Doanh thu thuế ở châu Á - Thái Bình Dương giảm mạnh sau đại dịch
Ngày 25/7, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo mới nhất về thống kê doanh thu thuế ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Theo đó, doanh thu thuế ở châu Á - Thái Bình Dương giảm xuống 19,1% GDP vào năm 2022 từ 20,3% vào năm 2019 do hậu quả của đại dịch COVID-19, đặt tỷ lệ thuế trên GDP trung bình trong khu vực thấp hơn mức trung bình của Tổ chức OECD và châu Mỹ Latinh và Caribean (LAC). Cụ thể, tỷ lệ thuế trên GDP đã giảm ở 19 trong số 26 nền kinh tế có dữ liệu năm 2020.
Mức giảm trung bình chung là 1,2 điểm phần trăm. Tỷ lệ thuế trên GDP trung bình của OECD tăng 0,1 điểm phần trăm lên 33,5% từ năm 2019 đến năm 2020 trong khi tỷ lệ thuế trên GDP trung bình ở khu vực LAC giảm 0,8 điểm phần trăm xuống còn 21,9%. Từ năm 2019 đến năm 2020, doanh thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm ở châu Á và Thái Bình Dương, mức giảm khiêm tốn hơn sau đó được quan sát thấy ở OECD (-0,4 điểm phần trăm) và trong khu vực LAC (-0,2 điểm phần trăm).
Chỉ có 7 trong số 18 quốc gia châu Á có tỷ lệ thuế trên GDP bằng hoặc cao hơn mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương là 19,1% vào năm 2020: Nhật Bản (31,4%), Hàn Quốc (28%), Việt Nam (22,7 %), Mông Cổ (21,2%), Campuchia (20,2%), Trung Quốc (20,1%) và Maldives (19,1%). Ở Thái Bình Dương, 6 nền kinh tế ghi nhận tỷ lệ thuế trên GDP cao hơn mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương (Úc, Quần đảo Cook, Nauru, New Zealand, Samoa và Tokelau) trong khi 4 nền kinh tế thấp hơn mức này (Papua New Guinea, Vanuatu, Fiji và quần đảo Solomon). Thu từ thuế thu nhập cá nhân không thay đổi theo tỷ lệ phần trăm GDP bình quân ở châu Á - Thái Bình Dương và khu vực LAC, trong khi tăng 0,3 điểm phần trăm ở OECD.
Báo cáo thống kê doanh thu ở châu Á và Thái Bình Dương do Trung tâm Quản lý và Chính sách Thuế của OECD và Trung tâm Phát triển OECD phối hợp thực hiện với sự đồng hành của Ngân hàng Phát triển châu Á, Hiệp hội Quản lý thuế các đảo Thái Bình Dương và cộng đồng Thái Bình Dương. Báo cáo cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Ireland, Nhật Bản, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh.