Doanh nghiệp Việt: Lửa thử vàng
(Tài chính) Bối cảnh kinh tế khó khăn như “ngọn lửa thử vàng” thử thách “sức bền” của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh việc “đổ lỗi” cho khách quan, cũng cần phải nhận diện những “rào cản” để gỡ “khó” cho doanh nghiệp, giúp họ phát triển bền vững.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang “thanh lọc”
Sau nhiều năm liên tục suy giảm kinh tế, tăng trưởng dưới tiềm năng, bức tranh doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao.
Trong năm 2011, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước là 77.548 doanh nghiệp, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm là 513.700 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2010. Như vậy, năm 2011 lần đầu tiên kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp thành lập mới có sự giảm sút đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, tình trạng doanh nghiệp hoạt động khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động đã tăng mạnh so với các năm trước đây. Cụ thể, năm 2011, tổng số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động là 53.972, tăng 24,8% so với năm 2010. Trong đó, số doanh nghiệp đã chính thức giải thể là 7.611, tăng gần 15% so với năm 2010; số doanh nghiệp phải đăng ký tạm ngừng hoạt động hoặc không đăng ký nhưng ngừng thực hiện nghĩa vụ thuế là 46.361, tăng 26,6% so với năm 2010.
Năm 2012, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 69.874 và doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là 54.261 doanh nghiệp (trong đó có 44.906 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 9.355 doanh nghiệp giải thể).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 6.742 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động vẫn tăng tới 12,8% so với cùng kỳ năm 2012, với khoảng 35.717 doanh nghiệp. Như vậy, chỉ trong 9 tháng đầu năm, đã có 42.459 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, cho thấy tình hình kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Điểm sáng trong lĩnh vực này, đó là trong 9 tháng, có 11.299 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Trong khi đó, quý III/2013, cả nước có 19.323 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 87.798 tỷ đồng, giảm 16,7% về số doanh nghiệp và giảm 23,1% về số vốn đăng ký so với quý II/2013; đồng thời tăng tương ứng 23% và 10,6% so với quý I; Quý III/2013, tăng 11,4% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, giảm 18,9% về số vốn đăng ký.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 58.231 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 281.359 tỷ đồng, tăng 10,8% về số lượng doanh nghiệp nhưng giảm 21,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Những vấn đề gây “khó” doanh nghiệp
Có nhiều nguyên nhân gây nên khó khăn đối với doanh nghiệp nước ta. Bên cạnh những thử thách do tiến trình hội nhập mang lại, có thể thấy, nhiều hạn chế, khó khăn lại xuất phát từ nguyên nhân nội tại của điều hành vĩ mô. Đó là:
Thứ nhất, chính sách kinh tế của Nhà nước thay đổi, mà không được báo trước, nhiều thủ tục hành chính còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thực tế, các quy trình chính sách của Việt Nam hiện đang bộc lộ một số hạn chế sau:
- Quy trình dài và không linh hoạt: Hiện nay, trung bình quá trình ban hành một luật mới mất hai năm, pháp lệnh hoặc luật bổ sung và sửa đổi mất một năm;
- Sự không phù hợp và không rõ ràng của chính sách: Các chính sách trong nhiều trường hợp là quá chung chung, mơ hồ, không rõ ràng và không đáp ứng được yêu cầu của xã hội và thị trường;
- Quy trình thủ tục chưa chặt chẽ: Thiếu cơ chế có tính hệ thống để đánh giá và thẩm tra các nội dung của chính sách;
- Thiếu tầm nhìn, thiếu trọng tâm và xác định thứ tự ưu tiên trong hoạch định chính sách;
- Mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí xung đột giữa các chính sách, thiếu sự gắn kết giữa kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn.
- Còn áp đặt chủ quan và thiếu minh bạch trong việc giải thích, giải trình và áp dụng các chính sách;
- Hiệu quả thấp trong việc thực thi chính sách.
Bên cạnh đó, Nhà nước còn có nhiều thay đổi đột ngột về chính sách kinh tế, nhiều trường hợp can thiệp hành chính quá nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình là việc thay đổi liên tục các chính sách liên quan đến thị trường ô tô năm 2011. Cụ thể: Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20, ngày 12/5/2011 siết nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Theo đó, đã loại hoàn toàn các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu xe khỏi vòng "chiến đấu".
Một số doanh nghiệp phải xin làm phân phối chính hãng cho xe Trung Quốc, trong khi nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc chuyển hướng kinh doanh. Một tháng sau, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 45/2011/NĐ-CP, ngày 17/6/2011 có hiệu lực từ 1/9/2011, quy định tăng khung lệ phí trước bạ ô tô từ 10-15% lên 10-20%, và mức thu cụ thể sẽ do các tỉnh, thành tự quyết tùy điều kiện địa phương. Chính sách này đã tạo ra một đợt mua xe lại ào ào diễn ra tại hai thành phố lớn nhất nước để tránh phí cao; giá xe lại tăng và nhiều mẫu xe lại "cháy" hàng.
