Cùng lớn mạnh bằng mô hình “kiềng ba chân”
Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty trong nước có thể hỗ trợ lẫn nhau trong một mô hình “kiềng ba chân” để cùng tăng trưởng và ổn định. Đây là đề xuất của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) 2016 diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 600 đại biểu đại diện các đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp và các nhóm công tác thuộc VBF.
Vẫn còn ranh giới
Trong bài phát biểu khai mạc VBF 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tuy đông nhưng không mạnh và chưa đạt chuẩn quốc tế để hội nhập hiệu quả. “Với tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97%, tuy có sự phong phú, đa dạng và giải quyết tốt vấn đề việc làm cho xã hội nhưng thiếu các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và khả năng để dẫn dắt cuộc chơi ngay tại thị trường trong nước cũng như tham gia cuộc chơi hội nhập”.
Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục phát triển, số lượng doanh nghiệp FDI không ngừng tăng nhanh. Theo cảm nhận của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện vẫn tồn tại ranh giới giữa hai cộng đồng doanh nghiệp - FDI và tư nhân - trong một nền kinh tế, mà nguyên nhân là thiếu sự kết nối và hợp tác giữa hai khu vực.
Có lẽ vì vậy, VBF 2016 đã dành một phiên để thảo luận về chủ đề “Tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với đầu tư nước ngoài trong mọi ngành nghề, lĩnh vực”. “Những doanh nghiệp FDI hàng đầu đã theo sát một công thức thành công mà họ đã áp dụng hiệu quả tại Việt Nam”, ông Colin Backwell, Trưởng nhóm Nguồn nhân lực bắt đầu phiên thảo luận.
“Khi công thức thành công này được chia sẻ, đó sẽ là một điều có lợi cho cả khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI sẽ hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh hiệu quả, thuận lợi hơn với hội nhập của chuỗi cung ứng địa phương. Doanh nghiệp trong nước có thể cải thiện hiệu suất và cạnh tranh hiệu quả hơn trong thị trường quốc tế", ông Colin nhận định.
Công thức này, theo mô tả của ông Colin Blackwell, là sự hợp tác 3 bên gồm Chính phủ, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước - mà ông gọi là thế kiềng 3 chân - để cùng lớn mạnh và bền vững. “Trước tiên, phải bắt đầu với việc Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ cả doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Colin nói.
Giảm thiểu các rào cản
Dẫn số liệu Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đưa ra tháng 10 vừa qua, theo đó, 21% doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cho rằng con số này là tương đối nhỏ so với tỷ lệ 30% của Thái Lan, hay 46% của Malaysia. “Chỉ bằng cách giảm thiểu các rào cản đối với sự hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI thì Việt Nam mới có thể tiếp tục thành công trong nỗ lực trở thành một nhân tố then chốt trong chuỗi cung ứng hàng đầu”, ông Fred Burke nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) HAN DONG HEE: Cần thành lập cơ quan kết nối 2 cộng đồng doanh nghiệp
Để thực hiện chính sách kết nối đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam, cần tập trung mở rộng mối quan hệ mua bán phụ tùng và sản phẩm từ các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, cần có chính sách mở rộng các kênh để các doanh nghiệp FDI có thể tiếp cận được hàng hóa trung gian từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc tạo một kênh thông tin để hai bên thấu hiểu lẫn nhau là vô cùng quan trọng để tăng cường mối quan hệ hợp tác hỗ trợ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, cần thành lập một cơ quan giúp kết nối giữa hai cộng đồng doanh nghiệp này để dễ dàng tìm được các cơ hội kinh doanh. Cũng cần có một chính sách để lựa chọn, khuyến khích và quảng bá các doanh nghiệp FDI đã tích cực hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh Chính phủ Hoa Kỳ không phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Fred Burke cho rằng, cải cách hành chính đối với Việt Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để bù đắp lại những gì mà lẽ ra Hiệp định này mang lại. Việc thuận lợi hóa thương mại và tiếp cận thị trường cần được thực hiện ở mọi cấp độ để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể hợp tác sâu hơn.
Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cũng đề nghị, tăng cường yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng hóa đơn điện tử, giảm thiểu giao dịch trực tiếp, giảm quyền hạn của cơ quan nhà nước trong xét chọn thầu, nâng cao mức độ minh bạch, khách quan để có lợi cho tất cả các bên.
Tại phiên thảo luận này, Nhóm Công tác Thị trường vốn đề xuất Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho việc tăng sở hữu nước ngoài, cụ thể hóa lộ trình cổ phần hóa và buộc các công ty đã cổ phần hóa phải tuân thủ thời hạn niêm yết.
