Doanh nghiệp Việt chủ động phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập

Theo Xuân Anh/vietnamplus.vn

Để ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo đảm quyền, lợi ích trong hoạt động thương mại quốc tế cần sự chủ động của cả doanh nghiệp, hiệp hội lẫn cơ quan quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cùng với xu hướng tự do hóa thương mại thông qua cắt giảm thuế quan thì việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tránh các thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước cũng được nhiều quốc gia áp dụng.

Là nền kinh tế mở với giá trị xuất khẩu lớn, nhiều mặt hàng của Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các vụ khởi xướng điều tra về phòng vệ thương mại.

Ngược lại, các ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu sức ép cạnh tranh không nhỏ với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào.

Để ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo đảm quyền, lợi ích trong hoạt động thương mại quốc tế cần sự chủ động của cả doanh nghiệp, hiệp hội lẫn cơ quan quản lý.

Quá trình hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, hàng hóa Việt Nam đứng trước cơ hội được tiếp cận nhiều khu vực thị trường quy mô lớn với mức thuế ưu đãi được cắt giảm sâu.

Đây là lợi thế so sánh lớn trong bối cảnh hàng hóa sản xuất ngày càng nhiều, cạnh tranh gay gắt về giá cả nhưng cũng là khởi nguồn cho các nguy cơ gian lận thương mại dẫn đến các vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại.

Xu hướng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại

Thời gian gần đây, gỗ dán xuất khẩu Việt Nam là mặt hàng phải đối mặt với nhiều vụ khởi xướng điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại bao gồm cả bán phá giá và lẩn tránh xuất xứ.

Vào tháng 6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam, dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ rằng một số công ty xuất gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường này đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế.

Cụ thể, Liên minh này cho rằng một số công ty nhập khẩu gỗ dán có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau đó gia công, sơ chế, lắp ghép và mặc dù chưa đáp ứng được điều kiện xuất xứ và nhãn mác của Việt Nam, các công ty này xin chứng nhận xuất xứ (C/O) từ các cơ quan chức năng của Việt Nam để xuất khẩu các sản phẩm này dưới nhãn mác của Việt Nam vào Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp lý giải, sở dĩ, phía Hoa Kỳ nghi ngờ gỗ dán xuất xứ Việt Nam lẩn tránh thuế là do trước đó nước này đã đánh thuế cao đối với mặt hàng gỗ dán Trung Quốc và chỉ một thời gian ngắn sau đó lượng gỗ dán Trung Quốc xuất vào Hoa Kỳ sụt giảm thì lượng gỗ dán Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng vọt.

Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất đang điều tra về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam, cuối năm 2019, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc (KTC) cũng đã chính thức ra quyết định điều tra đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Quyết định điều tra được đưa ra dựa trên cáo buộc 6 công ty từ Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này vào Hàn Quốc đã vi phạm quy định về chống bán phá giá.

Kết quả điều tra sơ bộ được công bố vào tháng 4/2020, mức thuế tạm thời được áp dụng đối với tất cả các sản gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ ở mức 9,18-10,56% (riêng 6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn).

Trước đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam và đưa ra quyết định áp mức thuế 240 USD/m3 cho tất cả công ty không phản hồi thông tin cho cơ quan điều tra.

Từ thực tế trên, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, xu hướng rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá đối với các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, nếu không chứng minh được nguồn gốc gỗ dán xuất khẩu vào Hoa Kỳ, gỗ dán Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế mà Hoa Kỳ đang áp lên gỗ dán của Trung Quốc là hơn 200% và kéo theo rủi ro tương tự cho các sản phẩm được làm từ gỗ dán như tủ bếp, ván sàn, nội thất…

Trong khi đó, Hoa Kỳ đang là thị trường tiêu thụ gỗ dán và tủ bếp lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu hơn 20 tỷ USD.

Không chỉ có gỗ dán, nửa đầu năm 2020 các sản phẩm liên quan đến sắt thép như tấm thép không hợp kim, thép chống ăn mòn, thép cuộn mạ nhôm, ống thép dẫn dầu của Việt Nam cũng bị Canada, Australia, Ấn Độ, Thái Lan đưa ra phán quyết áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp trong các vụ khởi xướng điều tra trước đó với mức thuế khá cao.

Cảnh báo phòng vệ thương mại từ EU

Theo thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2019-2020 chứng kiến xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới.

Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù hoạt động thương mại hàng hóa bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng số vụ khởi xướng điều tra liên quan đến phòng vệ tương mại tăng lên đáng kể, riêng Việt Nam đang phải ứng phó với 27 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau.

Lý giải điều này, ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, trình độ và năng lực sản xuất hàng hóa trên toàn cầu phát triển nhanh dẫn đến tình trạng một số sản phẩm bị dư thừa.

Nhiều quốc gia có xu hướng thắt chặt thương mại và tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước để giữ việc làm cho người lao động.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ hội nhập nhanh và sâu rộng với hàng chục Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, qua đó giành được lợi thế tiếp cận các thị trường lớn với mức độ cắt giảm thuế sâu.

Điển hình với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hơn 86% số dòng thuế áp với hàng hóa được cắt giảm ngay, sau 3-7 năm xó bỏ gần 100% các dòng thuế. Điều này vừa có lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế…

Theo ông Phùng Gia Đức, các vụ việc phòng vệ thương mại trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp.

Tính tới nay, Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 189 vụ việc, riêng 5 năm trở lại đây có tới 91 vụ việc, trong đó có 22 vụ chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Với việc EVFTA đi vào thực thi từ tháng 8/2020, các chuyên gia cũng cảnh báo, bên cạnh cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam cũng cần tỉnh táo nhận ra các nguy cơ về phòng vệ thương mại bởi EU là một trong những khu vực có xu hướng gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và coi trọng việc tuân thủ quy tắc về xuất xứ.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại phân tích, EU là thị trường xuất khẩu tạo thặng dư thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2019 thặng dư hơn 26,5 tỷ USD.

Khi EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ ngay 86% các dòng thuế cho hàng hóa Việt Nam, trong khi Việt Nam mới giảm 50% số dòng thuế đối với hàng hóa EU. Nhờ ưu đãi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam vào EU dự báo sẽ tăng 3-5%/năm, sau 3 năm có thể tăng thêm 10%.

Về lâu dài, khi EU thâm hụt thương mại sâu hơn sẽ có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.

“Các nhóm hàng Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu lớn vào EU bao gồm điện thoại, linh kiện điện tử; giày dép và dệt may; trong đó, giày mũ da và sợi đã từng có tiền lệ bị EU khởi xướng điều tra chống bán phá giá; thép và các sản phẩm liên quan cũng được EU bảo hộ trên toàn cầu. Ngoài ra, nông sản (thịt, sữa) và đồ gỗ là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nhưng lại là nhóm ngành 'nhạy cảm' được EU bảo hộ, do đó việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này trong tương lai cần cẩn trọng trong thực hiện quy tắc xuất xứ và cân đối năng lực sản xuất với kim ngạch xuất khẩu”, bà Phạm Châu Giang cảnh báo.