Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp: Từ chủ trương đến hành động
Hiện nay, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, nguồn tài chính và tiếp cận vốn vẫn còn rất nhiều khó khăn, tạo rào cản hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, ngành Ngân hàng đã nỗ lực khơi thông dòng vốn tín dụng cho các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính đến cuối tháng 10/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 12,51%, cao hơn nhiều so với mức 8,82% của cùng kỳ năm trước và có xu hướng tăng nhanh hơn ở các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng và vận tải viễn thông).
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là 1 trong 30 nền kinh tế có khả năng tiếp cận tài chính tốt nhất. Xác định năm 2015 có ý nghĩa rất quan trong cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và cũng là “năm vì doanh nghiệp”, ngành Ngân hàng đã cam kết luôn đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bằng việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách đã được ban hành như: Cho phép cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp; định hướng 5 lĩnh vực ưu tiên tín dụng; triển khai các gói tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, cho vay đóng tàu đánh bắt hải sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; liên kết ngân hàng - doanh nghiệp, liên kết 4 nhà; đẩy mạnh cho vay tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy, chỉ có 30% số doanh nghiệp được tiếp cận vốn ngân hàng và tín dụng của nhóm khách hàng này tăng trưởng tương đối thấp (chưa đến 1%/năm). Trên thực tế, việc thực thi cơ chế, chính sách vẫn còn vướng mắc. Theo ông Lâm Chiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, là doanh nghiệp sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam trên diện tích lớn nhưng phần lớn đất đai đều là do doanh nghiệp thuê của bà con nông dân, rồi quy hoạch lại thành cánh đồng mẫu lớn nên không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn. Rõ ràng, cho vay tín chấp trong nông nghiệp là một chính sách tốt nhưng không ít doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa như Công ty Cường Tân, vẫn gặp khó khăn khi cần tài sản bảo lãnh để vay vốn.
Có thể nói, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia, ngoài các ưu thế thì doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có rất nhiều bất lợi trong kinh doanh do nguồn tài chính eo hẹp và việc tiếp cận vốn rất khó khăn, làm hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp.
Nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu phụ thuộc từ chính doanh nghiệp và vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, khi vay ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải rất nhiều vướng mắc từ phía bản thân doanh nghiệp như không có tài sản thế chấp, năng lực quản lý yếu kém, khả năng trả nợ kém...hay các khó khăn từ phía ngân hàng như quy trình thủ tục phức tạp, trình độ năng lực cán bộ ngân hàng chưa đáp ứng yêu cầu, lãi suất cao chưa thực sự mang tính hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách về hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hay Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Để loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển ngày càng lớn mạnh, có thể đương đầu với những thách thức, cạnh tranh, cả bản thân doanh nghiệp đến các đối tượng cung cấp vốn và bảo lãnh tín dụng, cũng như Chính phủ cần có sự phối hợp và thay đổi để giải quyết vấn đề khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc Chính phủ đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ cần thêm vốn để đổi mới công nghệ, đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do vậy, để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các tổ chức tín dụng cần rà soát, đẩy mạnh cho vay những gói tín dụng đã thiết kế; tăng cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng; nâng cao năng lực cán bộ tín dụng trong việc thẩm định dự án, định giá tài sản, ưu tiên nhiều đến phương án kinh doanh hơn là tài sản đảm bảo.
Theo đại diện của Vietinbank, để thấy được bức tranh tổng thể về tài chính của một doanh nghiệp, ngoài việc xem xét các số liệu thời điểm, cần xem xét diễn biến của những con số đó trong 1 - 3 năm gần nhất để thấy rõ chu kỳ hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, do đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực kinh doanh nên bộ chỉ tiêu và các công cụ phân tích tài chính cần được xây dựng hoặc tham chiếu dựa trên các thông tin của ngành, lĩnh vực và của nhóm các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành đó để việc đưa ra đánh giá tài chính doanh nghiệp được khách quan và phù hợp với diễn biến ngành, lĩnh vực. Vietinbank linh hoạt xây dựng, sửa đổi, điều chỉnh cơ chế, chính sách; song song với việc ban hành gói sản phẩm/dịch vụ đặc thù, theo mùa vụ, theo nhóm ngành/lĩnh vực hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó nhấn mạnh tới việc NHNN cần tính đến giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bởi mặc dù NHNN đã rất thành công trong việc ổn định tỷ giá, giảm lãi nhưng ở thời điểm hiện nay lãi suất tương đối cao so với lạm phát. Mặt khác, hiện nay, rất nhiều ngân hàng thương mại đã hết “room” tín dụng, không có khả năng cho vay tiếp. Do đó, NHNN cần đưa ra chính sách nới lỏng room tín dụng một cách hợp lý, linh hoạt, công bằng, minh bạch. Đây là việc làm rất cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn.
Theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, tăng tín dụng cũng chỉ ở mức độ nhất định, không thể tăng lên 30% như trước đây. Việc ngân hàng duy trì mức lãi suất như hiện nay trong ngắn hạn đã là một thành công. Do đó, doanh nghiệp phải tự tìm cơ hội cho mình thông qua việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN hoặc tận dụng và kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài…
Ngoài trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng, các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm các nguồn vốn khác thông qua nguồn vốn tự có; tăng huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tăng cổ phần hóa; tham gia chuỗi liên kết, các hoạt động để nhận các hợp đồng gia công của các tập đoàn lớn; thực hiện lựa chọn dự án đầu tư.
Như vậy, cùng với những nỗ lực của ngành Ngân hàng, các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện các quy định về quản lý, năng lực quản trị kinh doanh theo hướng minh bạch, rõ ràng; đặc biệt cần phải tích cực, chủ động trong hội nhập để biến chương trình, chủ trương đúng đắn ở cấp vĩ mô thành hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.