Doanh nghiệp dệt may chia sẻ kinh nghiệm áp dụng Lean

Tĩnh Đồng

Áp dụng Lean đem lại kết quả vượt trội trong thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dệt may, song việc triển khai không hề đơn giản.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã áp dụng Lean khá thành công
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã áp dụng Lean khá thành công

Không áp dụng Lean rập khuôn, sáo rỗng

Lean là hệ thống sản xuất tinh gọn, phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục và tập trung vào việc tạo thêm giá trị cho khách hàng cùng lúc với việc loại bỏ lãng phí, tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn lực trong quá trình sản xuất…

Nguyên tắc chủ đạo của Lean là gia tăng giá trị cho khách hàng thông qua việc liên tục loại bỏ lãng phí trong suốt quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ.
Nguyên tắc chủ đạo của Lean là gia tăng giá trị cho khách hàng thông qua việc liên tục loại bỏ lãng phí trong suốt quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã áp dụng Lean khá thành công, điển hình như trường hợp Tổng công ty May 10.

Khẳng định được tính ưu việt vượt trội trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất, kinh doanh của đơn vị từ 15 - 20%, song lãnh đạo Tổng công ty May 10 thừa nhận, việc triển khai và áp dụng Lean không hề đơn giản.

Áp dụng Lean là một quá trình lâu dài và cần phải xây dựng từng bước. Người đứng đầu doanh nghiệp phải quyết liệt triển khai, nhiều lần có thể thất bại song tuyệt đối không được bỏ cuộc.

Bên cạnh đó, cần phải thay đổi tư duy từ cán bộ quản lý đến người lao động. Áp dụng Lean, doanh nghiệp không chỉ cần đến bàn tay người lao động mà còn cần đến trí tuệ và trái tim của họ. Chỉ khi ý chí đoàn kết và thông suốt từ trên xuống thì Lean mới có thể triển khai và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Đại diện Tổng công ty May Hưng Yên cũng cho rằng, vai trò của người lao động rất quan trọng trong quá trình doanh nghiệp áp dụng Lean. Người lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm vận động, tuyên truyền để họ thấy lợi ích của mô hình Lean, đó là giảm giờ làm, tăng thu nhập, môi trường làm việc hiện đại và chuyên nghiệp.

Ngoài ra, đây là mô hình quản lý “động”, vì vậy áp dụng tại mỗi doanh nghiệp một khác, không nên áp dụng một cách dập khuôn, sáo rỗng.

Nguyên tắc chủ đạo của Lean là gia tăng giá trị cho khách hàng thông qua việc liên tục loại bỏ lãng phí trong suốt quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ.

Lãng phí ở đây được hiểu là “tất cả các hoạt động của doanh nghiệp không giúp tạo ra giá trị mong muốn cho khách hàng”. Vì thế, muốn áp dụng Lean, doanh nghiệp phải hiểu đâu là những điều khách hàng thật sự quan tâm, những giá trị từ sản phẩm và dịch vụ cung cấp được khách hàng sẵn sàng trả tiền…

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ biết cách giảm thiểu hoặc loại bỏ những hoạt động làm phát sinh chi phí không cần thiết.

Khó khăn đặc biệt trong thay đổi nhận thức cán bộ quản lý

Lãnh đạo Tổng công ty May Nhà Bè (NBC) chia sẻ, triển khai Lean không tốn thêm nhiều chi phí nếu đơn vị tự triển khai, trừ khi đơn vị thuê tư vấn bên ngoài.

Thực tế khi NBC triển khai Lean chỉ trang bị thêm một số bảng biểu và công cụ trực quan như rổ, rá... trung bình tốn khoảng 20 triệu đồng/1 chuyền sản xuất lớn với 120 lao động.

Trong khi đó, kết quả doanh thu CM (tiền công may) của 1 chuyền sản xuất với 120 lao động được tăng thêm khoảng 20.000 USD/tháng, do vậy chi phí này là không lớn và sẽ có hiệu quả ngay trong tháng đầu tiên.

Nhờ công nghệ Lean, năng suất lao động toàn hệ thống của NBC tăng hơn 20%. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, NBC cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc thay đổi nhận thức của các cán bộ quản lý các đơn vị trong tổng công ty.

Do trình độ quản lý sản xuất chủ yếu có học vấn thấp, phát triển nhờ kinh nghiệm, quen với phương pháp sản xuất cũ nên việc thay đổi mô hình mới sẽ gặp khó khăn; cộng thêm năng lực đội ngũ làm Lean của đơn vị cũng còn hạn chế.

Đội ngũ này xuất phát từ tổng công ty, được tuyển chọn và đào tạo khá kỹ, một số được tuyển từ các công ty nước ngoài vào để tạo bước đột phá.

Do vậy, khi triển khai tại các đơn vị thành viên, đội này sẽ chọn lựa và thành lập thêm nhóm Lean của từng đơn vị dựa trên nguồn nhân sự sẵn có tại các xí nghiệp để cùng triển khai.

Sau khi dự án hoàn thành, nhóm Lean của tổng công ty rút đi thì nhóm Lean của các đơn vị con (ít kinh nghiệm) sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển trong giai đoạn đầu.

Chính vì thế, triển khai Lean tại các đơn vị, điều quan trọng nên làm là cần tập trung vào nguồn nhân lực đầu vào để cải thiện hệ thống. Xây dựng đội ngũ trẻ có trình độ và tâm huyết để đạt được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho đơn vị.