Doanh nghiệp Việt - nước đã đến chân

Theo Tâm An/nhandan.com.vn

Hơi thở của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã bỏng rát, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với một nguy cơ chưa từng có khi nếu không kịp thời thay đổi, họ sẽ trở thành nạn nhân của robot và trí tuệ nhân tạo...

Dệt may là ngành chịu nhiều áp lực của CMCN 4.0.
Dệt may là ngành chịu nhiều áp lực của CMCN 4.0.

Nhiều công nhân ở Công ty Cổ phần Bột giặt và hóa chất Đức Giang đã phải nghỉ việc nhường chỗ cho... robot. Ông Đào Hữu Huyền, Tổng Giám đốc công ty này cho hay: “Nhà máy 100 công nhân thì chỉ còn 10, 15 người trụ lại được, rất đau xót nhưng không có cách nào khác”. Và cứ đà này robot sẽ dần thay thế công nhân ở công ty Đức Giang và nhiều doanh nghiệp khác.

Mất việc vì robot

Chi nhánh của Công ty Đức Giang ở Lào Cai cứ 1.600 người thì có 300 người bị mất việc vì robot. Đến mức ông Đào Hữu Huyền lo ngại vài năm nữa những công nhân thất nghiệp ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng tới an sinh xã hội của tỉnh. Ở Công ty Đức Giang, Long Biên, dây chuyền bột giặt cũ với 100 người vận hành thì nay thay bằng hệ thống tự động hóa mới, chỉ cần 10-15 người.

Nhưng tỷ lệ nghỉ việc vì CMCN 4.0 ở nhiều doanh nghiệp khác còn khủng khiếp hơn Công ty Đức Giang. Nhiều công ty sản xuất mỹ nghệ ở Bình Dương đã phải cho 90% công nhân nghỉ việc vì khi nhập dây chuyền mới về chỉ năm robot đã thay thế được 100 công nhân! Công nhân không thể cạnh tranh với robot vì một robot vận hành sẽ cho ra 500 sản phẩm trong vòng một tiếng với tốc độ chính xác từng milimet. Robot làm việc không phải “như cái máy” mà là đúng nghĩa là một cái máy gần như hoàn hảo, nó không bị ảnh hưởng bởi tâm lý, không đói, không mệt, không vướng bận gia đình; chính xác và năng suất, số lượng, chất lượng lúc nào cũng ổn định.

Nhiều công nhân của các công ty thủy sản ở miền nam đã phải nghỉ việc khi một dây chuyền tự động hóa có “con mắt lazer” xuất hiện. Thí dụ khi tôm được đưa lên băng chuyền và đưa qua “con mắt lazer”, tôm được phân loại theo đúng kích cỡ quy định. Phân loại xong dây chuyền tự động sắp xếp tôm cùng kích cỡ vào một nhóm. Nếu như công việc này trước đây cần hàng trăm công nhân mà độ chính xác không cao thì giờ đây chỉ cần một dây chuyền này có thể giải quyết nhanh gọn.

Mới đây Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã dùng 1.000 tay máy thay cho người lao động và tiết kiệm được 2 tỷ đồng trong một năm khi mà năng suất cao và đều hơn hẳn.

Robot cũng đã và đang tới những công ty lớn của Việt Nam. Hiện tại Nhà máy sữa Mega của Vinamilk đã được đầu tư tới 2.400 tỷ đồng để tự động hóa các khâu sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng cho đến đóng gói, đóng thùng và chất lên pallet dẫn tới nhiều nhân công bị sa thải.

Ở Đài Loan thì Foxconn - doanh nghiệp đã giàu lên từ việc chuyên “dùng sức người” để gia công phụ kiện cho Apple, Sony và Nokia - vừa qua đã cắt giảm tới 60 nghìn công nhân, tức là hơn một nửa lượng lao động hiện có để thay thế bằng robot. Và câu chuyện tương tự hoàn toàn có thể xảy ra tại Samsung, với hơn 100 nghìn công nhân hiện tại ở Việt Nam và rất nhiều doanh nghiệp FDI khác đầu tư vào những ngành thâm dụng lao động trình độ thấp sẽ nhanh chóng áp dụng công nghệ thay thế. Viễn cảnh robot chiếm việc làm của những người lao động chân tay đang hiển hiện ở Việt Nam. Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, trong ba năm gần đây, số lượng những công việc cần trình độ thấp đã tăng trung bình tới 47%/năm. Tuy nhiên, số lượng người làm những công việc này được thống kê chỉ tăng ở mức 8%. Vậy, câu hỏi được đặt ra là phần lớn những công việc “chân tay” này đã được thực hiện bởi thứ gì nếu không phải robot, các dây chuyền tự động hóa cao, trí tuệ nhân tạo.

