Doanh nghiệp lợi 100 tỷ đồng/năm từ giảm thuế xăng sinh học

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Theo Bộ Tài chính, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giảm ít nhưng có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí nhờ giảm thuế trong bối cảnh mới bắt đầu triển khai, chi phí khấu hao còn lớn, tạo điều kiện giảm giá thành xăng sinh học thấp hơn nữa so với xăng khoáng dùng pha trộn cùng loại.

 Doanh nghiệp lợi 100 tỷ đồng/năm từ giảm thuế xăng sinh học
Giảm thuế sẽ có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí trong bối cảnh mới bắt đầu triển khai, chi phí khấu hao còn lớn. Nguồn: internet

Tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bổ sung việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi đối với xăng sinh học thấp hơn so với xăng thông thường (ưu đãi theo tỷ lệ ethanol và các chế phẩm sinh học trong xăng).

Tiếp thu đề nghị này, tại báo cáo vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, xăng sinh học E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON 92 và 5%, 10% cồn sinh học.

Theo Luật thuế TTĐB hiện hành thì thuế TTĐB chỉ thu đối với xăng dùng để pha chế. Theo đó, tỷ lệ thu thuế TTĐB đối với 1 lít xăng E5 và E10 chỉ là 95% hoặc 90% so với 1 lít xăng RON 92.

Hiện nay, để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho áp dụng giá bán xăng E5 thấp hơn không quá 350 đồng/lít so với xăng khoáng RON92 (A92) kể từ ngày 28/7/2014. 

Trong khi đó, theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống thì xăng E5 sẽ được tiêu thụ từ ngày 01/12/2014, xăng E10 sẽ được tiêu thụ từ ngày 01/12/2016 tại 07 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên trên thực tế, xăng E5 đã được tiêu thụ tại nhiều địa điểm của các địa phương này sớm hơn lộ trình. Sản lượng xăng E5 dự kiến tiêu thụ năm 2015 là 400 triệu lít, năm 2020 là 1,139 tỷ lít.

Để thực hiện chính sách ưu đãi đối với xăng sinh học, một số nước trong khu vực có chính sách khác như sau: Philippines chỉ cấp hạn ngạch nhập khẩu khi các nhà sản xuất trong nước đã ký hợp đồng tiêu thụ hết sản phẩm. Thái Lan dùng quỹ xăng dầu thu từ giá bán xăng và trợ giá cho nhiên liệu sinh học, làm cho giá xăng thường cao hơn so với giá xăng E5.

Còn về thuế TTĐB đối với xăng sinh học, một số nước áp dụng như Việt Nam hiện nay chỉ đánh thuế TTĐB đối với xăng khoáng truyền thống dùng để phối trộn. Thái Lan lại quy định mức thuế tuyệt đối bằng với mức thuế tuyệt đối của xăng khoáng truyền thống nhân với tỷ lệ pha trộn. Cụ thể như sau: Xăng không chì: 7 baht/lít, xăng pha cồn E10: 6,3 baht/lít; E20: 5,6 baht/lít; E85: 1,050 baht/lít.

Hungary quy định thuế TTĐB đối với nhiên liệu sinh học với mức thuế thấp hơn so với các loại nhiên liệu khác: đối với xăng là 103,5 HUF/lít; diesel là 85 HUF/lít; Đối với sản phẩm xăng có pha trộn 4,4% nhiên liệu sinh học sẽ được giảm thuế TTĐB là 8,3 HUF/lít (mức thuế là 95,3 HUF/lít). Biểu thuế một số nước khác không có quy định riêng về thuế TTĐB đối với xăng sinh học.

Vì vậy để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng nhiên liệu sinh học, sử dụng nhiên liệu cồn từ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, bổ sung quy định áp dụng thuế suất thuế TTĐB ưu đãi là 9% đối với E5 và 8,5% đối với E10 (ưu đãi giảm 5% trên mức thuế suất của xăng khoáng truyền thống tương ứng với mỗi 5% lượng nhiên liệu sinh học pha trộn thêm ngoài tỷ lệ pha trộn 95% đối với E5 và 90% đối với E10 theo quy định). Để đơn giản trong quản lý và kê khai, giá tính thuế TTĐB là giá bán của xăng sinh học (thực tế bằng hoặc thấp hơn giá bán xăng khoáng cùng loại).

Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu thuế TTĐB giảm khoảng gần 100 tỷ đồng/năm nhưng có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí nhờ giảm thuế trong bối cảnh mới bắt đầu triển khai, chi phí khấu hao còn lớn, tạo điều kiện giảm giá thành xăng sinh học thấp hơn nữa so với xăng khoáng dùng pha trộn cùng loại.