Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Làm gì để thích ứng?

Theo daibieunhandan.vn

Trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp cận thông tin thị trường hạn chế, không có vốn chủ sở hữu, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng… liệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam có thể “sống sót” khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

“Gót chân Achilles”

Ông Nicholay Kosov, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) nhận định, ngay cả khi không được ghi nhận đúng tầm quan trọng của mình thì DNNVV cũng vẫn có vai trò quan trọng, tạo ra hơn 50% GDP. “Tăng trưởng của DNNVV có ảnh hưởng cụ thể đến tăng trưởng GDP. Ngoài ra, các DNNVV có khả năng chống chịu nhiều hơn đối với những khủng hoảng của nền kinh tế”, ông Nicholay nhìn nhận.

Mặc dù vậy, DNNVV lại rất thiệt thòi khi tham gia hoạt động kinh doanh như sự không cân đối của thông tin và khiếm khuyết của thị trường, chi phí giao dịch và rủi ro cao, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng… Đây chính là “gót chân Achilles” của nhóm doanh nghiệp này.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc BIDV, thời gian qua DNNVV ngày càng phát triển và tính đến nay chiếm khoảng 95%, đóng góp trên 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước và chiếm 51% lao động. “Vậy nhưng dư nợ tín dụng của DNNVV chỉ chiếm khoảng 25% dư nợ của nền kinh tế. Điều đó có nghĩa, hiện nay vốn từ ngân hàng mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu vốn DNNVV, mà chủ yếu là vốn ngắn hạn và mới chỉ có 30% khách hàng tiếp cận được vốn”.

Riêng với BIDV hiện có khoảng 94.000 khách hàng là DNNVV, tăng khoảng 21% so với năm 2014, chiếm 50% khách hàng của ngân hàng và đạt 150.000 tỷ đồng, tương đương 33% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Việc khó tiếp cận vốn ngân hàng đã được ông Lâm chỉ ra như năng lực tài chính yếu kém, trình độ quản lý thấp, công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp cận thông tin thị trường hạn chế, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, không có vốn chủ sở hữu. “DNNVV thường có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn, trong khi tỷ lệ vốn trung và dài hạn của ngân hàng còn hạn chế nên khó đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, việc thu hồi nợ vay kéo dài khiến các ngân hàng ngại cho vay”, ông Lâm nhận định.

Ngoài ra, việc khó tiếp cận vốn còn do từ phía ngân hàng với những thủ tục hồ sơ khi triển khai cho vay nhóm DNNVV chặt chẽ, phức tạp, chưa phù hợp với nhóm DN này. Nhiều ngân hàng cũng chưa thiết kế được chương trình tín dụng phù hợp với đặc thù của nhóm DN này.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới thì DNNVV càng khó khăn mà trước hết là vốn. “DNNVV Việt Nam thường thành lập sau Đổi mới với vốn điều lệ nhỏ do không đủ điều kiện để huy động trong xã hội (kể cả tự huy động vốn trên TTCK), nhất là vốn dài hạn nên gần như vốn hoạt động đều dựa vào ngân hàng”. Ông Kiêm cũng chỉ ra yếu kém của DNNVV còn có nguyên nhân từ sự yếu kém trong quản lý điều hành của cơ quan nhà nước. Điều này càng làm cho khó khăn của DNNVV tăng thêm và ảnh hưởng tới năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ông Kiêm phân tích: “Thực tế, DNNVV đang yếu thế nhất trong sự cạnh tranh của nền kinh tế. Những thiếu sót này cản trở quá trình phát triển của DNNVV những năm qua”.

Phải tự cứu mình

Nói về giải pháp, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng trước khi đợi người khác “cứu”, DNNVV cần phải biết cứu mình bằng cách tự đánh giá mặt mạnh, mặt yếu, sở trường, sở đoản để xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh. “Nói cách khác là các DNNVV phải cơ cấu lại tổ chức hoạt động kinh doanh theo hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, năng lực cạnh tranh cho hàng hóa dịch vụ, rút ngắn khoảng cách với khu vực và thế giới”.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, giải pháp cho DNNVV đã bàn rất nhiều năm nhưng đến nay vẫn còn loay hoay chưa biết thực hiện thế nào. “Tôi thấy có một thực tế là DN Việt không có chiến lược dài hạn thì làm sao kiếm lời nhanh? Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, kinh doanh phải có lãi. Nên nếu DNNVV có độ rủi ro cao thì sẽ không dám cho vay”.

Để tự cứu mình, DNNVV Việt Nam cần phải tìm ra đâu là thế mạnh của mình để tập trung phát triển. “Công nghệ số là lĩnh vực đầu tư mà DN Việt Nam không cần đầu tư nhiều vốn. Uber, Grap là ví dụ điển hình nổi lên trong thời gian qua. Hay như quỹ đầu tư mạo hiểm vừa được Luật Đầu tư (sửa đổi) định danh, DN Việt Nam có thể hướng tới tiếp cận nguồn vốn”, ông Hải gợi ý.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch IIB cho biết ông đã nhận diện một số định hướng cho DNNVV đột phá là tập trung vào công nghệ cao cũng như hiện đại hóa tăng vào lợi suất tiêu dùng và trách nhiệm xã hội. Dù vậy, những yếu kém do tác động từ bên ngoài cũng phải sớm giải quyết để DNNVV phát triển. Đã đến lúc Chính phủ cần phải tham gia tạo chính sách để nhóm DNNVV tránh được những rủi ro về mặt pháp lý, việc đầu cơ từ các NHTM. “Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam phải tăng hiệu suất của DNNVV và tăng tỷ lệ đóng góp cho GDP bằng cách tạo hành lang để họ có thể hưởng lợi từ những bí quyết chuyển giao công nghệ, bảo vệ cho hệ thống doanh nghiệp khỏi những khả năng bị tổn thương bởi những yếu tố bên ngoài”, ông Nicholay phân tích.