trên 1 đơn vị sản phẩm, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều khách hàng, đối tác và mở rộng được thị trường.
Có thể nói, đối với doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh tế và mở rộng thị trường hàng hóa.
Theo báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong nhiều năm qua, biến động thị trường và tìm kiếm khách hàng luôn là 2 trong 5 khó khăn chính đối với các doanh nghiệp.
Khó khăn chung hiện nay của cả thị trường là nguyên vật liệu, đầu ra, đầu vào. Để cạnh tranh với các đối thủ và các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, doanh nghiệp phải đổi mới về công nghệ, quản lý về vấn đề quản trị và tiết giảm chi phí để giảm giá thành cho khách hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thực hiện các giải pháp quản trị và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, áp dụng công nghệ mới, sáng tạo trong thương mại và xây dựng dự án kinh doanh…
Đối với phát triển thị trường, doanh nghiệp nên tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, trong phát triển sản phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp phải tìm giải pháp để đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn theo các hiệp định thương mại tự do (FTA)…
Hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực. Doanh nghiệp vừa phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng phát huy nguồn nhân lực hiện có, vừa phải tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ bên ngoài. Song song với việc làm này là cần tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý của doanh nghiệp một cách gọn nhẹ, hoạt động hữu hiệu.
Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là tăng cường đổi mới khoa học - công nghệ. Cần nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học - công nghệ trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Định vị rõ được vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và xây dựng, lựa chọn được định hướng, mục tiêu và chiến lược phát triển công nghệ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyên môn hóa, tích cực tham gia các chuỗi gia công, chế biến toàn cầu để nâng cao trình độ quản lý cũng như năng lực áp dụng công nghệ…
Trong bối cảnh hiện nay, việc liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng vai trò quan trọng. Do vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần phải tăng cường liên doanh, liên kết.
Theo đó cần xác định đúng điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, xác định đúng các hình thức, phương thức liên doanh, liên kết để phát huy tốt hiệu quả từ liên doanh, liên kết…