Doanh nghiệp Việt thay đổi cách bán hàng để vực dậy thị trường nội địa


Để vực dậy thị trường nội địa trong mùa mua sắm Tết và cho năm 2024 sắp đến, điều rất cần ở các doanh nghiệp Việt là phải có sự thay đổi một cách rõ nét trong cách thức bán hàng. Nhất là cần vận dụng các nền tảng công nghệ mới với cấp độ cao hơn để thích ứng với xu thế mới của người mua (vốn dĩ ngày càng thành thạo công nghệ và có yêu cầu cao về kỹ thuật đối với các nhà bán hàng).

Để cải thiện sức mua trong mùa mua sắm Tết và cho năm 2024 sắp đến đang đòi các DN Việt cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức bán hàng.
Để cải thiện sức mua trong mùa mua sắm Tết và cho năm 2024 sắp đến đang đòi các DN Việt cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức bán hàng.

Để góp phần vực dậy thị trường trong mùa mua sắm Tết và cho năm 2024 sắp đến, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Thương mại và Chiến lược của MM Mega Market Việt Nam, cho biết một trong những chiến lược trọng tâm là hợp tác với các nhà cung cấp, khách hàng để tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ hơn, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Phải nhanh chóng chuyển hướng

Tuy vậy, ông Toàn có lưu ý là hiện nay người mua đang hướng đến những sản phẩm có giá thấp hơn và tập trung vào giá trị của sản phẩm. Trong khi đó, nhà sản xuất lại không có kế hoạch sản xuất rõ ràng, thiếu dự báo sản xuất cụ thể và thiếu thông tin đối với các chương trình của các doanh nghiệp (DN) đang kinh doanh trong lĩnh vực phân phối.

Và đây là một trong những lý do khiến cho khó khăn của các nhà sản xuất nội địa càng thêm chồng chất khi chưa giải quyết được một cách hiệu quả về đầu ra của sản phẩm. 

Quanh vấn đề này, chia sẻ tại một diễn đàn kinh tế bàn về kích cầu tiêu dùng nội địa diễn ra ở Tp.HCM vào ngày 19/12, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn KIDO, nhấn mạnh điều quan trọng mà các DN cần làm trong lúc này là phải nhanh chóng chuyển hướng, thay đổi trong cách thức bán hàng với mục tiêu là bán được hàng.

Nhìn từ mức độ hiệu quả của việc tổ chức phiên livestream bán hàng cho các tiểu thương ở chợ Bến Thành mới đây, ông Nguyên có lời khuyên cho các DN là cần tham khảo để tìm ra giải pháp bán được nhiều hàng hóa hơn thông qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) cũng như cần có các đầu mối để hỗ trợ DN áp dụng công nghệ trong bán hàng trên các nền tảng trực tuyến.

Còn theo ông Phạm Nguyễn Thái Huy, Phó tổng giám đốc Gigamall Việt Nam, hiện nay lượng hàng hóa tồn kho đối của các nhãn hàng còn rất nhiều. Cho nên các nhãn hàng sẽ tập trung những chương trình kích cầu trong mùa mua sắm Tết và đầu năm 2024, và để kích thích sức mua thì rất cần đẩy mạnh bán hàng qua kênh TMĐT. 

Mặt khác, trong xu hướng bán hàng đa kênh như hiện nay, khi mà người mua thường sử dụng kỹ thuật thành thạo hơn, dẫn tới họ sẽ có yêu cầu cao về kỹ thuật đối với các nhà bán hàng. Điều này đòi hỏi các DN Việt cũng phải đầu tư nhiều hơn để cải tiến công nghệ của các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp nhằm đảm bảo hành trình tìm kiếm và mua hàng của khách hàng sẽ suôn sẻ, dễ dàng và nhanh chóng.

