Doanh nghiệp Mỹ phát triển năng lực và nâng cao thiết kế vi mạch thế hệ mới cho Việt Nam
Ngày 30/5, Công ty Cadence (công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện tử) và Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (nơi đi đầu về kết nối công nghệ cao tại Việt Nam) đã cùng công bố việc hợp tác phát triển đội ngũ nhân lực thiết kế trong lĩnh vực điện tử và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Phát triển đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực thiết kế điện tử tại Việt Nam
Theo PGS., TS. Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP), việc hợp tác giữa Cadence và SHTP sẽ có đóng góp lớn cho việc nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch SHTP, góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho thành phố cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Buổi lễ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Thông qua việc hợp tác, Cadence mong muốn có cơ hội cung cấp các công cụ phần mềm thiết kế IC cùng các chương trình đào tạo liên quan cho các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thông qua Mạng lưới học thuật Cadence.
Các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là những đơn vị có thế mạnh về khoa học kỹ thuật và có mong muốn cùng tham gia phát triển đội ngũ nhân lực tài năng phục vụ ngành thiết kế IC đang phát triển trong khu vực.
Mục tiêu hợp tác hướng đến giúp các bạn sinh viên gia tăng kinh nghiệm thực tiễn trong thiết kế và kiểm định IC, đồng thời học cách giải quyết những vấn đề kỹ thuật trong quá trình thiết kế IC, thiết kế PCB, và các quy trình hoàn chỉnh trong thiết kế và sản xuất IC.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS., TS. Nguyễn Anh Thi nhìn nhận, việc hợp tác giữa hai bên sẽ tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được tiếp cận công nghệ và phương pháp mới nhất trong thiết kế IC và thiết kế hệ thống, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn để đạt được thành công trong lĩnh vực điện tử, vi mạch.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Thi, việc hợp tác này sẽ có đóng góp lớn cho việc nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch SHTP, góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho thành phố cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
“Chúng tôi rất trân trọng việc hợp tác cùng Cadence, công ty hàng đầu trong lĩnh vực EDA. Với cam kết mạnh mẽ từ công ty Cadence trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này, chúng tôi tin rằng sự hợp tác giữa SHTP và Cadence sẽ mang lại hiệu quả tích cực” ông Thi nhấn mạnh.
Ông Michael Shih - Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản của Cadence cũng cho biết, SHTP đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trong khu vực.
“Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với SHTP và các trường đại học để hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực thiết kế điện tử tại Việt Nam. Bằng việc cung cấp quyền truy cập vào các phần mềm của Cadence, chúng tôi mong muốn trang bị cho các thế hệ kỹ sư tương lai những kỹ năng cần thiết để góp phần vào sự phát triển công nghệ cao tại Việt Nam”, ông Michael Shih khẳng định.
Chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao để thu hút các nhà đầu tư
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao việc hợp tác giữa hai đơn vị và cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản, chính sách để hướng dẫn việc phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và gần đây nhất, Bộ đã trình lên Chính phủ chiến lược phát triển KHCN từ nay đến năm 2030 và định hướng đến 2045, trong nội dung chiến lược đều khẳng định vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, những chiến lược nối trên đã được đưa vào trong các nghị quyết của Đảng, nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ, việc đẩy mạnh KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực giúp kinh tế xã hội phát triển bền vững tại Việt Nam.
“Tôi hy vọng sau buổi ký kết chúng ta sẽ dùng được những trí tuệ, nội dung công nghệ được đào tạo áp dụng tại Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch để có thể cung cấp cho các ngành, lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng nói.
Trong khi đó, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận dưới tác động của đại dịch COVID-19, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và xung đột Nga - Ukraine đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với tập đoàn đa quốc gia là phải cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn để tăng khả năng thích ứng, chống chịu trước những nguy cơ dịch và xung đột.
Theo ông Dương Anh Đức, với vị thế địa lý chính trị - kinh tế của mình, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang được xem là điểm đến tiền năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, nhận thấy được tiềm năng này, thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là SHTP khẩn trương tham mưu, chuẩn bị các điều kiện về cơ chế, chính sách, quỹ đất cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao để thu hút các nhà đầu tư.
“Để đào tạo nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, ngày 22/10/2022, SHTP đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch SHTP có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ như: li-xăng các công cụ tự động hóa thiết kế (EDA) đến các trường, viện; tổ chức khóa đào tạo (ToT) về thiết kế vi mạch cho giảng viên; tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch; cung cấp dịch vụ MPW để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp tape-out các thiết kế, cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, triển khai các chương trình hợp tác để huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Sau buổi lễ ký kết, các đại biểu cũng đã tham quan, tìm hiểu Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC) và Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center - IETC) theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
IETC được chính thức ra mắt, đưa vào vận hành từ ngày 25/3/2023, là mô hình hợp tác giữa Trung Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao (SHTP Training) và Công ty Sun Electronics (một công ty khởi nghiệp lĩnh vực điện tử do các chuyên gia người Việt tại Silicon Valley và các trí thức, chuyên gia, doanh nhân trong nước đồng sáng lập) thành lập, cung cấp: (1) Các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn IPC (International Process Control), tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi bởi các tập đoàn công nghệ thế giới; (2) Các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế; (3) Các chương trình đào tạo thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế (Product Design).
Các chương trình đào tạo do các chuyên gia người Việt Nam ở Thung lũng Silicon Valley thiết kế và trực tiếp giảng dạy trong giai đoạn đầu. Đây là mô hình thí điểm hợp tác công tư nhằm gắn kết trí thức, chuyên gia người Việt Nam tại Silicon Valley với các trí thức, chuyên gia và doanh nhân trong nước để tiếp thu, chuyển giao tri thức, công nghệ trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn vào trong nước.