Doanh nghiệp đối mặt với thách thức nào khi áp dụng ISO 45001?

Cẩm An

Doanh nghiệp vừa và nhỏ khi áp dụng ISO 45001 thường đối mặt với những khó khăn, thác thức về tài chính; thiếu kiến thức cần thiết liên quan; thiếu nguồn lực và thời gian cần thiết để thực hiện. 

Hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động với nguồn tài chính hạn chế, do đó chi phí để triển khai áp dụng ISO 45001. Ảnh: Internet
Hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động với nguồn tài chính hạn chế, do đó chi phí để triển khai áp dụng ISO 45001. Ảnh: Internet

Xem xét các dự án hỗ trợ tài chính để triển khai ISO 45001

ISO 45001 là một hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, cung cấp các tiêu chí và khuôn khổ để cải thiện an toàn lao động, giảm thiểu rủi ro tại nơi làm việc tạo điều kiện làm việc an toàn hơn.

Tiêu chuẩn giúp tổ chức cung cấp một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho công nhân và những người khác, tránh trường hợp tử vong, tai nạn lao động liên quan và bệnh tật từ môi trường làm việc. ISO 45001:2018 áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào trên thế giới.

Trong quá trình triển khai áp dụng ISO 45001 tại nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian qua, có 3 khó khăn, thách thức nổi cộm mà các doanh nghiệp thường gặp phải.

Thứ nhất là khó khăn về tài chính khi triển khai áp dụng. Hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động với nguồn tài chính hạn chế, do đó chi phí để triển khai áp dụng ISO 45001 và đạt được chứng nhận ISO 45001 là một vấn đề đáng cân nhắc.

Các chi phí có thể bao gồm chi phí sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng; huấn luyện an toàn lao động cho nhân viên, quan trắc môi trường lao động; kiểm định thiết bị an toàn…

Tuy nhiên, cũng phải nhận thức rõ rằng, đạt được chứng nhận ISO 45001 có thể đem lại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều lợi ích. Ví dụ, doanh nghiệp có thể cạnh tranh để giành được các hợp đồng giống như các doanh nghiệp lớn hơn, hoặc đáp ứng các điều kiện tham gia nhiều cuộc đấu thầu trong nhiều ngành.

Trong nhiều trường hợp, vấn đề có thêm những hợp đồng sản xuất kinh doanh có thể mang lại lợi nhuận tài chính đủ để bù đắp cho chi phí triển khai áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp theo ISO 45001 của doanh nghiệp.

Hơn nữa, nếu một doanh nghiệp vừa và nhỏ phát sinh tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc bị phát hiện vi phạm pháp luật về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp thì mức phạt tài chính có thể lớn hơn nhiều so với chi phí ban đầu để thực hiện ISO 45001.

Điều này kết hợp với khả năng mất uy tín do tai nạn và những vi phạm pháp luật khiến cho việc triển khai áp dụng ISO 45001 trở thành một quyết định sáng suốt.

Để góp phần hạn chế thách thức về tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xem xét các chương trình, dự án hỗ trợ tài chính để triển khai áp dụng ISO 45001 cho doanh nghiệp mình. Do đó, việc tìm hiểu và trao đổi thông tin với các tổ chức, đơn vị thực hiện dự án là điều đáng quan tâm khi mong muốn áp dụng ISO 45001 cho doanh nghiệp mình.

Thiếu kiến thức về Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp

Thách thức nổi cộm thứ hai của các doanh nghiệp là thiếu kiến thức cần thiết liên quan đến Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp (OH&S). Lý do là một doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có ít nhân viên, do đó khả năng một doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhân sự OH&S chuyên trách sẽ rất khó, hầu như bằng không.

Thách thức nổi cộm thứ hai của các doanh nghiệp là thiếu kiến thức cần thiết liên quan đến Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OH&S. Ảnh: Internet
Thách thức nổi cộm thứ hai của các doanh nghiệp là thiếu kiến thức cần thiết liên quan đến Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OH&S. Ảnh: Internet

Vì vậy, theo các chuyên gia, đầu tiên, doanh nghiệp hãy áp dụng tiêu chuẩn ISO 45001 và làm quen với các yêu cầu, tiêu chí của nó. Tiếp đó, cần tính đến việc bổ nhiệm một người quản lý dự án, chịu trách nhiệm phối hợp, để thực hiện áp dụng ISO 45001.

Thách thức thứ ba, các doanh nghiệp thường thiếu nguồn lực và thời gian cần thiết để thực hiện. Trên thực tế, một OH&S được vận hành hiệu quả không đòi hỏi nhiều nguồn lực hoặc thời gian để duy trì.

Điều quan trọng nhất là OH&S được tất cả người lao động coi là quan trọng và đánh giá cao, cũng như trách nhiệm được lên kế hoạch thực hiện, trao đổi thông tin và phân công trách nhiệm rõ ràng.

Việc đảm bảo nhân viên của doanh nghiệp có kiến thức, đào tạo và nhận thức phù hợp sẽ không chỉ cải thiện hiệu suất OH&S của doanh nghiệp mà còn góp phần trang bị cho nhân viên đủ hành trang để có thể tham gia xác định và đánh giá rủi ro; tham gia và tham vấn trong các cuộc họp OH&S cũng như đưa ra đề xuất để cải thiện hiệu suất của OH&S doanh nghiệp.