Doanh nghiệp nhà nước phải có biện pháp bảo toàn vốn
Đó là nội dung cơ bản tại Thông tư 219/2015/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, DNNN phải ban hành Quy chế nội bộ để quản lý, sử dụng các loại tài sản của mình.
Phải có biện pháp bảo toàn vốn
Về quản lý vốn và tài sản, Thông tư quy định doanh nghiệp phải xây dựng và ban hành Quy chế nội bộ để quản lý, sử dụng các loại tài sản của doanh nghiệp.
Quy chế phải xác định rõ việc phối hợp của từng bộ phận quản lý trong doanh nghiệp, quy định rõ trách nhiệm bồi thường với các trường hợp làm hư hỏng, mất mát, gây tổn thất tài sản, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp có tài sản đặc thù như vật nuôi, cây trồng, thiết bị có nguồn phóng xạ, chất độc hại và tài sản đặc thù khác, quá trình quản lý, sử dụng, thanh lý tài sản ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tài chính, doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ các quy định, quy trình, quy phạm về kỹ thuật của cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành.
Thông tư cũng quy định: Doanh nghiệp Nhà nước phải áp dụng các biện pháp bảo toàn vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 91 để bảo toàn vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Trong đó: Việc trích lập các khoản dự phòng rủi ro như dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng các khoản phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC, Thông tư số 34/2011/TT-BTC, Thông tư số 89/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính và các Thông tư sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Lãi, lỗ của doanh nghiệp làm căn cứ đánh giá mức độ bảo toàn vốn là số chênh lệch giữa tổng doanh thu và thu nhập khác trừ (-) tổng các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (bao gồm cả khoản trích lập dự phòng theo quy định). Nếu số chênh lệch dương doanh nghiệp có lãi, nếu số chênh lệch âm doanh nghiệp bị lỗ, nếu không có chênh lệch doanh nghiệp không phát sinh lãi, lỗ.
Nhiều hình thức chuyển nhượng vốn
Về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Thông tư hướng dẫn: Doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên trong công ty thì phải thực hiện theo Điều 53 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Nếu chuyển nhượng cho các thành viên khác trong công ty thì thực hiện thỏa thuận giá chuyển nhượng, việc xác định giá bán thỏa thuận trên cơ sở kết quả thẩm định giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá.
Nếu chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân ngoài công ty thì thực hiện bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trực tiếp theo quy định tại Nghị định 91.
Doanh nghiệp chuyển nhượng vốn theo phương thức đấu giá công khai có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên tại Sở Giao dịch chứng khoán, dưới 10 tỷ đồng thì có thể thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán. Nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua thì doanh nghiệp bán thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư.
Trong trường hợp chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết (hoặc đã đăng ký giao dịch trên Upcom) thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
Giá thỏa thuận phải đảm bảo trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng, nhưng không thấp hơn giá cổ phiếu được xác định theo giá trị sổ sách của công ty cổ phần có mã chứng khoán niêm yết/đăng ký giao dịch.
Tiền thu được từ chuyển nhượng sau khi trừ giá trị vốn đã đầu tư, chi phí và thuế phải nộp, phần còn lại được xác định vào thu nhập hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Nếu khoản tiền thu được không đủ bù đắp vốn đầu tư, doanh nghiệp được hạch toán phần còn thiếu vào chi phí hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2016.