Doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong "sức ép" tỷ giá


Các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật tình hình lạm phát, lãi suất, tác động của dịch bệnh COVID-19 hay căng thẳng Nga – Ukraine... để chủ động lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi. 

Lao đao vì tỷ giá

Phải “gánh” các khoản chênh lệch tỷ giá, ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, một công ty trong khu công nghiệp đang làm các thủ tục để nhập khẩu máy móc với giá 300.000 USD. Thay vì dự toán bỏ ra dưới 7 tỷ đồng để nhập khẩu, nhưng khi USD tăng giá, DN sẽ phải bỏ ra từ 7,3 - 7,5 tỷ đồng.

Với biến động của tỷ giá, Dệt may được cho là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ông Võ Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh – DN có thị trưởng trọng điểm là Nhật Bản cho hay, doanh số xuất khẩu của DN sang thị trường Nhật Bản đang bị giảm mạnh. Từ nhiều tháng nay, các đối tác Nhật Bản yêu cầu công ty giảm giá đơn hàng đã ký để cùng chia sẻ khó khăn trong thời điểm bị thua lỗ về tỷ giá. Do đó, DN của ông Võ Thanh Tuấn đã buộc phải chấp nhận đề nghị này nhằm giữ chân khách hàng, tuy nhiên, về lâu dài,, sẽ rất khó để có thể duy trì tình trạng này.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, tỷ giá tăng nhưng các DN xuất khẩu không thể vui, vì giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể. Chưa kể, lạm phát tăng nhanh khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, đơn hàng ngày càng ít, các nhà nhập khẩu liên tục "ép" giá.

"Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh. Đây là tình trạng chung với DN nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu"-  Ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.Hồ Chí Minh cũng nhận định, cả với nhiều DN không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể.

Tương tự như ngành Dệt may, hoạt động xuất khẩu của các DN thủy sản cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng của “sức ép” tỷ giá. “Sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể, cộng với biến động tỷ giá làm cho hoạt động xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Những tháng cuối năm, nhiều nhà máy sẽ đối mặt cùng lúc hai sức ép. Đó là giảm giá xuất khẩu, nhưng phải tăng giá thu mua nguyên liệu do nguồn cung thiếu” - Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam cho hay.

"Nhiều nhà máy hiện đang đẩy mạnh đàm phán, chia sẻ hài hoà giá thu mua nguyên liệu và giá xuất khẩu, đồng thời tăng cường sản xuất hàng tinh chế để tạo sức cạnh tranh cho thuỷ sản Việt khi EU và Nhật Bản đều rất ưa chuộng các sản phẩm này", ông Mai Bá Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty chế biến xuất khẩu Tôm Việt chia sẻ.

Bên cạnh dệt may và thủy sản, DN ngành Gỗ cũng “quan ngại” trước diễn biến của thị trường. Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh, đang nhẽ các DN ngành Gỗ sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá USD khi bán được giá cao vào thời điểm xuất hàng tốt, song thời điểm hiện tại, các DN ngành Gỗ đang khó khăn về xuất khẩu. Nguyên nhân là do USD tăng giá cao, các DN bị ảnh hưởng khi nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường nước ngoài.

"Hiện các DN ngành Gỗ không dám nhập khẩu quá nhiều vì gặp tác động mạnh của giá đầu vào. Nếu đồng USD tăng giá cao, lãi suất ngân hàng cũng sẽ có xu hướng tăng, kéo theo các DN vốn đã khó tiếp cận nguồn tín dụng nay lại càng thêm khó khăn. Trong khi đó, giá bán không thể tăng do đã ký hợp đồng trước đó" -  ông Nguyễn Chánh Phương cho hay.

Xây dựng kịch bản ứng phó với diễn biến của thị trường

Để lường trước những biến động có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, tham gia quỹ bảo hiểm tỷ giá để đề phòng ngừa rủi ro là một trong những giải pháp cần thiết để các DN ứng phó với các biến động tỷ giá. Tuy nhiên, do phần lớn các DN xuất nhập khẩu trong nước đều là các DN vừa và nhỏ, nên còn rất ít DN tham gia quỹ bảo hiểm này.

“Chính vì vậy, trước mắt các DN cần phải làm tốt hơn công tác dự báo để lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh với những phương án thích ứng và các kịch bản ứng phó phù hợp nhất. Trong trung và dài hạn, các DN căn cứ vào diễn biến của của thị trường tiền tệ thế giới cần tính đến phương án thay đổi, đa dạng hóa thị trường tránh những bất lợi và thua thiệt do biến động của tỷ giá gây ra” - Ông Lê Quốc Phương nhận định.

ThS. Phan Minh Hòa - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT đưa ra khuyến nghị, các DN xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật tình hình lạm phát, lãi suất, tác động của dịch bệnh COVID-19 hay căng thẳng Nga – Ukraine... Từ đó để chủ động lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi. 

Theo ThS. Pham Minh Hòa, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, DN cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (swap), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.

TS. Đinh Thế Hiển nhận định: “Trong giai đoạn ít nhất 3 - 6 tháng tới, DN xuất khẩu của Việt Nam cần làm là phải cố gắng giữ vững đơn hàng và thị trường, đồng thời phải chấp nhận thiệt hại tài chính chứ không thể đặt ra mục tiêu có lời đối với các thị trường không sử dụng đồng USD”.

TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, nếu DN chỉ vì lo sợ chi phí tài chính trong vấn đề quy đổi tỷ giá như hiện nay mà bỏ sức đi tìm thị trường mới thì sẽ rất tốn kém tiền bạc và công sức, thậm chí có thể phải kéo dài hơn 3 - 6 tháng. Các DN Việt cần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất cho đến khâu chăm sóc khách hàng, từ đó hợp lý hóa sản xuất. Có như vậy, kết cấu giá thành của sản phẩm mới thể chịu được chí phí nguyên liệu.

Bảo Thương