Doanh nghiệp địa ốc lên phương án ứng phó dịch COVID-19 lần 2
Tạm thời cho nhân viên môi giới làm việc tại nhà, dừng các buổi mở bán tập trung, thay đổi kế hoạch kinh doanh quý, dừng tuyển nhân sự… là những gì mà các doanh nghiệp địa ốc bắt đầu thực hiện để ứng phó với sự bùng phát lần 2 của dịch COVID -19.
Căng mình ứng phó
Công ty bất động sản HT tại đường Nguyễn Chí Thanh quận 11 TP. Hồ Chí Minh vừa thông báo cho hơn 100 nhân viên môi giới công ty từ ngày 28/7 sẽ làm việc tại nhà vì tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, vào tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp này cũng đã phải cho nhân viên làm việc tại nhà 2 tháng vì dịch bệnh.
Công ty T.A Group tại TP. Hồ Chí Minh cho biết bắt đầu từ tháng 8 sẽ dừng mở bán dự án mới tại Long An và không mở bán tập trung hằng tuần, thay vào đó nhân viên sẽ tiến hành bán độc lập, cho khách xem nhà mẫu và dự án luân phiên nhau để an toàn cho khách hàng.
Còn tập đoàn bất động sản ĐX cho biết đang cân nhắc việc dừng tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm đại đô thị tại tỉnh Đồng Nai ở Hà Nội, sự kiện này dự kiến sẽ tổ chức vào giữa tháng 8, tuy nhiên vì dịch bệnh bùng phát, nên doanh nghiệp quyết định theo dõi sự bùng phát của dịch bệnh những ngày tới để đưa ra quyết định dừng tổ chức sự kiện.
“Chúng tôi đã thuê trung tâm hội nghị, thư mời khách hàng cũng đã phát đi, vé máy bay cho lãnh đạo tập đoàn ra Hà Nội dự buổi ra mắt cũng đã đặt. Tuy nhiên, tất cả vì an toàn của khách hàng và tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ nên dù thiệt hại về kinh tế cũng sẽ phải dừng sự kiện”, vị lãnh đạo tập đoàn ĐX cho biết.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành mở bán dự án trong tháng 7 và dự kiến mở bán tiếp các dự án ở tháng 8 cũng đã bắt đầu tiến hành những tình huống xấu là dừng triển khai mở bán dự án.
Các doanh nghiệp cho rằng việc dừng một nhịp phát triển dự án với kế hoạch đề ra trước đó không phải để nghỉ ngơi mà thực tế thì các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho một cuộc bùng nổ mới sau khi dịch được kiểm soát.
Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group, một doanh nghiệp đang triển khai bán hàng loạt dự án bất động sản tại tỉnh Long An và Bình Dương cho biết, thực tế việc dừng triển khai mở bán dự án sẽ ảnh hưởng rất nhiều với doanh nghiệp, thế nhưng thời điểm hiện tại thay vì mở bán doanh nghiệp quyết định tái cơ cấu lại hướng đi của doanh nghiệp đặt ra cho năm 2020, thay vào đó là tiến hành hoàn thiện pháp lý cũng như làm hạ tầng, xây dựng căn hộ ở dự án chuẩn bị mở bán và quỹ đất chuẩn bị trước đó để có thể triển khai mở bán sau khi dịch được kiểm soát.
Dừng thêm một nhịp để mạnh mẽ vượt qua dịch bệnh
Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần xem xét đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp mình và nguồn lực hiện tại có thể duy trì; tiếp đó là xác định mục tiêu mong muốn trong chiến dịch kích cầu những tháng cuối năm; tiếp đó là kế hoạch tái cơ cấu, khôi phục nội lực, các nguồn lực cần chuẩn bị và cần huy động phục vụ cho mục tiêu đã đặt ra; thứ 4 là xây dựng các gói giải pháp, chính sách kích cầu sẽ áp dụng; thứ 5 là xây dựng chiến lược Marketing, kinh doanh cần triển khai để đạt được mục tiêu mong muốn.
Trong đó, chiến dịch kích cầu toàn diện cần tập trung nguồn lực tối đa, tạo sự bùng nổ và thu hút sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước tại các thời điểm dự kiến nêu trên.
Bà Hương cũng cho rằng, với để doanh nghiệp ngành địa ốc và các ngành khác tiếp tục vượt qua làn song thứ 2 của dịch bệnh thì hệ thống tài chính, ngân hàng cũng vào cuộc với các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh với lãi suất ưu đãi, xem xét ân hạn nợ gốc trong 3-6 tháng để doanh nghiệp có thời gian để phục hồi. Đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp tung ra các gói cho vay kích cầu tiêu dùng, mua nhà, mua xe... hấp dẫn.
Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản doanh nghiệp thời điểm này nên đặt ra kế hoạch kích cầu tổng lực không chỉ hướng tới khách hàng trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm thị trường Việt Nam để ngay sau khi dịch được kiểm soát sẽ bắt đầu bắt tay vào triển khai thực hiện.
“Với một số bước chính như tập hợp các dự án của các chủ đàu tư sẵn sàng chào bán (có thể có 1 số tiêu chí yêu cầu liên quan đến pháp lý dự án mới đủ đk đưa vào danh sách). Tiếp tục tác động từ Hiệp hội bất động sản và cơ quan, ban ngành thúc đẩy thêm tiến độ pháp lý của các dự án bị chậm thủ tục để tăng nguồn cung. Tiếp đó là phân loại sản phẩm theo các nhóm sau: theo quy mô, theo khu vực và theo loại hình sản phẩm như Nhà phố, biệt thự; Căn hộ bình dân, trung cấp; Căn hộ cao cấp; Nhà đất vùng ven, các tỉnh thành lân cận; Dự án nghỉ dưỡng; Dự án nhà xưởng, khu công nghiệp để phát triển. Bên cạnh đó, cần phân chia làm 2 nhóm đối tượng tiếp cận như mua bán dự án, mua sỉ 1 phần dự án; Bán lẻ ra thị trường", bà Hương nói.
Theo bà Hương, các chủ đầu tư cần xây dựng các chính sách bán hàng đặc biệt dành cho khách hàng và chi phí bán hàng dành cho hệ thống phân phối. Cuối cùng là tổ chức Road show dự án dành cho 3 đối tượng; M&A dự án hoặc 1 phần dự án dành cho nhà đầu tư trong và ngoài nước; tổ chức ngày hội môi giới đưa ra các chương trình liên kết bán hàng hấp dẫn; Tổ chức ngày hội mua nhà dành cho khách hàng, đưa ra các gói ưu đãi cực tốt cho người mua nhà, mua đất với chính sách giá cả hợp lý.
Bà Hương cũng cho rằng, nếu chúng ta làm tốt, tâm lý thị trường sẽ quay trở lại và cơ hội hồi phục và tăng tốc sẽ thành hiện thực và đạt hiệu quả.