Doanh nghiệp nội tính kế hút vốn ngoại
Trong thời điểm thế giới có nhiều biến động từ ảnh hưởng dịch bệnh và địa chính trị, kể cả thị trường tài chính toàn cầu, việc các DN nội tích cực tìm kiếm hợp tác với các nhà đầu tư ngoại là một bước đi hứa hẹn. Chúng không chỉ giúp các DN tận dụng được một nguồn lực mới, mà còn nâng cao năng lực quản trị kinh doanh khi bắt tay với các đối tác ngoại.
Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ các lợi thế như chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định. Bên cạnh đó việc Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA cũng là một yếu tố hấp dẫn khi nó hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, nhiều DN trong nước cũng đang nỗ lực hướng đến dòng vốn ngoại để mở rộng quy mô hoạt động cũng như nâng tầm quản trị.
Đơn cử, Tập đoàn bất động sản Tecco Group mới đây đã bắt tay với nhà đầu tư ngoại PHI Group để thành một quỹ đầu tư mới có trụ sở tại Luxembourg có tên “PHILUX Infrastructure Fund”. Quỹ này có nhiệm vụ huy động nguồn lực tài chính tại Luxembourg và các quốc gia châu Âu để từ đó, rót vốn trở lại vào các dự án phát triển hạ tầng tại Việt Nam. Đặc biệt trên hai mảng đang khát vốn là giao thông và năng lượng. Đây cũng là quỹ dành riêng cho mảng hạ tầng Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên thị trường tài chính.
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong ASEAN, Việt Nam hiện đang cần nhiều hơn nữa đầu tư tài chính nước ngoài và hỗ trợ kỹ thuật để thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng. Theo báo cáo triển vọng cơ sở hạ tầng toàn cầu, Việt Nam cần đầu tư 605 tỷ USD để đáp ứng 83% mục tiêu cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Trong số các lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu là cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, đường bộ, đường sắt và cảng.
Hiện tại, chỉ 20% đường quốc lộ của cả nước được trải nhựa và kế hoạch xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được phê duyệt gần đây của Việt Nam, cho phép hành khách đi lại giữa Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong khoảng 8 giờ, sẽ tốn kém khoảng 26 tỷ USD.
Dân số gia tăng tại các thành phố lớn trong những năm gần đây đã làm căng và vượt quá khả năng của các mạng lưới kết nối và hệ thống tiện ích hiện có. Với 50% dân số Việt Nam dự kiến sẽ sống ở các TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang xây dựng hệ thống giao thông có tổng quy mô 22 tỷ USD với hy vọng giảm tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân và cải thiện chất lượng không khí.
Bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, Tập đoàn Tecco dự kiến sẽ sử dụng quỹ hạ tầng Luxembourg cho một số dự án cảng, cụm khu công nghiệp, sân bay với công nghệ hiện đại. Lãnh đạo công ty cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng thông qua một quỹ ngân hàng có trụ sở tại Luxembourg, giúp đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sau tác động nặng nề bởi đại dịch Corona.
Tìm kiếm các nguồn lực ngoại để tăng tốc cũng là bước đi của các DN khác. Chẳng hạn sau các thương vụ hợp tác thành công với KKR, Temasek, mới đây Tập đoàn Vingroup tiếp tục công bố kế hoạch chào bán và niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế trong phần còn lại của năm.
Trước đó, Vingroup đã từng huy động vốn rất thành công trên thị trường quốc tế. Giai đoạn từ 2013 - 2019, tập đoàn đã thực hiện 17 giao dịch huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài với tổng số tiền 7,6 tỷ USD bao gồm vốn vay và vốn cổ phần. Đặc biệt năm 2018, số vốn Vingroup huy động từ thị trường quốc tế lên đến 4,4 tỷ USD, chủ yếu cho các đơn vị thành viên như Vinhomes và VinFast.
Hay như HDBank công bố kế hoạch phát hành trái phiếu tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note bằng USD, dự kiến huy động 1 tỷ USD và thời gian dự kiến phát hành là 2020-2024. Kỳ hạn trái phiếu dự kiến tối thiểu 3 năm và tối đa 10 năm từ ngày phát hành. Lãi suất trái phiếu của từng đợt phát hành là lãi suất cố định hoặc mức lãi suất khác, phương thức thanh toán gốc và lãi của trái phiếu thực hiện theo quyết định của hội đồng quản trị. Trái phiếu sẽ được phát hành theo phương thức dựng sổ hoặc các hình thức khác phù hợp với tập quán thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Mỹ và niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore.
Có thể thấy trong thời điểm thế giới có nhiều biến động từ ảnh hưởng dịch bệnh và địa chính trị, kể cả thị trường tài chính toàn cầu, việc các DN nội tích cực tìm kiếm hợp tác với các nhà đầu tư ngoại là một bước đi hứa hẹn. Chúng không chỉ giúp các DN tận dụng được một nguồn lực mới, mà còn nâng cao năng lực quản trị kinh doanh khi bắt tay với các đối tác ngoại.