Trong bối cảnh đầu ra của các DN vẫn còn đầy thách thức dù đang trong mùa mua sắm Tết, giới chuyên gia cho rằng họ cần phải ứng dụng công nghệ trong bán hàng một cách mạnh mẽ hơn để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới. Nhất là thị trường tiêu thụ ở các đô thị lớn, với công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển thì các DN càng cần bán hàng một cách nhân bản hơn. 

Theo đó, việc siêu cá thể hóa đến từng khách hàng được xem là yếu tố quyết định, là xu thế bán hàng trong hiện tại và cho tương lai. Thế nhưng, có nhiều DN nội địa vốn dĩ vẫn “chậm chân” trong việc thích ứng với xu hướng mới này, chỉ nghĩ đến thay đổi khi khó khăn. Đây cũng là lý do khiến nhiều DN lún sâu vào khủng hoảng đầu ra khi chậm thay đổi. 

Vận dụng công nghệ vào bán hàng với cấp độ cao hơn

Về vấn đề này, ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghệ Chọn lọc thông tin InfoRe, bày tỏ rằng các DN nên có cái nhìn tổng quan về các xu hướng công nghệ hàng đầu hiện nay và cách ứng dụng chúng một cách hiệu quả vào các chiến lược tăng trưởng bán hàng của DN.

Nhất là việc áp dụng AI trong bán hàng một cách hiệu quả có thể mang lại kết quả tăng trưởng bán hàng mà DN cần. Cho nên, theo ông Thành, các DN nên vận dụng tốt AI trong bán hàng với cấp độ cao hơn nữa. Từ đó giúp cho DN có thể hoàn toàn chủ động sử dụng AI, bởi vì đây vốn là một nguồn thông tin lớn, có khả năng suy luận một cách cơ bản và làm việc hiệu quả.

Bên cạnh đó, các DN Việt cũng cần quan tâm nhiều hơn đến xu hướng hấp thụ KOC (những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường nhờ sự am hiểu và đầy trải nghiệm), như một “công cụ” hiệu quả, có thể giúp tăng trưởng doanh thu bán hàng cho họ vào mùa mua sắm này.

Theo giới chuyên gia, khi sức mua vẫn còn nhiều thách thức thì việc tối ưu chi phí và đạt doanh số thực tế mới là điều quan trọng nhất của DN. Trong khi đó, người tiêu dùng lại đặt nặng về giá cả, do vậy các KOC trở thành kênh trung gian có thể đáp ứng các mong muốn đó. 

Tuy nhiên, các DN cần nhận thức được việc KOC không “thần thánh hoá” được doanh thu, họ cũng có những hạn chế nhất định và nhãn hàng nên thận trọng trong việc chọn lựa ra những KOC phù hợp với họ. 

Ngoài ra, theo TS. Hoàng Ái Phương, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Digital Marketing tại Khoa Kinh doanh (Đại học RMIT), các DN Việt cần duy trì minh bạch trong tiếp thị và giá cả để tạo dựng niềm tin và uy tín với người tiêu dùng. Họ cũng nên thúc đẩy gắn kết cộng đồng và chương trình khách hàng thân thiết thông qua các sự kiện địa phương, chương trình khuyến mãi để xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.  

Và điều không thể thiếu, theo Ts. Phương, đó là các DN cần phát triển các chương trình khuyến mãi nhắm đến nhu cầu và sở thích cụ thể của người tiêu dùng. Chẳng hạn như việc kết hợp các gói khuyến mãi với những mặt hàng thiết yếu hoặc sản phẩm tập trung vào sức khỏe.

Bên cạnh đó, ngay như trong vấn đề bán hàng đa kênh, để tác động đến các yếu tố cá nhân như nhận thức và thái độ của người mua thì các DN cũng cần thấu hiểu các thuộc tính kênh giúp thu hút và hỗ trợ khách hàng trong quá trình tìm kiếm và mua hàng trên cả kênh trực tuyến và trực tiếp. Các DN cũng nên tập trung nghiên cứu tác động của thiết bị di động đối với hành vi mua sắm của khách hàng.

Theo Thế Vinh/vnbusiness.vn