Doanh nghiệp Nhật đầu tư vào nông sản Việt

Theo thoibaonganhang.vn

Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh đã thống kê, hiện nay có đến 70% các doanh nghiệp Nhật Bản (nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) đang hướng đầu tư của mình vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước đây, doanh nghiệp Nhật chọn đầu tư là hợp tác, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam lập nông trại sản xuất rau, trái cây ngắn ngày, sản xuất và tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. Còn hiện nay, các công ty Nhật chọn đầu tư vào các loại nông sản thế mạnh xuất khẩu như rau quả, gạo, hải sản chế biến.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, trọng tâm thu hút đầu tư từ Nhật Bản giai đoạn từ nay đến 2020 tập trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên (trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản được Thủ tướng Chính phủ duyệt) là điện tử, đóng tàu, công nghệ môi trường và tiết kiệm năng lượng, ô tô và linh kiện, máy móc thiết bị nông nghiệp và chế biến nông thủy sản.

Trong đó, Việt Nam đặc biệt thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, chế biến nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Nhóm doanh nghiệp này chủ yếu ở các địa phương của Nhật Bản và rất mạnh trong phát triển sản xuất tại địa bàn và có công nghệ sản xuất hiện đại. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào 49/63 tỉnh thành phố.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay phía Nhật Bản đã có trên 40 dự án đang thực hiện với tổng số vốn đạt gần 250 triệu USD. Nhóm hàng nông nghiệp được doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư là rau quả tươi, chế biến hải sản, sản xuất gạo và gỗ nguyên liệu…

Hiện nay, Nhật Bản đang tăng đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam bởi họ đánh giá được tiềm năng phát triển rất lớn phía trước, đặc biệt là khi Bộ Nông nghiệp hai nước đã xây dựng chiến lược hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tầm trung và dài hạn.

Trong đó, tập trung vào việc tăng năng suất, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ chế biến, sản xuất nông nghiệp thích ứng khí hậu.

Theo ông Matsuo, Giám đốc công ty Marine Việt Nam Agri Farm thì hiện nay, số lượng nhà bán lẻ Nhật Bản có mặt tại thị trường Việt Nam đã chiếm khoảng 5% trong tổng số các doanh nghiệp Nhật Bản. Hệ thống phân phối của Nhật với những thương hiệu lớn như Aeon, Daiso… sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm tốt của doanh nghiệp Nhật khi đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam còn có thế mạnh xuất khẩu rau, hoa, trái cây, thủy sản. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật như công ty Marine Việt Nam Agri Farm không chỉ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường Việt Nam, mà còn hướng đến xuất khẩu.

Và theo Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư tại nhiều địa phương như, Tập đoàn Kato hợp tác với tỉnh Bình Định thực hiện dự án đánh bắt cá ngừ đến năm 2020 với tổng vốn trên 750 nghìn USD.

Tại tỉnh Lâm Đồng, hàng loạt doanh nghiệp lớn như công ty Nikko Foods có dự án trị giá 820 nghìn USD trồng cà chua, hay công ty TNHH một thành viên Create Star Việt Nam đầu tư trang trại dâu tây… Và sau khi công ty Marine Việt Nam Agri Farm thành công với trang trại trồng hoa, thì doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Pan Group đã đề nghị công ty liên kết về kỹ thuật để trồng hoa và rau xuất khẩu đi Nhật.

TS. Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có trái cây.

Nhưng hiện nay, trái cây Việt (như thanh long ruột trắng, vải, xoài) đã mở cửa được thị trường Nhật Bản. Theo đó, các doanh nghiệp cũng nhận thấy tiềm năng xuất khẩu rất lớn của nhiều mặt hàng nông sản Việt.