Doanh nghiệp Trung Quốc mất niềm tin
(Tài chính) Hàng triệu doanh nhân Trung Quốc như Ou Chengbi đang thấy những dấu hiệu phục hồi mờ nhạt của nền kinh tế nước nhà, dù dữ liệu công bố hôm qua (16/7) của chính phủ cho biết tăng trưởng đang ổn định.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) nói hôm qua rằng tăng trưởng GDP trong quý II đạt 7,5% so với cùng kỳ. Nhưng các khảo sát độc lập của các công ty khắp Trung Quốc cho thấy doanh số và niềm tin kinh doanh vẫn đang ngày một xấu đi.
“Tất cả đều chỉ theo hướng ngược lại so với số liệu GDP của NBS” - Leland Miller, Chủ tịch Trung Quốc của Beige Book International - một công ty dịch vụ dữ liệu có trụ sở ở New York đã khảo sát 2.200 doanh nghiệp tư nhân trên toàn Trung Quốc trong từng quý để đánh giá hoạt động kinh tế, nói. Bà Ou, một người bán thịt tại một khu chợ trời ở ngoại ô Quảng Châu, Trung Quốc, đang lau mồ hôi nhỏ giọt trên khuôn mặt và cho biết trước đây thường bán hết nguyên một con bò mỗi ngày. “Nhưng nay tôi chỉ bán được nửa con mỗi ngày” - bà nói.
3 trong 4 đầu kéo kinh tế Trung Quốc (gồm xuất khẩu, xây dựng khu vực tư nhân và bán lẻ) vẫn đang chạy yếu ớt. Nhưng đầu kéo thứ tư là đầu tư công và chi tiêu chính phủ đang chạy mạnh mẽ, nhờ hoạt động cho vay tăng gấp đôi vào mùa xuân qua của hệ thống ngân hàng nhà nước đối với ngành đường sắt, các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước.
Kết quả là sự chi tiêu điên cuồng để xây dựng đường sắt mới (tăng 32,1% trong tháng 6) và nhà ở có trợ cấp. Điều này kéo theo sản lượng ngành thép thiết lập kỷ lục mới tính theo tấn, ngay cả khi số lượng nhà xây trong khu vực tư nhân giảm dần. Tổng cho vay nay tăng nhanh hơn GDP, ngay cả trước khi điều chỉnh theo lạm phát. Hoạt động cho vay trong tháng 6 còn tăng mạnh hơn, theo dữ liệu công bố hôm thứ ba (15/7) của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Nhưng khảo sát của Miller và các công ty khác cho thấy doanh nghiệp khu vực tư ngày càng ít quan tâm đến việc vay vốn, vì không tìm thấy cơ hội đầu tư sinh lãi. “Nhìn chung, so với cùng kỳ năm ngoái, những tháng gần đây hoạt động kinh doanh rất chậm và trầm lắng” - theo Kay Lam, Giám đốc UB Office Systems, một cửa hàng nội thất ở Quảng Châu.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc nào cũng rêu rao cần phải tái cân bằng nền kinh tế bằng khuyến khích tiêu dùng nội địa, giảm phụ thuộc vào các dự án vay nợ. Nhưng mỗi lần tăng trưởng bắt đầu chậm lại dưới mức mục tiêu 7,5% (như quý I khi GDP tăng 7,4%) là chính phủ lại nhanh chóng mở vòi cho tín dụng.
Nhưng dù sao triển vọng kinh tế của Trung Quốc vẫn giữ được những yếu tố cho sức mạnh lâu dài. Một trong số đó là hàng chục triệu công nhân Trung Quốc có nhiều tiền hơn mỗi năm để chi tiêu. Dữ liệu hôm thứ tư cho thấy mức lương trung bình của lao động nhập cư đã tăng 10,6% trong mùa hè này so với cách đây 1 năm, gần gấp 5 lần tốc độ tăng giá tiêu dùng trong năm qua (2,3%).
Tuy nhiên, với lượng sinh viên ra trường tăng gấp 5 lần thời gian qua, đã tạo áp lực cho một đất nước vẫn chủ yếu dựa vào các lĩnh vực cổ xanh như sản xuất và xây dựng. Theo số liệu của chính phủ, doanh số bán lẻ tăng mạnh 12,4% trong tháng 6, tiếp tục đà tăng 12,5% của tháng 5. Nhưng điều đó vẫn không đủ bù đắp sự sụt giảm trong đầu tư khu vực tư.