Sáu tháng sau, Bộ Giao thông vận tải lại đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân với ô tô từ mức 20-50 triệu đồng/xe tùy dung tích xi lanh. Năm sau tăng thêm 5 triệu đồng/xe so với năm trước, khiến nhiều người lo lắng tạm ngừng mua xe. Chính sách này khiến thị trường ô tô bị “đóng băng” sau đó. Điều này khiến các doanh nghiệp hoạt động trong ngành ô tô thiệt hại không ít. Đến nay, thị trường ô tô vẫn chưa thể khởi sắc trở lại, một phần do sự thay đổi liên tục của chính sách.
Vì thế, trong thời gian tới, cần:
- Nhà nước cần công khai minh bạch các thủ tục xây dựng, quy trình hành chính giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp;
- Từng bước và sớm thực hiện Chính phủ điện tử nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Nhà nước cần thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, có kế hoạch hoàn chỉnh hệ thống luật pháp bảo vệ doanh nghiệp. Cụ thể: Xây dựng hệ thống chính sách kinh tế hoàn chỉnh và ổn định dài hạn đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp (trong nước tại Việt Nam), giúp họ yên tâm đầu tư và nếu có thay đổi phải dự báo trước ít nhất 1, 2 năm (tốt nhất dự báo từ 3 năm trở lên) để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị; Có kế hoạch hoàn chỉnh (cụ thể) hệ thống luật pháp bảo vệ doanh nghiệp, trong thành lập, trong thủ tục phá sản doanh nghiệp…
- Có kế hoạch quốc gia, xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ quản trị doanh nghiệp (các CEO và nguồn kế cận…): Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng lực lượng cho phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, đơn giản nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà buông lỏng kỷ cương. Cần nâng cao tính giám sát, “hậu kiểm” của Nhà nước.
Thứ hai, trong một thời gian dài lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam quá cao.
Từ năm 2010, do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới và bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước kéo dài; lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam rất cao. Cụ thể, theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê vào tháng 5/2012, phần lớn doanh nghiệp đang vay vốn với lãi suất rất cao. 78,5% số doanh nghiệp đã phải trả mức lãi suất từ 16% trở lên; hơn một nửa số doanh nghiệp phải trả mức lãi suất từ 18% trở lên. Mặc dù đến nay, lãi suất đã giảm nhiều, song những hệ lụy của một thời gian dài bị áp lãi suất cao vẫn còn chưa “nguội”!
Do lãi suất cao, nên chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao. Chi phí đầu vào tăng đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Đây là yếu tố mang tính quyết định làm thấp năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Chưa nói, chính hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang kẹt giữa lãi suất huy động cao với lãi suất cho vay đang chịu sức ép giảm dần trong mấy năm gần đây. Điều này cũng đang gây rất nhiều phiền hà cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
Thứ ba, công nghệ thấp khiến khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam kém.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp nước ta đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm xây dựng cơ chế chính sách tài chính quốc gia phục vụ các hoạt động đổi mới công nghệ” (tổ chức ngày 30/10/2012, tại Hà Nội), phần lớn doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư cho R&D/GDP tại một số quốc gia khác cao hơn rất nhiều: 3,57% tại Hàn Quốc; 1,7% tại Trung Quốc (năm 2009); và Ấn Độ là 0,76% (năm 2007).
Còn theo Khảo sát tình hình sử dụng thiết bị - công nghệ và tư vấn công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện và công bố năm 2012, thì đa số các doanh nghiệp sử dụng công nghệ của những năm 80 của thế kỷ trước, 69% doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên vật liệu, 52% phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ nhập khẩu và 19% doanh nghiệp lệ thuộc vào bí quyết công nghệ. Số cán bộ, kỹ thuật có chuyên môn của doanh nghiệp cũng chỉ đạt 7% so với nhu cầu.
Vì lý do lạc hậu về công nghệ, nên chi phí sản xuất của doanh nghiệp luôn cao hơn chi phí trung bình của thế giới từ 10-30%, trong khi chất lượng chưa tương xứng khiến cho hàng hóa của Việt Nam rất khó cạnh tranh với các hàng hóa cùng chủng loại của nước ngoài trên thị trường quốc tế, khu vực và ngay cả thị trường trong nước. Do vậy, cần phải thực hiện phương châm liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Sự liên kết và hợp tác sẽ tạo ra sức mạnh cho các nhóm doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế cùng sản xuất, kinh doanh một (hoặc một số) sản phẩm nhất định.
Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại, thích hợp và cung cấp thông tin công nghệ, thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này tăng cường cạnh tranh trong sản xuất, chế biến sản phẩm. Chính phủ cần thành lập một số tổ chức hỗ trợ tư vấn (bằng các hình thức đa dạng) trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, có thêm một tiềm lực mới trong công cuộc hội nhập quốc tế.
Thứ tư, đội ngũ chủ chốt quản trị doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2010, thiếu nền tảng giáo dục và đào tạo cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp và khả năng tích lũy vốn đã hạn chế khả năng của doanh nghiệp để có thể chuyển dịch từ việc dựa vào các nguồn lực vật chất sang dựa vào tri thức, cũng như từ mô hình sản xuất thâm dụng lao động sang sử dụng vốn nhiều hơn.