Nguy cơ công nhân mất việc vì CMCN 4.0 còn cao hơn những ngành thâm dụng nhiều lao động vốn chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, da giày và điện tử. Báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông - Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành này. Một khối lượng lớn công việc dành cho con người sẽ dịch chuyển dần sang cho robot. Khi đó, lao động giá rẻ làm việc tại các nhà máy dệt may mà cụ thể là khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia... sẽ đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngay trên chính quê hương mình. Bên cạnh đó, dệt may Việt Nam trong giai đoạn CMCN 4.0 sẽ phải đương đầu với nguy cơ sản xuất quay lại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... là những quốc gia, khu vực có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, dệt may sẽ là một trong số ngành chịu sự tác động lớn trước cuộc CMCN 4.0 tới đây. “Đâu đó người ta đưa ra con số khoảng hai triệu lao động dệt may mất việc làm, quả là bi thảm nhưng chúng ta phải chấp nhận để thay đổi. Mấu chốt là phải thay đổi, nghĩ khác về kinh doanh trong thời 4.0”.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với CMCN 4.0 một nhà máy có 3 vạn cọc sợi trước đây phải cần tới 450 lao động, thì bây giờ chỉ cần tối đa 30 người. Trong lĩnh vực dệt, trước đây một công nhân có thể chỉ đứng hai máy, thì hiện có thể đứng 8 - 10 máy, thậm chí 12 máy... Do đó, khi CMCN 4.0 diễn ra, sẽ có một lượng lớn công nhân trong ngành dệt, sợi bị dư thừa.

Ở Công ty Việt Thắng Jean, trước đây một dây chuyền sản xuất để làm ra được 10.000 sản phẩm mỗi ngày cần khoảng 2.200 công nhân. Trong vòng một năm qua, công ty này đã từng bước đầu tư nhiều hơn các loại thiết bị tự động như máy laser tạo hoa văn, máy cắt chỉ, máy tạo mảng khối... Điều này giúp công ty giảm số lượng công nhân trên dây chuyền còn lại chỉ 800 người.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đối với ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản như dệt may thì việc áp dụng CMCN 4.0 sẽ rất quan trọng với nhiều cơ hội mới nếu sớm được triển khai sâu rộng. Việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn có khả năng tăng năng suất theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Mặc dù vậy nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn cho rằng cách mạng 4.0 chỉ ảnh hưởng tới một số khâu chuyên biệt, còn các phần khác đặc biệt là khâu thiết kế thì không “chạm” tới được. Chính vì thế mà nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn bình chân như vại trước cuộc cách mạng 4.0 đang tiến nhanh với tốc độ chóng mặt.

Doanh nghiệp Việt vẫn còn“đủng đỉnh”

Với CMCN 4.0, cơ hội của người này đôi khi lại là bi kịch của người khác. Từ khi xuất hiện hình thức ta-xi dựa vào ứng dụng internet trên điện thoại thông minh, nhiều lái xe đã kiếm bộn tiền nhờ hợp tác với Grab và Uber nhưng các hãng taxi truyền thống đứng trước nguy cơ bị thu hẹp dần thị phần và có thể phá sản. Hãng ta-xi truyền thống hàng đầu Vinasun cho biết, chỉ riêng trong quý I năm nay, đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi mà nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh của Uber và Grab. Đã có 10.084 tài xế ký tên xin công đoàn cho phép tuần hành phản đối. Hãng này đã phải gửi động, 6% không biết.

Tuy nhiên, về chiến lược có đến 79% số DN được khảo sát trả lời rằng họ chưa làm gì để đón sóng cuộc CMCN 4.0; 55% số DN cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu; 19% số DN đã xây dựng kế hoạch; chỉ có 12% số DN đang triển khai.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ CMCM 4.0 “trừ” mình ra. Hoặc nói như ông Lê Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm sáng tao CMC, hiện có tình trạng chỗ nào cũng nói đến CMCN 4.0 nhưng không biết phải làm gì.

Ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay: “Mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với cuộc CMCN 4.0 ở mức trung bình thấp. Điều này thể hiện qua hai khía cạnh, các chỉ số và công nghệ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực công nghệ ở Việt Nam về cơ bản vẫn chưa sẵn sàng, chưa tương đương với ASEAN. Chúng ta còn có một điểm yếu nữa là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, ưu điểm của nước ta là mật độ thuê bao di động vượt xa các nước có mức thu nhập tương đương trong khu vực ASEAN”.

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dùng từ “đủng đỉnh” để miêu tả tốc độ đổi mới của doanh nghiệp Việt Nam với CMCN 4.0 trong khi nhiều nước đang “quyết đấu” với cuộc cách mạng này cách đây gần chục năm rồi. “Đối thủ đang thắng chúng ta về năng suất, thị trường, chúng ta không thay đổi sẽ tụt lại phía sau. Trung Quốc là bài học cần nghiên cứu”, ông Thiên nhấn mạnh. CMCN 4.0 với các doanh nghiệp Việt Nam “nước đã đến chân”, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với 3.0, thậm chí 2.0.