Phú Thọ: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy vai trò khuyến nông

PV.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm tổ chức lại sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho người nông dân là mục tiêu quan trong của Phú Thọ. Một trong những yếu tố để thực hiện tốt nhiệm vụ này, được Phú Thọ xác định là phát huy vai trò của công tác khuyến nông

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đặt nông dân vào vị trí trung tâm và có vai trò chủ đạo. Nhiều nguồn vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất.

Từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho trên 14,3 nghìn lượt cán bộ khuyến nông cấp huyện, cấp cơ sở và người nông dân về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Từ đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới.

Cụ thể, hàng năm đã lựa chọn được các giống có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện khí hậu và điều kiện canh tác của từng vùng để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Trong đó, diện tích lúa lai đạt trên 50% diện tích gieo cấy. Diện tích ngô lai chiếm tới 98%, diện tích chè giống mới đạt 71% diện tích chè hiện có; các giống sắn mới, cao sản được mở rộng sản xuất.

Toàn tỉnh đã tập trung phát triển 25 vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Cơ cấu mùa vụ được chuyển dịch theo hướng mở rộng trà xuân muộn, mùa sớm, mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, tăng diện tích gieo cấy lúa cải tiến SRI, gieo sạ, mạ ném; tiến hành chuyển đổi hơn 800ha diện tích lúa cao hạn sang trồng các cây màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-15%.

Trong chăn nuôi, tỷ lệ bò lai chiếm 65% tổng đàn, lợn lai chiếm trên 90% tổng đàn. Các giống vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao dần được phổ biến ở các địa phương; công tác lai tạo, cải tạo đàn gia súc được áp dụng rộng rãi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đảm bảo chất lượng và tỷ lệ thụ thai cao.

Việc nghiên cứu thử nghiệm các giống thủy sản mới đã đem lại những hiệu quả ban đầu, cơ cấu giống thủy sản đặc sản và các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao chiếm khoảng 35% cơ cấu giống. Các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP, nuôi cá tầm nước lạnh, nuôi cá lăng… cho kết quả khả quan. Nhiều biện pháp nuôi thâm canh, sử dụng thức ăn hỗn hợp, nuôi cá trong lồng trên sông được áp dụng ở một số vùng trọng điểm của các huyện như Cẩm Khê, Thanh Thủy, Tam Nông… cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt.

Các mô hình sản xuất mới gắn với khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, cải thiện thu nhập và phát huy sức sáng tạo của người dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

Việc đưa doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn có rất nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Để thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tỉnh ta đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát và xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020; tham mưu ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư; cơ chế lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để thực hiện chương trình. Theo đó, các lĩnh vực sản xuất sản phẩm đặc thù được hỗ trợ bao gồm: Trồng cây dược liệu, rau, củ, quả; chăn nuôi lợn thịt, lợn giống, gà giống, bò thịt; nuôi trồng thủy sản tập trung, nuôi cá lồng, hồ chứa thủy lợi, chế biến gỗ rừng; chế biến chè; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Như vậy, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ miễn, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ quá trình đền bù giải phóng mặt bằng; đầu tư cơ sở giết mổ và chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ, nông sản và hỗ trợ sản xuất lúa giống...

Bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất chế biến chè, rau quả… Nhờ vậy nhiều sản phẩm đã ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích các hình thức liên minh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, phòng chống thiên tai... Tổng vốn đầu tư phát triển trong năm 2014 đạt 1.253 tỷ đồng.

Với sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sau hơn 1 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo của các địa phương trong toàn tỉnh.

Phát huy vai trò khuyến nông

Có tìm hiểu, chứng kiến mới thấy được công việc cũng như những đóng góp của các khuyến nông viên cơ sở. Vừa lội vừa rẽ những gốc lúa để kiểm tra tình hình sâu bệnh cuối vụ trên cánh đồng, anh Nguyễn Đăng Khoa – khuyến nông viên xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn tâm sự: Thôi thì mùa nào việc đấy, từ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các chủ trương, chính sách đến với người nông dân; hướng dẫn bà con cách cày dầm cuốc ải cho ruộng; cách bố trí cơ cấu giống cho kịp mùa vụ; làm cầu nối để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đến với người nông dân; hướng dẫn về kỹ thuật để đẩy mạnh việc đưa các loại cây, con giống mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, kết hợp với việc đẩy mạnh thâm canh tăng vụ; tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm… rồi cả việc tuyển chọn các loại cây gì, con gì phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất… cũng do đội ngũ khuyến nông viên cơ sở thực hiện.

Trên chuyến công tác, chúng tôi ngang qua cánh đồng lúa khu Tràn Đần, xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, xuống hỏi chuyện với bà con về cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác giống lúa mới kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc cũng như năng suất lúa, bác nông dân tên Thu cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị và hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác không ngừng được nâng lên; nông dân đã am hiểu và vận dụng thành thạo hơn các tiến bộ kỹ thuật mới;… có được những thành quả đó, bên cạnh sự chỉ đạo, hướng dẫn chung của ngành nông nghiệp, chúng tôi còn có “quân sư ruộng đồng” hướng dẫn. Cười thật tươi với biệt danh mà bà con yêu mến vừa đặt cho, trả lời câu hỏi của chúng tôi, anh Lưu Văn Tài, khuyến nông viên cơ sở của xã Hồng Đà chia sẻ: Làm công tác khuyến nông cơ sở là phải bám đồng, lội ruộng cùng với người nông dân để hướng dẫn, giúp họ thực hiện sản xuất đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Ngày lội ruộng không đủ, những lúc đi chơi quanh xóm chúng tôi cũng tranh thủ tuyên truyền, làm công tác tư tưởng cho bà con nông dân, giúp họ hiểu được chủ trương, chính sách của nhà nước mà học tập, làm theo, bày cho bà con cách thực hiện các mô hình kinh tế mà nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Bên cạnh đó cũng phải lắng nghe ý kiến từ chính những người nông dân để có các phương pháp truyền đạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phù hợp, bà con nghe có thể hiểu, từ đó yên tâm từ bỏ tập quán canh tác vốn có từ lâu để làm theo.

Theo lời giới thiệu của cán bộ khuyến nông tỉnh, chúng tôi về Đoan Hùng - một trong những địa phương duy trì và phát huy rất tốt hoạt động của đội ngũ khuyến nông cơ sở. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Song Toàn - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đoan Hùng cho biết: Mặc dù nhận thức của nông dân trên địa bàn huyện không đồng đều dẫn đến công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, những năm qua, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở của huyện đã chủ động và làm tốt công tác theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã chỉ đạo điều hành có hiệu quả lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…; tích cực hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch; tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tế sản xuất. Chủ động theo dõi, dự báo tình hình; trực tiếp tham gia công tác phòng, chống, dập dịch trên cây trồng, vật nuôi, bảo vệ thành quả sản xuất. Các tổ khuyến nông cơ sở luôn cùng sát cánh với nông dân trong hầu hết các hoạt động sản xuất, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 277 tổ khuyến nông cơ sở với trên 680 khuyến nông viên cơ sở. Đây là lực lượng trực tiếp tổ chức các hoạt động khuyến nông trên địa bàn xã, sát cánh cùng với công việc đồng ruộng hàng ngày của nông dân… Bằng những việc làm thiết thực, đội ngũ này đã tạo được niềm tin và là chỗ dựa vững chắc của người nông dân và trở thành nguồn lực quan trọng góp phần thiết thực và hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, góp sức làm giàu cho quê hương, tạo tiền đề quan trọng trong tiến trình xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh…