Doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Nguyễn Linh

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang không ngừng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.

Làm chủ, đổi mới công nghệ là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.
Làm chủ, đổi mới công nghệ là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.

Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình từ 15-20% /năm. Năng suất lao động của doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5– 2 lần so với khi chưa đổi mới công nghệ.

Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, đầu tư công nghệ như Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025. Các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương về hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị cho doanh nghiệp.

Hiện này nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đang chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, xem đây là chìa khóa quan trọng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong bối cảnh phục hồi lại sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư đổi mới, cải tiến hệ thống máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Đến nay, toàn Tỉnh đã có 32 doanh nghiệp khoa học công nghệ, đứng thứ 3 cả nước. Việc đầu tư đổi mới công nghệ đã đem lại hiệu quả rõ nét cho doanh nghiệp.

Ông Đỗ Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản Hải Oanh cho biết: "Công ty đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất dây chuyền gỗ ghép thanh, qua quá trình cũng được Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ một phần vốn, giúp cho Công ty sản phẩm chất lượng tốt, đồng thời là tất cả thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc đều đáp ứng".

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Nhà máy liên doanh bê tông Việt Nhật cũng cho biết: "Hệ thống bê tông của nhà máy toàn bộ tự động hóa, gạch không nung tự động hóa 80%, hệ thống cống mới đầu tư quay li tâm ép sản xuất số lượng lớn, do điều kiện kinh phí không lớn, nhà máy đang tiến hành đầu tư tái tạo dần dần, làm sao đạt hiệu quả".

Theo các chuyên gia kinh tế, làm chủ, đổi mới công nghệ là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường.