Doanh nghiệp trong vòng xoáy chuyển đổi số: Người đã nhập cuộc, kẻ vẫn loay hoay

Theo daibieunhandan.vn

Với quan niệm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là cuộc chơi của các “ông lớn”, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chọn những giải pháp “hợp túi tiền” mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công nghệ trong tầm tay…

Việt Nam có khoảng 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Con số này được công bố hàng năm và hầu như không có sự thay đổi đáng kể nào.

Công ty TNHH Anbooks là một trong số đó. Tham gia thị trường vào cuối năm 2015, đến tháng 3.2016, Anbooks phát hành cuốn sách “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”. Cuốn sách tuy nhận được nhiều đánh giá tích cực từ chuyên gia cũng như nhiều tờ báo lớn nhưng sau 5 tháng mới có 3.000 bản in được bán ra và 8 tháng sau cũng chỉ thêm 2.000 bản nữa đến tay bạn đọc. Nhưng rồi Anbooks đã thoát khỏi bờ vực phá sản chính nhờ ứng dụng mã messenger (messenger code) của… Facebook và mã QR (QR code) nhằm giúp người đọc có thể tương tác trực tiếp với tác giả. Mọi thắc mắc, vấn đề đều được tác giả trả lời thông qua các bài viết đăng tải trên Facebook.

Từ đó, những bài viết này ngay lập tức nhận được nhiều chia sẻ hơn hẳn và kéo theo lượng độc giả mới tiếp cận cũng nhiều hơn. Trong vòng 4 tháng, Anbooks bán được… 20.000 bản “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”. Tiếp nối thành công với messenger code, Anbooks đã cùng một doanh nghiệp startup ứng dụng QR code trong việc ra mắt đầu sách tương tác thông minh - kết nối trực tiếp người đọc với tác giả. Khi mua sách, độc giả chỉ quét mã QR để truy cập thêm dữ liệu về cuốn sách, chia sẻ cảm nhận của mình về tác phẩm, trao đổi với tác giả…

Câu chuyện của Anbooks cho thấy không phải chỉ doanh nghiệp lớn mới có thể đầu tư cho các ứng dụng công nghệ, mà doanh nghiệp - dù ở quy mô nào, kể cả loại “siêu nhỏ” với dăm ba nhân sự - cũng có thể triển khai các giải pháp thích hợp với hoạt động, nhu cầu sử dụng của mình. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ được cung cấp miễn phí từ Facebook hoặc Google (ví dụ như Gmail).

Theo kết quả khảo sát “Cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam năm 2018” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 22% doanh nghiệp cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến họ; 32,7% cho rằng chưa tác động nhưng sẽ bị tác động. Như vậy, khoảng một nửa doanh nghiệp nhận thức rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đang hoặc sẽ tác động đến họ.

Hoặc tại một số tòa nhà, khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp công nghệ thông tin, thay cho các bản thông báo gửi qua thư điện tử hoặc mạng máy tính nội bộ, giờ đây công nghệ nhắn tin (SMS) bắt đầu ứng dụng. Ưu điểm của giải pháp này là chuyển tải thông tin về sự cố cúp điện, nước, bảo trì hệ thống điện hoặc điều hòa không khí… tới khách hàng nhanh hơn - chỉ trong 2 phút. Các doanh nghiệp thuê văn phòng cũng thích cách thông báo này hơn vì họ có thể nhận tin nhắn ở bất kỳ vị trí nào, không cần phải đang ngồi trong tòa nhà hoặc sử dụng hệ thống e-mail của công ty…

Ông Huỳnh Ngọc Duy, Giám đốc điều hành Công ty CP Mắt Bão, cho rằng nếu chọn đúng nhu cầu cần thiết để triển khai ứng dụng, doanh nghiệp sẽ cảm thấy việc ứng dụng công nghệ đơn giản, nhẹ nhàng hơn, mà Anbooks là một ví dụ điển hình. Hơn nữa, giờ đây chi phí đầu tư cho các ứng dụng công nghệ khá phù hợp với nhiều doanh nghiệp có quy mô kinh doanh khác nhau.

“Các doanh nghiệp lớn có điều kiện để mua công nghệ/xây dựng trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp, nhưng ngày nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể sử dụng được công nghệ thông tin thông qua hình thức thuê bao, điện toán đám mây”, ông Đỗ Khắc Cương, Giám đốc quốc gia phụ trách khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft chia sẻ.

Chưa biết bắt đầu từ đâu

Tuy vậy, phần đông trong số 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa sẵn sàng ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Thực tế này thể hiện rõ nhất qua kết quả các cuộc điều tra.

Theo kết quả khảo sát “Cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam năm 2018” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 22% doanh nghiệp cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến họ; 32,7% cho rằng chưa tác động nhưng sẽ bị tác động. Như vậy, khoảng một nửa doanh nghiệp nhận thức rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đang hoặc sẽ tác động đến họ.

Tuy nhiên, chỉ có 6,6% doanh nghiệp cho rằng đủ nguồn lực để thay đổi hoàn toàn từ hệ thống cũ sang hệ thống công nghệ mới; 34,6% sẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực; 27,5% đang trong quá trình chuẩn bị vốn và nguồn lực, và có tới 31,1% doanh nghiệp vẫn… chưa làm gì.

Đáng chú ý, mặc dù nhận ra những năng lực cần thiết để phát triển thích ứng với công nghệ mới nhưng những doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát kể trên của VCCI lại “thiếu hiểu biết” về các kỹ năng, kiến thức và năng lực cụ thể cho việc tích hợp số hóa với cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ 14% “hiểu rõ” các yêu cầu kỹ năng cần thiết cho việc chuyển đổi số, 16% “hoàn toàn chưa” nhận thức được, 70% “chưa nhận thức rõ” các kỹ năng cụ thể.

Tại Ngày hội Công nghệ FPT 2019 diễn ra hôm 21.11 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn này cho biết, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong chuyển đổi số, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp chưa bắt đầu còn khá lớn, gấp khoảng 1,5 lần so với thế giới. Sau khi làm việc với các doanh nghiệp Việt, FPT nhận thấy trên 70% doanh nghiệp nhận thức rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và cần phải triển khai. Nhưng cũng có tới 70% trong số các doanh nghiệp ấy không biết chính xác hiện trạng hệ thống công nghệ của doanh nghiệp mình như thế nào và bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ đâu.

Không chỉ “người nhà” mà cả “người ngoài” cũng nhận thấy các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam tuy có tiềm năng lớn để phát triển nhưng hầu hết đang ở giai đoạn hạt giống và cần được ươm tạo thêm. Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade) công bố tháng 6 năm nay chỉ ra rằng, 2 trong số những thách thức nổi bật của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam là khả năng tiếp cận tài chính và thiếu các kỹ năng trong kinh doanh, khởi nghiệp.

Năm 2016, nguồn tài chính lớn của các nhà đầu tư trong nước đến từ ba quỹ đầu tư mạo hiểm lớn: IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent và DFJ VinaCapital. Tổng cộng, họ đã đầu tư hơn 120 triệu USD tài trợ và tư vấn cho một số thương hiệu. Tuy nhiên, thật khó để thuyết phục các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.

Và mặc dù Việt Nam nằm trong top 3 ở Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng không nhiều doanh nghiệp trong số này được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững, hoặc để phù hợp cho các dự án.