Gỡ "nút thắt" tăng năng suất ngành Da giày

Hạ Băng

Nếu áp dụng mô hình tốt, áp dụng những phương pháp quản lý phù hợp để giải quyết bài toán về năng suất lao động thì tăng trưởng ngành Da giày sẽ tăng đáng kể so với mức hiện nay.

Xuất khẩu da giày đang có nhiều khởi sắc tích cực. Ảnh: Internet
Xuất khẩu da giày đang có nhiều khởi sắc tích cực. Ảnh: Internet

Xuất khẩu tăng 5,7%

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu da giày ước đạt 1,956 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 6,542 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2023.

Tính về thị trường, 5 thị trường lớn nhất của giày dép Việt trong 4 tháng qua là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP để mở rộng sang các thị trường mới như Canada, Mexico, Chile… Các FTA đã ký kết với lộ trình giảm thuế mạnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp da giày phát triển thị trường.

Theo đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, một trong những tín hiệu tích cực là nhờ các hiệp định FTA mà việc dịch chuyển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đã vào Việt Nam, bởi muốn tận dụng các FTA thì doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện về quy tắc xuất xứ.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm da giày xuất khẩu từ mức 45% lên 55% và đang tiếp tục tăng lên. Đây là thành công đáng kể cho ngành Da giày bên cạnh sự tăng trưởng xuất khẩu.

Bên cạnh tín hiệu vui từ việc các đơn hàng quay trở lại, doanh nghiệp ngành Da giày vẫn còn đang phải đối diện với không ít khó khăn, đặc biệt là các thay đổi từ thị trường.

Bên cạnh đó, dù có lợi thế giá nhân công so với các nước nhưng với chi phí đầu vào liên tục tăng, trong khi chi phí đầu ra không tăng, năng suất lao động thấp cũng là rào cản làm cho ngành này chưa đạt tăng trưởng mức cao hơn.

Giải quyết bài toán năng suất bằng phương pháp quản lý phù hợp

Năng suất lao động thấp đã khiến cho sức cạnh tranh khi tiếp nhận các đơn hàng nước ngoài của doanh nghiệp có những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, tay nghề người lao động cũng là vấn đề. Là ngành được đánh giá sử dụng nhiều lao động nhưng lao động ngành Da giày ở trình độ phổ thông, trình độ tay nghề còn thấp cũng ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Tất nhiên, năng suất lao động còn phụ thuộc vào điều kiện sản xuất, máy móc dây chuyền công nghệ, môi trường làm việc của doanh nghiệp.

Năng suất lao động thấp đã khiến cho sức cạnh tranh khi tiếp nhận các đơn hàng nước ngoài của doanh nghiệp có những hạn chế nhất định. Ảnh: Internet
Năng suất lao động thấp đã khiến cho sức cạnh tranh khi tiếp nhận các đơn hàng nước ngoài của doanh nghiệp có những hạn chế nhất định. Ảnh: Internet

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động trong ngành Da giày là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng của người lao động cũng như tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất tốt hơn, hướng tới áp dụng mô hình quản lý chất lượng như LEAN, 6 Sigma, 5S…

Theo tính toán của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, nếu áp dụng mô hình tốt, áp dụng những phương pháp quản lý phù hợp để giải quyết bài toán về năng suất lao động thì tăng trưởng ngành Da giày sẽ tăng 1,5 - 2 lần so với mức hiện nay.

Một số chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, để phát triển ngành Da giày thành ngành có giá trị sản xuất lớn, có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ cho da giày đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước mắt, Nhà nước cần đồng bộ cơ chế, chính sách, các giải pháp cụ thể để thu hút các nhà đầu tư từ các tập đoàn lớn đa quốc gia đến các doanh nghiệp trong nước mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để tập trung đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và khuyến khích các địa phương xây dựng ngay các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp chuyên sản xuất các loại nguyên phụ liệu cho da giày như da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da… với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.

Cùng với sự phát triển của các loại vật liệu để sản xuất da giày, quy trình nâng cao chất lượng, công nghệ xử lý để đảm bảo môi trường, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công đoạn thiết kế đã tạo ra chuyển biến, mang tính đột phá đối với ngành công nghiệp da giày.

Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ 3D nói riêng hay ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa nói chung giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình thiết kế, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, tạo ra những mẫu sản phẩm liên tục đổi mới.

Công nghệ 3D là công cụ thiết yếu giúp các nhà sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế...