Doanh nghiệp địa ốc nguy cơ thua lỗ khi giá vật liệu liên tục leo thang

Theo Bùi Hằng (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Các nhà thầu và doanh nghiệp địa ốc rất lo lắng khi vật liệu xây dựng tăng giá phi mã. Giá thép xây dựng liên tục leo thang, vượt ngưỡng 17 triệu đồng/tấn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp địa ốc, nhà thầu xây dựng lo lắng

Giá thép dự kiến còn tăng nữa, bởi mỗi lần xăng dầu tăng, tất cả các loại vật liệu xây dựng đều tăng, mà xăng dầu thì chắc chắn còn tăng do xung đột Nga - Ukraine. Tình hình này doanh nghiệp phải bỏ tiền túi ra trả lương công nhân thì lỗ vốn, ông Mai Thanh Toàn - Giám đốc Công ty Xây dựng Sông Ba chia sẻ.

Mới đây, nhận được bảng báo giá của một doanh nghiệp thép tại phía Nam, ông Toàn thở dài, bởi giá thép liên tục tăng như vậy, doanh nghiệp ông không dám ký hợp đồng mới.

Trong khi những hợp đồng đã ký trước đó thì đang rơi vào tình cảnh thua lỗ khi hợp đồng giá cũ chỉ có chưa đầy 16 triệu đồng/tấn thép, mà giờ tăng hơn 17 triệu đồng/tấn.

Theo ông Toàn: “Chỉ trong mấy tháng đầu năm mà giá vật liệu xây dựng tăng mạnh như vậy, không nhà thầu nào chịu nổi nếu đã ký hợp đồng từ trước. Các công ty nhỏ như chúng tôi không dám bỏ giá thầu, vì bỏ giá cao thì không trúng, còn bỏ giá thấp thì lại không có lời”.

Cũng tương tự ông V chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận 10 cho hay: “Công ty báo tăng thì chúng tôi phải báo với khách hàng để họ chủ động, việc này nằm ngoài ý muốn của chúng tôi”. Riêng với sắt thép, đây là lần thứ ba, giá thép được điều chỉnh tăng kể từ đầu năm 2022, sau khi tăng hai lần trước đó với mức tăng từ 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/tấn, thì nay tăng thêm từ 250.000-300.000 đồng/tấn.

Giá thép cuộn CB240 của Công ty Gang thép Thái Nguyên áp dụng từ ngày 15/2 là 17,3 triệu đồng/tấn nếu thanh toán ngay và gần 17,4 triệu đồng/tấn nếu thanh toán chậm, có bảo lãnh.

Giá thép chưa gồm VAT các loại cũng tăng lên 17,3 - 17,6 triệu đồng/tấn, tùy loại và tùy thanh toán nhanh hay chậm.

Từ giữa tháng 2/2022, giá thép Hòa Phát loại D10 tăng lên mức 17,15 triệu đồng/tấn, loại thép cuộn D12 cũng tăng lên 16,75 triệu đồng. Các thương hiệu khác như Thép Việt Đức, Thép Vinausteel, Thép Vina Kyoei, Thép Pomina... cũng tăng giá bán thép cuộn xây dựng.

Theo ông Toàn: “Nếu vật liệu cứ tăng liên tục như thế này thì doanh nghiệp không dám ký hợp đồng trọn gói vì không biết phải tính chi phí thế nào. Còn những hợp đồng đã ký từ năm 2021, không có lời thì cũng hy vọng không phải mang tiền nhà trả lương công nhân”.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng lo lắng

Theo nhiều chuyên gia, giá thép sẽ còn tiếp tục tăng, ít nhất là trong nửa đầu năm 2022 khi nhiều dự án bất động sản tái khởi động.

Ngoài ra, năm 2022 có nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn triển khai như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường vành đai, sân bay quốc tế Long Thành... cũng sẽ khiến lượng tiêu thụ thép tăng mạnh.

Một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, nếu giá nguyên vật liệu tăng trong khoảng thời gian ngắn và tăng nhẹ thì họ vẫn xoay sở được, giá thành phẩm vì thế không bị tăng.

Tuy nhiên, nếu giá tăng mạnh và chưa biết điểm dừng, thì sẽ đẩy giá nhà lên mức mới, bởi nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng rất lớn trong cấu phần chi phí xây dựng.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Đông ông Ngô Quang Phúc cho biết, giá nguyên vật liệu tăng là một vấn đề lớn trên thị trường hiện tại. Đây là một trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản, trong đó chi phí sắt thép chiếm 15-20%, còn lại là chi phí đất, xây dựng, quản lý và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nếu giá vật liệu xây dựng tăng, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng. Điều này sẽ khiến khách hàng dè dặt khi xuống tiền.

Nói về việc giá nhà có thể tiếp tục đà tăng, ông Ngô Quang Phúc phân tích, việc tạo ra nguồn cung hợp túi tiền người mua hiện không dễ khi các yếu tố cấu thành giá sản phẩm đều tăng trong thời gian qua.

Với chi phí đất, các doanh nghiệp hiện phải mua đất cao hơn ngày xưa rất nhiều. Chủ đầu tư chỉ bán nhà giá thấp hơn khi họ mua đất từ rất lâu trước đó. Muốn có nhà giá rẻ phải xây dựng được một quỹ đất giá rẻ.

Hay với chi phí xây dựng, bên cạnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng, thậm chí tăng lên rất nhiều, thì các tiêu chuẩn của chung cư cũng được nâng cấp, khiến giá xây dựng bị đội lên.

Theo ông Phúc: “Bản chất giá xây dựng không điều chỉnh được nhiều. Cùng lắm phải cơ cấu diện tích nhỏ lại để giảm phần tiền này, nếu doanh nghiệp nỗ lực kiểm soát các chi phí quản lý có thể giúp chủ đầu tư chủ động phần nào, nhưng không giúp cải thiện nhiều tới giá thành”.

Dịch bệnh kéo dài làm thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch giảm nhiều nên khó tăng giá bất động sản. Khi giá vật liệu tăng mạnh, những nhà thầu đã ký hợp đồng với chủ đầu tư trước đó sẽ tìm cách kéo dài tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường; đồng thời, chờ giá xuống để đỡ lỗ, khiến dự án bị chậm tiến độ, dẫn đến chủ đầu tư bị khách hàng phạt vì chậm giao nhà, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc khác cũng chia sẻ.

Theo vị này, giá vật liệu xây dựng tăng, về nguyên tắc thì chủ đầu tư phải tăng giá bán nhà. Song hiện nay thị trường trầm lắng, lượng khách hàng ít nên chủ đầu tư buộc lòng phải cắt giảm lợi nhuận để giữ giá bán và kéo khách hàng. Điều này khiến các chủ đầu tư rơi vào cảnh làm cũng không ổn mà không làm cũng không được.