Một thách thức lớn đối với phát triển của khu vực tư nhân trong nước là tình trạng méo mó của các thị trường và hệ thống động lực. Đầu cơ bất động sản và các hoạt động ngắn hạn thường đem lại lợi nhuận lớn hơn nhiều so với đầu tư để nâng cao công nghệ, phát triển sản phẩm mới, hoặc cải thiện kỹ năng lao động đã tồn tại một thời gian dài. Do đó, các doanh nghiệp thiếu động lực để đầu tư nghiêm túc vào việc nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, công tác quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp Việt còn rất yếu. Báo cáo khảo sát thực trạng quản trị nhân sự của doanh nghiệp Việt Nam năm 2011 từ 437 doanh nghiệp của Diễn đàn Nhân sự Việt Nam (HRLink) cho thấy rõ thêm về một góc nhìn trong quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Cụ thể: có gần 34% doanh nghiệp chưa có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực; 43% doanh nghiệp đã và đang đầu tư nhiều cho quản trị nhân sự và bộ phận nhân sự. Đặc biệt, vẫn còn 25% cho rằng, doanh nghiệp mới dừng lại ở tư duy mà chưa hành động; 30,86% doanh nghiệp cho biết, công tác quản trị nhân lực vẫn dừng lại ở hành chính nhân sự. Điều này cho thấy, quản trị nhân lực của doanh nghiệp yếu thực sự.
Thứ năm, giá trị gia tăng của doanh nghiệp thấp. Thực tế cho thấy, đa số các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên, vật liệu cho sản xuất, kinh doanh. Do vậy, trong thời gian gần đây, trừ năm 2012, nhập siêu luôn là nỗi lo của nền kinh tế. Đặc biệt, ở nhiều ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu chủ chốt, như: hàng da giày, dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thép và kim loại màu, sản phẩm nhựa, hàng điện tử, ô tô, xe máy…, lại là những ngành có tỷ lệ nhập siêu lớn nhất, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, giá cả các loại nguyên vật liệu này trên thế giới có xu hướng gia tăng một phần còn do điều hành tỷ giá, khiến nhiều nhóm sản phẩm có tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu khá cao, chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm.
Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chưa khẳng định được uy tín chất lượng sản phẩm dẫn tới giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân được lý giải là do, yếu tố cấu thành của tri thức, công nghệ của sản phẩm Việt Nam thấp, trong khi yếu tố sức lao động và nguyên vật liệu cao… Việt Nam đang nằm ở phân đoạn thấp trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, đó là phân đoạn gia công, lắp ráp.
Ngay cả tại một số ngành Việt Nam có nhiều lợi thế, thì doanh nghiệp cũng không thể phát huy, chiếm thế chủ động trên trường quốc tế. Điển hình như trường hợp ngành điều nước ta, mặc dù nắm giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu trong nhiều năm liền, nhưng do doanh nghiệp trong nước không xây dựng được thương hiệu, không có nhãn mác, nên các doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam không thể có được vai trò quan trọng trong điều tiết thị trường điều thế giới.
Thứ sáu, chất lượng lao động còn yếu.
Lao động là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bởi chi phí lao động rẻ, tuy nhiên, năng suất lao động chỉ ở mức thấp, chủ yếu là lao động thủ công, tác phong lao động công nghiệp còn kém. Vấn đề đặt ra là cần sớm khắc phục tình trạng này để lao động Việt Nam được đào tạo lành nghề, có năng suất cao để lao động thực sự trở thành một lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Theo đánh giá mới của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Một nghiên cứu khác cho thấy lao động Việt Nam chỉ đạt 32/100 điểm. Trong khi đó, những nền kinh tế có chất lượng lao động dưới 35 điểm đều có nguy cơ mất sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Nguồn lao động của nước ta có năng suất lao động quá thấp, đứng thứ 77/125 nước và vùng lãnh thổ, sau Indonesia, Philippines và Thái Lan trong khu vực. Tỷ lệ lao động không có chuyên môn ở Hà Nội hiện là 41,4%, Hải Phòng 64%, Đà Nẵng 54,4%, TP. Hồ Chí Minh 55% và Bà Rịa - Vũng Tàu là 62,9% (Doãn Công Khánh, 2013).
Thứ bảy, chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông và xúc tiến thương mại còn yếu.
Theo số liệu khảo sát của VCCI năm 2011, chỉ có gần 10% số doanh nghiệp là thường xuyên tìm hiểu thị trường nước ngoài và trong số này chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có hoạt động xuất - nhập khẩu; Khoảng 42% doanh nghiệp tìm hiểu thị trường nước ngoài không thường xuyên và khoảng 20% doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có các hoạt động tìm hiểu thị trường nước ngoài.
_________________
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo tình hình doanh nghiệp tháng 9/2013
2. Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (2010). Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010
3. Diễn đàn Nhân sự Việt Nam (HRLink) (2012). Báo cáo khảo sát thực trạng quản trị nhân sự của doanh nghiệp Việt Nam 2011
4. Doãn Công Khánh (2013). Kinh tế - xã hội Việt Nam nhìn từ bảng xếp hạng và các chỉ số, truy cập từ http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=22502&print=true