Liên quan đến cơ sở hạ tầng, Nhóm Công tác của VBF cho rằng, để thu hút đầu tư tư nhân nước ngoài vào đường bộ, Chính phủ cần quy hoạch rõ ràng, khả thi các tuyến đường mới trên toàn quốc cũng như bảo đảm về mặt bằng và việc thu phí.
Ngoài ra, VBF đề nghị Chính phủ cần xem xét thực hiện một chương trình quốc gia (như ưu đãi thuế, sử dụng ngân sách để bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay ngân hàng) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả hoạt động trong những lĩnh vực mang tính chiến lược đối với Việt Nam như nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin.
Doanh nghiệp phải tự bước
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vai trò hậu thuẫn của Chính phủ rất quan trọng và cần thiết nhưng các doanh nghiệp phải tự bước trên đôi chân của mình, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng bước nhanh đến đích. Việc xóa ranh giới giữa hai cộng đồng doanh nghiệp trong cùng một nền kinh tế cần sự tham gia của cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.
Doanh nghiệp FDI là cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước và sân chơi quốc tế, là cánh cửa để tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, vì vậy, các doanh nghiệp trong nước phải tự nâng cấp, đạt những tiêu chí có thể hợp tác với các doanh nghiệp FDI, ông Dũng bày tỏ. Ông cũng nhắc tới vai trò của các doanh nghiệp FDI trong thúc đẩy mối liên kết này, bởi chính họ sẽ có lợi hơn nếu có được sự hậu thuẫn ngay tại thị trường Việt Nam so với trông đợi sự hậu thuẫn từ bên ngoài.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp FDI cần thay đổi cách tiếp cận, theo hướng cởi mở hơn đối với doanh nghiệp trong nước, như chia sẻ, hợp tác về thông tin, công nghệ, thị trường, đào tạo, phương thức quản trị… thậm chí có hỗ trợ, giúp đỡ để các doanh nghiệp trong nước đạt chuẩn trong hợp tác.
Theo ông Colin Blackwell, quan điểm của VBF là nếu đa số các doanh nghiệp trong nước có thể nâng tầm mình lên mức các chuẩn mực quốc tế thì cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi. Trong mô hình kiềng 3 chân, VBF có thể đảm nhận vai trò điều phối các doanh nghiệp FDI tập hợp, chia sẻ các ý kiến tư vấn thực tiễn, tiêu chuẩn quốc tế và trình bày một cách thiết thực để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể hiểu rõ nhất. "Khi doanh nghiệp FDI nhìn thấy cơ hội hợp tác với một doanh nghiệp trong nước đang thiếu thông tin thì chúng tôi có thể đề nghị Chính phủ tổ chức các chương trình hay thành lập Viện Nhân lực nếu cần."
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) VIRGINIA B.FOOOTE: Việt Nam đang có sự ổn định đáng ghen tị
Năm 2016 sắp kết thúc, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang được hưởng sự ổn định, tăng trưởng mà nhiều quốc gia khác trong khu vực phải ghen tị. Việc thay đổi bộ máy lãnh đạo diễn ra thuận lợi, tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát và tiền tệ được quản lý chặt chẽ. AmCham hy vọng sự ổn định lâu dài sẽ tiếp tục được duy trì vì đây là một trong những lợi thế cạnh tranh mạnh nhất của Việt Nam.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, như Thủ tướng đã chỉ rõ, gánh nặng hành chính có thể cản trở sự phát triển và dẫn đến tham nhũng, hạn chế nguồn lực con người, các quy định cấp phép không rõ ràng và quá phức tạp. Theo như các thành viên của chúng tôi phản ánh thì việc hiểu và áp dụng luật định không nhất quán, thực thi luật không thường xuyên, đồng đều, sự thiên vị và luật pháp không rõ ràng vẫn là những thách thức lớn đối với họ.
Để củng cố khu vực tư nhân, chúng ta cần những sáng kiến để hỗ trợ hơn là hạn chế các cơ hội kinh doanh giữa công ty Việt Nam và công ty nước ngoài. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ ngày càng đảm nhận vai trò điều tiết và quan tâm đến thực tế rằng sự không rõ ràng trong luật định có thể bị lạm dụng trong việc chọn ra kẻ thắng người thua một cách không công bằng. Chính phủ Việt Nam cũng cần áp dụng các hệ thống nổi tiếng trên toàn cầu để tăng cường thanh toán điện tử, giảm cơ hội cho các khoản thanh toán bất hợp pháp trong quá trình cấp phép.