Doanh nghiệp - lực lượng tuyến đầu khôi phục kinh tế
Kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, TP. Cần Thơ thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg. Từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới cũng là thời điểm các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bước vào mùa sản xuất cao điểm, đẩy nhanh tiến độ các đơn hàng đã ký kết, chạy nước rút để hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm...
Mở cửa theo lộ trình
Với 2 nhà máy chế biến cá tra và tôm xuất khẩu, CTCP Thủy sản NTSF có 2.779 lao động. Sau hơn 2 tháng thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường, 2 điểm đến” công ty chỉ duy trì trên 500 lao động để giải quyết khâu thành phẩm, tạm dừng chế biến của cá tra và tôm.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc CTCP Thủy sản NTSF, chia sẻ: Công ty đăng ký thêm phương án “2 tại chỗ - vùng xanh” với 1.243 công nhân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 với số người đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trên 4 tuần và ở tại địa bàn TP. Cần Thơ.
Công ty sẽ khôi phục 50% công suất hoạt động của cả 2 nhà máy với năng lực chế biến từ 90-100 tấn cá tra nguyên liệu/ngày và từ 10-15 tấn tôm nguyên liệu/ngày. Ðồng thời tiếp tục giữ lại phương án “3 tại chỗ” với sức chứa 500 lao động đã được duyệt trước đó để phòng ngừa khi các khu vực lưu trú của công nhân đang thực hiện “2 tại chỗ - vùng xanh” chuyển sang cấp độ nguy cơ cao hơn.
Sau thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty TNHH Quốc tế Tri - Việt lên kế hoạch kết hợp thêm phương án “2 tại chỗ - vùng xanh”. Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri - Việt, cho biết: Ðơn hàng nhiều trong khi năng lực hoạt động theo 3 tại chỗ của Công ty chỉ đạt hơn 20% công suất. Một số đơn hàng đã bị khách hàng chuyển sang Philippines, Thái Lan, Indonesia…
Ðể kết nối lại các đơn hàng cũ, nhận các đơn hàng mới, Công ty triển khai phương án giữ công nhân “3 tại chỗ” làm ca 2 và bổ sung công nhân đã tiêm vaccine, đi và về từ vùng xanh làm ca 1. Hai ca hoàn toàn tách biệt, mỗi ca chia thành từng chuyền nhỏ từ 20-30 người, đảm bảo giãn cách, tuân thủ 5K; dự phòng khi có F0 sẽ dễ dàng bóc tách, khoanh vùng xử lý kịp thời. Công ty cũng tăng cường quản lý, ký cam kết với người lao động về lộ trình di chuyển để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Chọn lựa thực hiện kết hợp nhiều phương án trong giai đoạn phục hồi, khởi động lại sản xuất cho thấy sự thận trọng, đảm bảo an toàn cho người lao động, cho nhà máy cũng như quyết tâm sống chung với đại dịch của nhiều DN.
Ông Nguyễn Văn Bắc - Phó Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, cho biết: Hơn 2 tháng qua, công ty duy trì hoạt động lên đến 85% công suất nhờ thực hiện phương án 3 tại chỗ kết hợp với 1 cung đường 2 điểm đến. Với 122 lao động đã được tiêm 2 mũi vaccine, 473 lao động được tiêm mũi 1. Công ty đăng ký chuyển dần sang phương án “2 tại chỗ - vùng xanh” theo tỷ lệ từ 30-50% lao động và đăng ký từ 1/11/2021, toàn bộ người lao động được đi về hàng ngày, ngoại trừ những người có nhà ở khu vực nguy cơ cao về dịch bệnh.
Kết nối chuỗi cung ứng
Khi được mở cửa khôi phục sản xuất, các DN đều quyết tâm tập trung nguồn lực, vừa nâng công suất hoạt động trong phạm vi cho phép phù hợp với điều kiện an toàn phòng chống dịch vừa chuyển sang trạng thái chạy nước rút để giữ chân khách hàng, giữ uy tín công ty.
Theo ông Nguyễn Văn Bắc - Phó Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, dù phát sinh chi phí trong thực hiện các phương án đảm bảo an toàn sản xuất và cần thời gian mở lại sản xuất theo lộ trình song công ty vẫn tập trung nguồn lực để kịp sản xuất các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ dịp Noel cũng như giải quyết việc làm, giữ chân người lao động.
Còn ông Trần Chí Gia - Giám đốc CTCP May Meko, cho biết: Thông thường tháng 8 công ty phải giao hàng cho thị trường Âu Mỹ và tiếp theo là đến thị trường Nhật. Song hiện nay công ty đã chậm trễ đơn hàng ở cả 2 thị trường chính này. Vì vậy khi được phê duyệt phương án “2 tại chỗ - vùng xanh”, công ty bắt tay vào làm việc ngay, thậm chí tăng ca, làm cả ngày chủ nhật. Meko quyết tâm xúc tiến các đơn hàng đã ký để khách hàng yên tâm tiếp tục hợp tác với công ty không chuyển đơn hàng sang các nước khác.
Các DN trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu hoạt động trở lại trong tâm thế bắt nhịp phục hồi lại chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn đứt gãy sau gần 3 tháng giảm công suất, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Ông Võ Ðông Ðức - Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), chia sẻ: Với việc mở lại hoạt động theo từng bước, trong 3 tháng nữa công ty vẫn chưa giải quyết hết các đơn hàng đã ký kết. Trong giai đoạn này sẽ có các đơn hàng ký kết mới tiếp theo. Vì vậy, khi mở cửa hoạt động trở lại, công ty phải bắt tay ngay vào sản xuất để giải phóng lượng cá tra nguyên liệu còn tồn đọng, quá lứa và sắp đến lứa ở các vùng nuôi.
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, nhấn mạnh: Ở giai đoạn mở cửa khôi phục kinh tế, DN chính là lực lượng tuyến đầu, tiêu biểu là DN sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ðối tượng tập trung bảo vệ và ưu tiên tiêm vaccine ở giai đoạn này là công nhân, người lao động trong các DN sản xuất. Thành phố cũng cam kết đồng hành, hỗ trợ DN kịp thời mở lại sản xuất, kinh doanh, quyết tâm không để đứt gãy những ngành hàng chiến lược, thiết yếu.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ: Các phương án mở lại sản xuất do DN chủ động xây dựng và triển khai thực hiện với điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn cho công nhân, cho sản xuất. Thành phố đã giao Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Sở Y tế, UBND các quận, huyện kịp thời hỗ trợ DN thẩm định triển khai phương án mở lại sản xuất. Khi thực hiện phương án 2 tại chỗ - vùng xanh phải chủ động thông tin, liên lạc thông suốt về tình hình diễn biến dịch bệnh để trong trường hợp người lao động ở địa bàn chuyển sang cấp độ nguy cơ cao phải có giải pháp xử lý linh hoạt, kịp thời. Khi có F0 trong nhà máy phải xử lý cách ly, tầm soát F1, khử khuẩn, khoanh vùng phong tỏa hẹp, đảm bảo an toàn cho sản xuất lại ngay, không để gián đoạn hoạt động hay cách ly toàn nhà máy.