Doanh nghiệp và bài toán trung hòa carbon


Đầu tháng 10 vừa qua, các phương tiện truyền thông đồng loạt thông tin các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

CBAM là một công cụ chính sách được thiết kế để giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon liên quan đến hàng nhập khẩu vào EU bằng cách bảo đảm rằng chi phí carbon của hàng hóa nhập khẩu tương đương với chi phí carbon do các nhà sản xuất EU chịu theo Hệ thống Thương mại Phát thải của EU (EU ETS). Từ đầu tháng 10/2023, các nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo dữ liệu phát thải các sản phẩm nhập khẩu và chỉ mới thí điểm, chưa chịu phí CBAM.

Nhìn rộng ra, cơ chế này giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các ngành công nghiệp của EU và khuyến khích giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới. Từ tháng 10/2023, CBAM được áp dụng cho việc nhập khẩu một số hàng hóa và tiền chất như xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện và hydro. Năm 2027, Ủy ban châu Âu sẽ rà soát toàn diện về CBAM. Và đến 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ. Lúc đó sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Bây giờ, cụm từ "phát triển bền vững" hết sức thời sự, phổ biến và trong mọi hoạt động kinh tế lẫn đời sống xã hội đều gắn liền chữ “xanh”. Một điểm lưu ý khác, các doanh nghiệp có mua bán với khách hàng từ EU sẽ được phía đối tác đưa ra nhiều nội dung phải quan tâm, lưu ý và thực thi xoay quanh vấn đề kiểm soát, giảm thiểu phát thải; giải pháp trung hòa carbon… Và phải đưa ra lộ trình cho riêng mình hòa nhập với xu thế chung: với các mục tiêu thế giới, quốc gia đang phấn đấu.

Đây không phải là chuyện cá lẻ mà là vấn đề lớn, được thống nhất và quyết định từ các nhà mua hàng EU, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, khi họ đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Hiện nay, ở siêu thị EU đã có sản phẩm từ trồng trọt của chúng ta được dán nhãn trung hòa carbon. Xu thế này không thể đi ngược, các doanh nghiệp ta phải bắt tay ngay từ bây giờ nhằm mưu cầu tồn tại và nhất là vươn lên trong bối cảnh chậm chân là thua thiệt; thậm chí hụt hơi, phá sản.

Cũng nên nêu cái khó với doanh nghiệp thủy sản, đó là thiếu dữ liệu phát thải cấp doanh nghiệp, chưa biết cách tính toán, dẫn đến thiếu nhân sự có năng lực giám sát, lập báo cáo... Doanh nghiệp thật sự chưa biết nhiều về CBAM, gần như chỉ biết qua phương tiện truyền thông thông tin vừa qua, và ý thức các doanh nhân chưa thể hoàn chỉnh ngay một lúc, Dẫu sao, vạn sự khởi đầu nan. Không phải vì có nhiều cái khó mà chùng tay, bởi cái khó sẽ ló cái khôn!

Về giải pháp trung hòa carbon, một nội dung đáng nêu là nước ta có khoảng 14 triệu hécta rừng. Đây là "cái kho" vô cùng lớn cất chứa các chứng chỉ carbon. Khi “mở” kho này sẽ thu về khoản tiền không nhỏ. Nguồn thu này góp phần phục hồi, phát triển rừng, đồng thời là nền tảng xây dựng con đường thêm vững chắc kết nối với thị trường EU và các thị trường lớn khác sau này. Đây là vấn đề mang tầm quốc gia, hy vọng Chính phủ sớm có cơ chế, chính sách hình thành thị trường tín chỉ carbon cũng như cơ chế, chính sách biến "kho hàng" tiềm tàng 14 triệu hécta rừng thành hàng hóa có quản lý chặt chẽ và minh bạch.

Ở nhiều lĩnh vực, giải pháp trung hòa carbon không như nhau và vô cùng phong phú. Như trồng trọt, chỉ cần thay đổi hệ thống canh tác là có thể chuyển phát thải từ con số dương thành con số âm, ngoài yếu tố giảm chi phí cho sản phẩm. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm mới là chuyện vô cùng phức tạp, phong phú, sinh động và mới mẻ.

Dù dông dài ra sao, cuối cùng cũng xoay quanh vấn đề kiểm soát, giảm thiểu phát thải và nỗ lực cho trung hòa phát thải. Chính phủ đã khởi động khá lâu nhưng các doanh nghiệp khởi động chưa lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Dẫu còn hơn chục năm CBAM mới chính thức tác động đến ngành thủy sản nhưng đó là lộ trình để doanh nghiệp nhìn sự chuyển biến và hành động cụ thể của đối tác để có ứng xử về lâu dài. Vì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mình, ngay từ bây giờ các doanh nhân nên dành thời gian thỏa đáng cho vấn đề nóng bỏng này của thế giới.

Theo TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam/Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn