Doanh nghiệp Nga tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam
Sau 2 tháng chính thức có hiệu lực, Liên minh kinh tế Á - Âu bắt đầu tác động đến tình hình giao thương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực này.
Dù có nhiều tương đồng về tình hình kinh tế xã hội, song thời gian qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga mới chỉ đạt 4 tỷ USD/năm, chưa xứng tầm với mối quan hệ ngoại giao và tiềm năng thương mại của hai nước. Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan…, những nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu là những thị trường rộng lớn song vẫn tương đối đóng cửa với nước ngoài.
Dù đã gia nhập WTO, song mức thuế nhập khẩu vào Nga vẫn còn cao, đặc biệt với các mặt hàng nông nghiệp. Với việc cắt giảm nhiều dòng thuế và đưa mức thuế nhập khẩu một số mặt hàng về 0, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nga đang tìm cơ hội đưa sản phẩm của mình vào thị trường còn lại.
Theo ông Robert Kueilo, Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm xuất khẩu Nga tại Hà Nội, Việt Nam đang có mức chi tiêu cao, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều hơn nên ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu tiềm năng, nhất là với những thương hiệu lâu đời ở Nga nhưng chưa được thế giới biết đến nhiều, như các sản phẩm ngũ cốc, bánh kẹo, nước ép trái cây, sản phẩm chế biến từ thịt…
Mới đây, cơ quan này đã kết nối đoàn doanh nghiệp Nga sang giới thiệu sản phẩm và làm việc với các nhà nhập khẩu và hệ thống phân phối lớn của Việt Nam như Co.op Mart, Big C, An Nam Gourmet, Lotte... để tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang Việt Nam, nước đầu tiên ngoài khối mà Liên minh Á-Âu kí kết FTA.
Đánh giá tốt về sản phẩm của Nga, Bà Đoàn Thị Mỹ Linh, Trưởng bộ phận siêu thị - Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết các sản phẩm của nước này có chất lượng, bao bì đạt chuẩn, hầu hết sản phẩm hạn chế sử dụng chất bảo quản, có thể giảm hạn sử dụng từ 6-9 tháng nhưng bù lại đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Robert cũng cho biết, thúc đẩy giao thương hàng hóa là một trong những biện pháp được thực hiện để kim ngạch thương mại Việt Nam và Nga sẽ đạt được mục tiêu 10 tỉ USD đến năm 2020.